Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1995, trú Tuy An, tỉnh Phú Yên) vắng vẻ vì người dự chỉ có mẹ bị cáo. Bà sụt sùi từ khi thấy con trai đứng trước vành móng ngựa, và bật khóc rưng rức khi nghe căn nguyên khiến con cướp giật chiếc ví cầm tay của một phụ nữ.
Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1995, trú Tuy An, tỉnh Phú Yên) vắng vẻ vì người dự chỉ có mẹ bị cáo. Bà sụt sùi từ khi thấy con trai đứng trước vành móng ngựa, và bật khóc rưng rức khi nghe căn nguyên khiến con cướp giật chiếc ví cầm tay của một phụ nữ.
Thanh khai nhận, vừa xuất ngũ, Thanh quyết định từ Phú Yên vào Nha Trang xin việc làm. Trước đó, Thanh đã vay tiền của một công ty tài chính ở TP. Hồ Chí Minh để mua một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Vào Nha Trang, Thanh xin được một chân phục vụ quán nhậu và dự định sẽ làm kiếm tiền trả nợ dần. Nhưng mới làm được 2 tháng thì chiều đó, mẹ Thanh gọi điện thoại, hốt hoảng thông báo có người của công ty tài chính đến nhà đòi nợ. Nghe vậy, Thanh rất lo. Hết ca làm, Thanh phóng xe đi vô định, lòng rối bời. Đến khi bắt gặp một đôi vợ chồng chở con nhỏ phía trước, người phụ nữ để chiếc ví trên đùi, Thanh nảy sinh ý định cướp giật...
Trước tòa, Thanh rầu rĩ cho biết, do quẫn quá sinh liều, nhưng vừa cướp giật xong, Thanh đã hối hận nên cất giữ chiếc ví đó trong túi xách mang theo người, hy vọng trả lại cho chủ tài sản. Nhưng chưa kịp làm điều đó thì hôm sau đã bị công an truy xét đưa về làm việc. Thanh cũng lý giải, phải mua chiếc xe hơn 30 triệu đồng trong khi nhà khó khăn, để rồi bị thúc ép với khoản nợ hơn 13 triệu đồng vì nghĩ phải có chiếc xe đẹp một chút mới dễ xin được công việc lương cao.
Nghe vậy, mẹ Thanh khóc ròng. Bà bảo cũng tại bà không giàu có để mua cho con chiếc xe giá trị. Chính bà cũng cho rằng cần có xe đẹp mới dễ xin việc nên đã ủng hộ việc làm của con. Nhưng dù có chiếc xe đẹp, con bà cũng chỉ xin được một công việc với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Và mới làm được 2 tháng thì xảy ra chuyện. Giờ đây, con bà thụ án 3 năm tù. Chiếc xe đẹp - căn nguyên khiến con bà vào tù, đã được giao cho cơ quan thi hành án.
Điều mà mẹ bị cáo vẫn chưa nhận ra, là lỗi của bà không phải ở sự nghèo khó, mà là đã quá quan trọng chuyện hình thức. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ coi trọng hình thức thái quá của bị cáo. Đúng là trong quan hệ xã hội, mặc một bộ quần áo lịch sự, đi chiếc xe sạch sẽ, xử sự nhã nhặn chính là tôn trọng người khác và tạo thiện cảm trong mắt người đối diện. Nhưng điều này hoàn toàn khác với việc gồng mình trang bị những món đồ đẹp, đắt tiền mà quên chú trọng nâng cao trình độ, giữ gìn đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và năng lực làm việc... Một môi trường làm việc tốt không đo giá trị con người như vậy.
TAM THUẬT