11:07, 03/07/2015

Kẻ giăng "bẫy"

Dự phiên xử cuối tháng 6, nhiều người tự hỏi không hiểu sao bị cáo Nguyễn Văn Xiêm khiến nhiều người tin tưởng đến vậy để nhờ xin việc. Trẻ hơn so với tuổi 34, bị cáo giống một nhân viên văn phòng mới đi làm hơn là một người có "quan hệ rộng" để thuyết phục được nhiều bị hại.

Dự phiên xử cuối tháng 6, nhiều người tự hỏi không hiểu sao bị cáo Nguyễn Văn Xiêm khiến nhiều người tin tưởng đến vậy để nhờ xin việc. Trẻ hơn so với tuổi 34, bị cáo giống một nhân viên văn phòng mới đi làm hơn là một người có “quan hệ rộng” để thuyết phục được nhiều bị hại.


Thực tế, chiêu thức lừa đảo của Xiêm chẳng tinh vi gì. Bị cáo làm quen với nhiều bị hại khá giản đơn. Có người tình cờ gặp Xiêm tại quán cà phê ven biển, trò chuyện xã giao, chỉ biết Xiêm là cán bộ một viện đóng ở Nha Trang. Có người lại quen Xiêm khi cùng chơi cầu lông. Nhưng họ đã tin vào “thế mạnh” do Xiêm tự giới thiệu. Nào là Xiêm có quan hệ thân tình với nhiều cán bộ có chức quyền để xin việc làm tại một số công sở, làm văn bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho những ai có nhu cầu; nào là rất thân với lãnh đạo nơi Xiêm làm việc, có thể sắp xếp việc làm cho nhiều người có nhu cầu làm ở bộ phận kế toán tại đây; hay từng xin được cho rất nhiều người vào làm việc tại nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh... Vì thế, bị hại đầu tiên đã 2 lần tin tưởng đưa Xiêm vài chục triệu đồng, đánh đổi lấy lời hứa sẽ có việc làm cho 2 em của mình. Người này còn chuyển tiếp cho Xiêm 10 triệu đồng để “lo xét tuyển”, kết quả là “số điện thoại không liên lạc được”! Trước Tòa, bị hại này cay đắng cho biết không những bị lừa, chị còn mất chữ tín với bạn khi giới thiệu Xiêm để nhờ xin việc cho cháu của bạn.


Nhiều lần, vị chủ tọa phiên tòa buộc Xiêm phải ngừng lời vì bị cáo luôn giảo hoạt trong trả lời. Nghe Xiêm khai cũng có thể hình dung phần nào cách che đậy sự lừa đảo của bị cáo. Có trường hợp, kiểm tra kết quả thi công chức thấy cháu không trúng tuyển, bị hại yêu cầu Xiêm trả lại tiền, Xiêm trả lại chút đỉnh, rồi truy cập trang web cơ quan, lấy các mẫu thông báo, chỉnh sửa lại, “sáng tác” thêm tên của “người đặt hàng” trong danh sách trúng tuyển và gửi cho bị hại. Nhiều vụ, sau khi nhận tiền và hồ sơ, Xiêm cắt liên lạc, hoặc nói dối đang chờ lãnh đạo đi công tác về sẽ ký quyết định, hợp đồng lao động, hay số tiền đã nhận chỉ để đặt cọc xin chỉ tiêu việc làm, nếu từ chối thì mất tiền cọc... Xiêm còn lừa cả bà chủ phòng trọ nơi thuê nhà, sẵn sàng viết giấy mượn tiền rồi cầm 30 triệu đồng cùng lời hứa xin việc cho con trai bà này và... cắt đứt liên lạc. Với sinh viên nghèo, Xiêm cũng chẳng từ, lừa người 2 triệu đồng, người 5 triệu đồng với lời hứa sửa điểm môn thi. Cứ vậy, Xiêm lừa chiếm đoạt tổng cộng 526,1 triệu đồng và làm giả các văn bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, thu lợi bất chính 49,1 triệu đồng.


Trong vụ án này, xét cho cùng, khả năng thực của Xiêm chính là giăng “bẫy việc làm” với những người có nhu cầu. Và đây là một cái bẫy rất nhạy! Bởi nhu cầu việc làm luôn có thật và rất chính đáng, nhưng khi người ta chọn con đường khuất, khả năng đâm quàng bụi rậm, dính bẫy của những kẻ như Xiêm hoàn toàn có thể xảy ra.


TAM THUẬT