09:01, 09/01/2016

Lấy oán báo ân

Phiên tòa ngày cuối năm xét xử vợ chồng bị cáo Trương Thị Ngọc Thu (sinh năm 1982, trú Ninh Diêm, Ninh Hòa) và Lê Công Đường (sinh năm 1979, trú Ninh Hải, Ninh Hòa) như nặng nề hơn bởi tiếng khóc rưng rức của người bị hại.

Phiên tòa ngày cuối năm xét xử vợ chồng bị cáo Trương Thị Ngọc Thu (sinh năm 1982, trú Ninh Diêm, Ninh Hòa) và Lê Công Đường (sinh năm 1979, trú Ninh Hải, Ninh Hòa) như nặng nề hơn bởi tiếng khóc rưng rức của người bị hại. Bà khóc một phần vì mất số tiền vàng mà 3 mẹ con tích cóp suốt 4 năm trời định mua nhà, nhưng chủ yếu vì uất ức với lối cư xử của vợ chồng bị cáo. Nghe con rể nói chuyện vợ chồng Đường (anh em con chú bác với con rể) ghi đề ở Ninh Hòa bị đổ nợ, phải chạy vào Nha Trang làm thợ hồ và xin cưu mang, bà đã đồng ý không chút băn khoăn. Phòng trọ mà 3 mẹ con bà thuê ở không rộng rãi, nhưng tấm lòng của bà không chật hẹp. Vậy nhưng, sau khi phát hiện ân nhân thi thoảng cất tiền vào tủ, từng ngày, từng ngày, Thu đã rút ruột túi tiền, thảnh thơi tiêu xài. Những đồng tiền tiết kiệm đó là mồ hôi nước mắt của cả 3 mẹ con, nên họ cẩn thận bọc đến 10 lần túi ni lông, nhưng vẫn chẳng ngăn được kẻ trộm trong nhà! Khi 5 triệu đồng, lúc 14 triệu đồng, có lần  tới 20 triệu đồng, lần khác lại lấy vàng, cứ vậy, Thu mang vàng đi bán, đưa tiền cho chồng mua xe, sắm vàng đeo, trả nợ… Người bị hại chỉ vô tình phát hiện ra khi nhấc gói tiền lên, thấy nhẹ bẫng. 

     
Vừa khóc, bà vừa bảo là đã quá tin người. Có lần, Thu giả vờ hồ hởi thông báo vừa trúng vé số nên “đãi” bà chầu cà phê. Ngồi uống cà phê, họ mua liền 50 - 60 tờ vé số, bảo vì trúng số nên mua tiếp. Lần khác Thu lại nói có một món tiền do người ở quê trả nợ, nên rủ bà đi mua nữ trang giả đeo cho đẹp. Nhưng sau đó, Thu bí mật quay lại mua vàng thật về đeo, khiến bà không nghi ngờ gì. “Tôi thật ngờ nghệch, còn khuyên về quê đừng đeo, dù là đeo vàng giả, vì lo họ đang nợ nần, ngờ đâu…”, người bị hại than.


Khi mọi chuyện đã vỡ lở, Đường thỏa thuận với người bị hại cho trả dần hàng tháng và xin bãi nại. Nhưng trả được 2 tháng thì Đường không đưa nữa. Khi người bị hại đòi, Đường thẳng thừng tuyên bố Thu trộm thì Thu trả, Đường không có tiền, người bị hại muốn thế nào cũng được!


Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Anh Thuần Việt (sinh năm 1971, trú Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cũng tương tự. Để “trả ơn” lòng tốt cho ở nhờ, coi như khách quý trong nhà của cô nhân viên điều dưỡng, Việt đã lục tìm chìa khóa, mở tủ trộm nhiều nữ trang trị giá gần 44 triệu đồng, và ở tiếp hơn 1 tuần mới đi TP. Hồ Chí Minh. Xin giảm án, nhưng tận đến phiên tòa phúc thẩm, bị cáo chẳng nói được một lời xin lỗi ân nhân. Trước khi tòa nghị án, được vị đại diện Viện Kiểm sát nghiêm khắc nhắc nhở thái độ thiếu ăn năn, không xin lỗi ân nhân, bị cáo còn nại lý do “không được phép nói chuyện với người ngoài”!


Day dứt làm sao câu nói của một vị trong hội đồng xét xử: hành vi của bị cáo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tốt của người khác. Sống ở đời, quý nhất là khi mình được người khác giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, với những bị cáo này, lòng tốt ấy đã bị lợi dụng…


TAM THUẬT