08:03, 12/03/2016

Một lần thất hứa

Đó là một phiên tòa xúc động, bởi không chỉ có nước mắt của người cha, người mẹ và bị cáo Lê Đình Tiến Dũng (trú Vĩnh Phước, Nha Trang), mà còn có những giọt nước mắt của vị nữ thẩm phán - chủ tọa phiên tòa.

Đó là một phiên tòa xúc động, bởi không chỉ có nước mắt của người cha, người mẹ và bị cáo Lê Đình Tiến Dũng (trú Vĩnh Phước, Nha Trang), mà còn có những giọt nước mắt của vị nữ thẩm phán - chủ tọa phiên tòa.


Chính bị cáo Dũng cũng không lý giải được vì sao đang ngồi uống nước mía lại nảy sinh trộm xe máy tại quán, đem gửi vào bãi trông xe rồi quay lại đi xe của mình về. Có thể vì chiếc xe để quá hớ hênh: chìa còn cắm nơi ổ khóa, quanh đó không người trông coi; cũng có thể vì đúng lúc đó Dũng túng quẫn. Dũng nói trong nước mắt, bị cáo ly hôn với vợ đã 1 năm và được tòa giao cho nuôi con nhỏ 3 tuổi. Nguyên nhân chính khiến cuộc hôn nhân của hai vợ chồng đổ vỡ là do bất đồng. Người vợ cũ từng ngăn cản không cho bị cáo kinh doanh đồ điện, nhưng bị cáo lại lạc quan cho rằng sẵn có nghề thợ điện, việc buôn bán đồ điện sẽ dễ dàng. Nhưng kinh doanh khác nhiều so với làm công ăn lương, lại thêm không có vốn, phải đi vay lãi, lãi bán hàng không bù được lãi vay, nên càng làm càng lỗ. Dũng hy vọng làm ăn khấm khá hơn, nhưng kết cục nhận được chỉ là một khoản nợ lớn và sự chia tay trong thất vọng của người vợ.  


Trước ngày xảy ra vụ án, chủ nợ tới tận nhà đòi riết ráo. Bị cáo tính dẹp tiệm điện qua bên, đi làm thuê bằng tay nghề vốn có, nhưng đúng mùa mưa gió, chẳng ai thuê mướn sửa điện. Bị cáo không còn tiền đóng học phí cho con, cũng chẳng biết lấy gì nuôi con. Ngồi uống nước mía, suy nghĩ mông lung, không tìm được cách gì thì bị cáo chợt thấy chiếc chìa khóa còn cắm trong ổ khóa xe máy…  


Khóc rung đôi vai gầy guộc, người mẹ tóc đã nhuốm bạc cho biết, ông bà có 6 người con, Dũng là con đầu. Ông bà già rồi nên chẳng giúp được gì, mấy em Dũng cũng chỉ giúp phần nào. Từ trước khi ly hôn, Dũng đã loay hoay chuyện kinh tế nhưng luôn cố gắng lo cho con đủ đầy. Gia đình bà mới được công nhận gia đình văn hóa; chị em hàng xóm còn qua chúc mừng; anh công an khu vực biết gia cảnh khó khăn còn tới cho tiền mua sữa cho cháu, vậy mà…! Sau chuyện xảy ra, mấy người em của Dũng gay gắt tuyên bố không giúp đỡ gì nữa, vì anh làm mất thể diện gia đình. Còn bà vừa thấy thương Dũng, vừa thấy nhục.


Không một lời oán trách mọi người, bị cáo chỉ một mực bày tỏ sự ân hận, tự trách bản thân thiếu sáng suốt, thiếu ý chí, rồi lo lắng cho đứa con nhỏ.


Nghiêm nghị suốt phiên xử, tới lúc này, vị chủ tọa mới yêu cầu bị cáo nhìn thẳng vào mắt mình và cho biết, bà chính là chủ tọa phiên tòa ly hôn năm trước của bị cáo. Nhắc lại lời hứa chăm sóc con chu đáo của bị cáo trước đây, bà hỏi: “Vì muốn kiếm tiền nuôi con mà phạm tội, ra hầu tòa, phải chăng đó là cách chăm sóc con chu đáo?”. Dũng đau khổ bày tỏ lòng biết ơn vì hội đồng xét xử năm trước đã quyết định giao con cho bị cáo nuôi. Giờ thất hứa, để xảy ra vụ án này, không chỉ hối hận, bị cáo còn xấu hổ khi gặp lại vị chủ tọa.


Nghe thẩm phán tuyên 3 tháng 29 ngày tù, bằng đúng thời gian tạm giam nên bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, mẹ Dũng chắp tay cảm ơn rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. “Đây là bài học cuộc đời của bị cáo. Sau này, nhất định bị cáo sẽ không để mọi người thất vọng, không để con cái xấu hổ về cha nó”, Dũng nói trong nước mắt.


Rời phòng xử với đôi mắt còn ngân ngấn, vị chủ tọa cho biết, khi đọc hồ sơ, bà nhận ra ngay Dũng chính là đương sự trong vụ án ly hôn bà xử cách đây 1 năm. Vì thế, bà biết lời khai về hoàn cảnh của Dũng tại phiên tòa hình sự này là thành thật. Hội đồng xét xử xem xét và đánh giá bị cáo nông nổi, nhất thời phạm tội. Mức án đã tuyên đúng pháp luật, đảm bảo tính răn đe, đồng thời trao cho bị cáo một cơ hội. Hy vọng, đây là lần duy nhất Dũng thất hứa.


TAM THUẬT