Suốt phiên tòa phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo Nguyễn Hữu Hợp (sinh năm 1990, trú Ninh Thủy, Ninh Hòa) nhắc đi nhắc lại: "Bị cáo chỉ nhằm bảo vệ gia đình", nhưng tòa không chấp nhận lý do đó.
Suốt phiên tòa phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo Nguyễn Hữu Hợp (sinh năm 1990, trú Ninh Thủy, Ninh Hòa) nhắc đi nhắc lại: “Bị cáo chỉ nhằm bảo vệ gia đình”, nhưng tòa không chấp nhận lý do đó.
Một vị thẩm phán phân tích: Ban đầu, lỗi thuộc về nhóm thanh niên ăn nhậu bên lề đường tới nửa đêm và rủ nhau tìm đánh người có mâu thuẫn, rồi đập cửa một nhà gần đó, gây ồn ào một vùng. Không khó hiểu khi mẹ bị cáo bực bội chạy ra la mắng vì bị đánh thức giữa đêm. Nhóm thanh niên say xỉn không thấy sai mà còn dùng cây đập vào hàng rào, ném đá vào nhà mẹ bị cáo. Lẽ ra, Hợp và các em phải hiểu những lời mắng mỏ đó không thể làm những thanh niên say xỉn kia tỉnh táo dừng lại, mà chỉ khiến họ kích động hơn, hò la đập phá mạnh hơn. Nếu lúc này, gia đình Hợp nín nhịn thì những tiếng hò la, những cái đập vào tường rào rồi cũng chấm dứt. Nhưng Hợp cũng lại kích động theo, dùng đá ném rồi cùng 2 em cầm cây, xẻng, cuốc chạy ra đuổi đánh những kẻ gây rối, khiến một người bị thương ở mặt, một người bị thương tật 35%.
Tại tòa, Hợp vẫn cố thanh minh: Mấy thanh niên đó xông vào đòi chém nên bị cáo phải bảo vệ gia đình mình. Tuy nhiên, Hợp cũng thừa nhận khi mình tấn công, các thanh niên kia chỉ cầm cây, chưa đánh ai… Bị cáo chỉ cúi đầu sau khi tòa tuyên án và phân tích: Có nhiều cách bảo vệ gia đình đúng pháp luật. Trong vụ án này, ban đầu các thanh niên kia đã vi phạm pháp luật, khiến bị cáo bức xúc. Tuy nhiên, không thể bao biện hành vi phạm tội của mình bằng hành vi vi phạm pháp luật của người khác. Nếu các bị cáo báo chính quyền, thay vì tự xử lý những kẻ gây rối, thì mọi chuyện đã khác. Giá như vào thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo sớm nghĩ đến chuyện mình là lao động chính, mới lập gia đình, có con nhỏ… mà kiềm chế hành vi thì có lẽ đã không có phiên tòa hôm nay, càng không có chuyện 2 em của bị cáo cũng phải chịu án treo - hậu quả của hành vi a dua khi bực tức.
Bản án 2 năm 6 tháng tù dành cho bị cáo Hợp chính là kết cục buồn cho ứng xử sai lầm, thiếu suy nghĩ.
TAM THUẬT