Phiên tòa xét xử 2 bị cáo cùng trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa vào đầu tháng 3 như chùng xuống khi bị cáo Phan Thị Kim Phượng (sinh năm 1970) rưng rức khóc vì hối hận. Đứng bên, bị cáo Huỳnh Văn Vũ (sinh năm 1995) cũng cúi gằm.
Phiên tòa xét xử 2 bị cáo cùng trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa vào đầu tháng 3 như chùng xuống khi bị cáo Phan Thị Kim Phượng (sinh năm 1970) rưng rức khóc vì hối hận. Đứng bên, bị cáo Huỳnh Văn Vũ (sinh năm 1995) cũng cúi gằm.
Trước tòa, Phượng thừa nhận đã gửi Vũ 4,8 triệu đồng mang vào TP. Hồ Chí Minh mua cần sa về bán kiếm lời. Phượng còn đưa thêm cho Vũ 600.000 đồng tiền đi lại và sau khi “hàng” về, Phượng cũng trích lại 3 trong số 68 túi để “bồi dưỡng” Vũ. Số còn lại, Phượng bán đồng giá 100.000 đồng/túi. Hơn 1 tháng sau, Phượng bị bắt quả tang đang bán 2 túi cần sa. Sau đó, Phượng đã giao nộp đủ 5,1 triệu đồng tiền bán 51 túi. Phượng cũng khai nhận nảy sinh ý định kiếm lời bất chính khi thấy Vũ đến quán bán nước mía của mình ngồi hút cần sa và hỏi han chuyện mua bán cần sa. Mối lợi tưởng chừng quá “ngon ăn” đã khiến Phượng “mờ mắt”. 10 ngày sau, Phượng quyết định gửi tiền nhờ Vũ mua giúp. Khi được hỏi vì sao xin giảm nhẹ và xin hưởng án treo, trong khi với tội trạng này, hình phạt đã tuyên còn có phần nhẹ, Phượng chỉ ôm mặt khóc và lặp đi lặp lại: “Bị cáo biết sai rồi”.
Nghe hội đồng xét xử nhận định, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với việc bị cáo nộp lại 5,1 triệu đồng tiền thu lợi bất chính là không đúng, do đó giữ nguyên mức 4 năm tù, đồng thời kiến nghị giám đốc thẩm tăng hình phạt, Phượng bật khóc nức nở và mếu máo: “Bị cáo đã biết sai rồi mà sao…”.
Gần trưa, bên góc sân tòa ngập nắng, khi phiên xử kết thúc, bị cáo Phượng vẫn ủ ê ngồi tựa vào một thanh niên, hình như là người nhà của Vũ, vì bị cáo tới tòa một mình. Cảm giác như bị cáo muốn xỉu vì lo lắng, không biết rồi đây mức hình phạt sẽ bị tăng thành bao nhiêu năm. Cha mẹ đã mất, chồng đã ly hôn, 2 con đều trưởng thành (22 và 26 tuổi), hoàn cảnh này thật khó đánh giá là túng quẫn để làm liều. Vậy mà bị cáo lại không ưng hưởng chút lãi nhỏ mỗi ngày từ những ly nước mía, ham hố kiếm lời nhanh bất chính, và còn thực hiện nhiều lần. Phượng cũng chỉ trình bày lý do xin giảm án vì… con nhỏ, gia cảnh khó khăn, nhưng không kể rõ ràng được. Điều này có thể khiến người ta ngờ vực, liệu bị cáo đang khóc vì hối hận phạm pháp hay vì lo sợ phải vào tù?
TAM THUẬT