10:09, 26/09/2015

Lỗi tại... đống rơm!

Phiên tòa giữa tháng 9 kết thúc trong bức bối bởi gia đình người chú và người cháu tiếp tục đấu khẩu.

Phiên tòa giữa tháng 9 kết thúc trong bức bối bởi gia đình người chú và người cháu tiếp tục đấu khẩu.


Khai tại tòa, bị cáo Ngô Quang Trọng cho rằng do chú ruột đánh trước nên bị cáo mới bức xúc đánh lại. Đống rơm ngoài đồng là của chị Trần Thị Linh, vậy mà thấy Trọng cùng Huỳnh Thế Thảo và anh rể Trần Ngọc Sơn cào rơm, ông Ngô Sáu lại tới căn vặn tại sao cào rơm của ông. Trọng nhấm nhẳng trả lời: “Rơm của tôi đã xin chị Linh, tôi cứ cào, không cào hết thì tôi đốt”. Nghe vậy, ông Sáu tức giận, lấy cây gỗ cào rơm đánh trúng cổ cháu, khiến Trọng lảo đảo. Tức tối, Trọng lấy cây chống rơm đánh lại chú. Anh Sơn và anh Thảo thấy vậy chạy tới định can thì bị ông Sáu tưởng nhầm tới đánh mình nên dùng cây đánh liên tiếp vào anh Sơn. Thấy anh rể ôm đầu ngồi sụp xuống, Trọng càng tức, xông vào đánh chú tiếp, dẫn tới thương tích 13% cho ông Sáu.


Nghe Trọng khai và nói lời xin lỗi, ông Sáu vẫn kiên quyết đề nghị tòa xử thật nghiêm. Ông bảo, từ sau phiên sơ thẩm tới nay không thấy ai tới nhà xin lỗi, bồi thường, giờ còn kéo lên đến tỉnh, lại thuê cả luật sư! Vị kiểm sát viên phân tích: Hai nhà đều làm nông, cũng nghèo khổ như nhau, ông hiểu rõ đồng tiền trong nhà hiếm hoi. Gia đình bị cáo đâu có sẵn 20 triệu đồng trả ngay hôm xử sơ thẩm. Hơn nữa, ông thừa nhận không phải rơm của mình, sao vẫn cản cháu lấy, để rồi xảy ra ẩu đả... Nguyên do từ ông trước, giờ cháu vô tù, ông vẫn không thấy lỗi của mình... “Do nó nói nặng với tôi trước!” - ông Sáu khăng khăng. Vị luật sư tha thiết: Trọng sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, đông anh chị em. Cha Trọng, tức anh trai ông Sáu, mất khi Trọng còn nhỏ. Trọng học đến lớp 7 phải nghỉ để giúp gia đình. Trọng vốn là người hiền lành, giờ vợ lại đang mang thai 5 tháng, rất cần Trọng chăm sóc. Người ta nói “Sểnh cha còn chú...”, ông là chú, cũng nên bao bọc cho cháu, thương cháu mà khoan dung bỏ qua, tòa sẽ ghi nhận điều đó... “Tôi thương nó nhưng nó có thương tôi đâu!” - ông Sáu cắt lời. Vị kiểm sát viên chân tình: Dù gì Trọng cũng là cháu ruột, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, sao ông cứ chấp nhặt lúc cháu ông nông nổi? Ông Sáu cau có: “Chú cháu mà nó còn đánh tôi tới cỡ này...”, và khăng khăng không nhận tiền bồi thường. Chỉ khi biết nếu không nhận, tòa vẫn ghi nhận thiện chí khắc phục hậu quả của bị cáo để xem xét giảm nhẹ, ông mới nói: “Tôi nhận, nhưng dứt khoát không xin giảm nhẹ hình phạt cho nó, tôi và nó không còn tình nghĩ gì nữa!”.


Trong 10 phút tòa cho dừng để hai bên trao nhận tiền và viết giấy nhận tiền, vợ chồng bị cáo tới năn nỉ xin lỗi chú, 2 người cô cũng nói giùm, nhưng hai con gái của ông Sáu thì quát tháo không cho cha tha thứ, xin giảm án.


Nghe tòa tuyên giảm cho bị cáo từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù, người chị dâu trách em chồng lạnh lùng, nhà ông chú cũng hùng hổ nói lại, chẳng ai chịu ai. Anh rể bị cáo thì tức tối tuyên bố sẽ kiện ông Sáu vì đánh mình thương tích, có giấy chứng thương đàng hoàng. Còn người dự chỉ biết lắc đầu: tất cả chỉ tại... đống rơm!


TAM THUẬT