11:05, 27/05/2016

Giành con

Phiên tòa ly hôn kết thúc trong những tiếng thở dài của hội đồng xét xử. Ra bãi gửi xe, cậu con út gần 5 tuổi hồn nhiên chạy theo chị cả và anh hai, định lên xe về nhà, nhưng bị người mẹ giữ lại, bồng lên xe chở về.

Phiên tòa ly hôn kết thúc trong những tiếng thở dài của hội đồng xét xử. Ra bãi gửi xe, cậu con út gần 5 tuổi hồn nhiên chạy theo chị cả và anh hai, định lên xe về nhà, nhưng bị người mẹ giữ lại, bồng lên xe chở về. Cậu con thứ hai định chạy theo em út, liền được cha ẵm qua bên đường, dụ bằng những món đồ chơi, quà vặt. Chỉ có chị lớn hiểu chuyện, lẳng lặng đứng chờ cha…

 

Người chồng xin ly hôn vì vợ hỗn với nhà chồng, tiêu xài hoang phí, đi sớm về khuya, ít quan tâm đến con cái và đề nghị được nuôi 1 con, nhưng nếu các con muốn, anh sẵn sàng nhận nuôi cả 3, không yêu cầu cấp dưỡng. Anh đi biển, chiều đi sáng về, thu nhập được khoảng 10 triệu đồng/tháng cũng đủ nuôi con. Người vợ bảo chị đang buôn bán hải sản xuất khẩu, thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng, nhưng do cả năm nay vợ chồng không nói chuyện nên chồng không biết. Hai vợ chồng mâu thuẫn chủ yếu vì cha mẹ chồng luôn xử ép chị. Bản thân chị không muốn ly hôn, nhưng nếu chồng đã quyết thì chị cũng đồng ý, với điều kiện chị phải được nuôi 2 con trai và chia căn nhà để chị có tài sản nuôi con. Nghe tòa thuyết phục chị nên nhận nuôi con gái lớn vì cháu đã 11 tuổi, sắp bước vào tuổi trưởng thành, rất cần sự gần gũi của người mẹ, chị vẫn không đồng ý, nói vì cháu đã lớn nên cha cháu nuôi được.


Run rẩy đứng dậy, con gái lớn cho biết cháu muốn ở với bố, vì bố có điều kiện nuôi cháu, cho cháu ăn học đầy đủ. Trả lời câu hỏi vì sao mẹ cũng có thể cho ăn học đầy đủ nhưng không chọn mẹ, cháu nghẹn ngào: “Mẹ đánh con nhiều”. Nghe vậy, người mẹ vội giải thích, đó là chị dạy dỗ cháu. Từ nhỏ đến lớn chị nuôi cháu, nhưng mấy tháng gần đây cháu về bên nội (liền bên cạnh) nên chị không chăm được, cháu học hành sa sút. Con gái chị lắc đầu: “Do mẹ đánh nhiều quá nên con sang nhà nội ở. Mẹ không cho con tiếp xúc với nhà nội, chứ con không hư”. Cháu nói vẫn liên tục đạt học sinh giỏi, còn được nhận học bổng.     


Tiến tới sát bàn chủ tọa để nhận dạng chữ viết trong tờ đơn xin được ở với mẹ, cậu con trai thứ hai thừa nhận đúng là chữ mình, nhưng nội dung do mẹ bày cho ghi. Mẹ có đến thăm, mua quà nhưng cháu vẫn muốn ở với cha.


Chợt nhớ lại phiên phúc thẩm vụ án ly hôn giữa năm ngoái. Đến giờ, người viết vẫn không quên được hình ảnh người vợ gục đầu khóc sau khi tòa tuyên giao con cho chồng và vẻ lạnh lùng của người chồng khi rời tòa. Cả hai đến tòa sau biết bao mâu thuẫn, tổn thương mà có lẽ người ngoài khó lòng hiểu được. Bên cạnh câu chuyện bị hành hạ, đánh đập, phải lo gánh vác kinh tế, người vợ tha thiết xin tòa cho nuôi con vì cháu đã ở nhà ngoại lâu, có hộ khẩu ở đó, đang chuẩn bị vào lớp 1 ở một trường có điều kiện rất tốt, nếu ở với cha sẽ mất hết cơ hội tốt với con. Người chồng thuyết phục rằng anh bị nhà ngoại cản trở nên dù muốn cũng không thể thăm con, đưa con đi chơi. Anh chia sẻ: Đôi khi ra biển chơi, thấy người khác đưa con đi chơi mà ao ước… Lời nói tại tòa là vậy, nhưng luật sư cho biết, nửa năm sau vẫn chẳng thấy người chồng tới đón con về nuôi hay yêu cầu thi hành án nếu quả thực bị người vợ cản trở!


Vẫn biết, khi nghĩa tào khang đã cạn, phải đưa nhau ra tòa, chuyện vợ hận chồng, chồng giận vợ âu cũng là lẽ thường. Có điều, trong lúc mải viện lý lẽ khẳng định mình đúng, chia giành tài sản, hoặc đơn giản là muốn xúc phạm, trả thù nhau cho bõ ghét, nhiều cha mẹ đã vô tình quên mất con trẻ và làm tổn thương chúng! Đáng tiếc, phải rất lâu sau đó, khi đã trả giá bằng tình cảm của chính con mình, họ mới nhận ra!


TAM THUẬT