07:01, 16/01/2016

Đổ lỗi!

Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Mấu Luyển (sinh năm 1998, trú Sơn Trung, Khánh Sơn) đôi lúc khiến người dự phải nín cười về cách trả lời ngô nghê của mẹ con bị cáo.

Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Mấu Luyển (sinh năm 1998, trú Sơn Trung, Khánh Sơn) đôi lúc khiến người dự phải nín cười về cách trả lời ngô nghê của mẹ con bị cáo.


Sau gần 1 giờ nghe Luyển chật vật khai lại sự việc do tiếng Việt hạn chế, người dự cũng nắm được sự việc. Trên đường đánh cá, khi phát hiện đàn bò đang ăn cỏ ở khu vực xã Ba Cụm Nam, Luyển đã tháo dây, dắt 1 con bò đực (trị giá 11,4 triệu đồng) về cột giấu ở rẫy gần nhà. Được hơn 1 tháng, một chiều, Luyển phát hiện con bò biến mất. Đang đi tìm bò, Luyển phát hiện 1 con bò đực khác (trị giá 15,9 triệu đồng) đang cột ở gốc cây thuộc xã Sơn Trung nên bỏ luôn ý định tìm con bò đầu tiên, tới tháo dây, dắt con bò thứ hai lên rừng, tiếp tục nuôi giấu!


Kháng cáo kêu oan nhưng Luyển chẳng hề chứng minh được mình vô tội mà chỉ khăng khăng cho rằng bị cáo không trộm, thấy bò không ai coi nên dắt về... nuôi giùm!


Cùng kháng cáo kêu oan cho con, trước tòa, bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Raglai, bà Mấu Thị Xuân, mẹ Luyến cho rằng thấy bò đi lạc ở bìa rừng nên Luyển dắt về nuôi giùm, có phải vào nhà người khác ăn trộm đâu mà bị phạt 6 tháng tù? Rồi bà đổ lỗi cho người chủ đã thả rông bò, khiến con bà phải dắt về nuôi giùm, đã không được ơn còn bị buộc tội!


Một vị trong hội đồng xét xử phân tích: bò của người khác, không được chủ bò cho phép, mình lại dắt về nuôi, vậy là trộm cắp. Vị này nhắc nhở mẹ Luyển: con làm sai, mẹ không hiểu biết để giáo dục con, còn đổ lỗi cho người khác; đó là tòa chưa nói đến việc biết mà không tố giác, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Lúc này, bà Xuân mới hạ giọng, xin cho Luyển được ở nhà để đi rẫy với bà.


Phiên tòa kết thúc với quyết định không chấp nhận kháng cáo của hai mẹ con Luyển. Đọng lại là lời vị đại diện Viện Kiểm sát: những tình tiết giảm nhẹ đều đã được cấp sơ thẩm áp dụng mới có mức phạt trên. Bị cáo phạm tội nhiều lần, hành vi này ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, cần có hình phạt đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Những người dự phiên tòa cũng cần lấy đây làm bài học chung.


Nhận thức pháp luật của đồng bào còn hạn chế sẽ được tòa xem xét khi lượng hình. Dù vậy, pháp luật cần công bằng, không thể có tội lại xử vô tội được. Còn nhớ ở một vài vùng khác có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số đi xe máy chở 3, chở 4, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều..., khi bị giữ lại thì chống đối, cho rằng xe của họ, muốn đi thế nào cũng được, cán bộ không có quyền giữ! Vụ án một lần nữa đặt ra vấn đề, cần chú trọng tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.


TAM THUẬT