04:06, 27/06/2015

Khi hôn nhân tan vỡ...

Những giọt nước mắt của Châu - con gái lớn của đôi vợ chồng trong phiên xử ly hôn đầu tuần khiến không ít người nao lòng.

Những giọt nước mắt của Châu - con gái lớn của đôi vợ chồng trong phiên xử ly hôn đầu tuần khiến không ít người nao lòng.


Trước khi phiên xử bắt đầu, Châu năn nỉ xin được vào dự khiến Hội đồng xét xử rất phân vân, bởi nếu ngồi nghe cha mẹ nói chuyện mâu thuẫn có thể không tốt cho tâm lý của em. Nhưng Châu cứng cỏi: “Con đã 11 tuổi rồi, con cần dự phiên tòa của cha mẹ mình!”.


Dù vậy, sự cứng cáp đó chỉ giữ được khi cha mẹ nói về mâu thuẫn của người lớn. Lúc giải quyết việc nuôi con chung, nghe mẹ trình bày muốn để cả 3 con cho cha nuôi, Châu giơ cao tay, rồi đứng dậy, ngắt lời mẹ: “Con muốn ở với mẹ!”, và bật khóc...


Châu tiếp tục khóc rấm rứt khi nghe cha bảo để mẹ Châu nuôi cả 3 chị em là phù hợp, vì chỉ có người mẹ mới chăm sóc, lo toan tỉ mỉ, chu đáo cho các con và cũng vì không muốn chị em phải chia lìa. Người cha chỉ không đồng tình về việc người vợ không đồng ý cho anh tới thăm các con (nếu chị nuôi cả 3) và yêu cầu cấp dưỡng nuôi 3 con 9 triệu đồng/tháng: “Lương tôi hơn 9 triệu đồng, cô ấy yêu cầu như vậy tôi không chấp nhận được, đề nghị quý Tòa xem xét”.


Mẹ Châu thì phân trần, kết hôn năm 2003 nhưng vợ chồng chị chỉ thực sự hạnh phúc tới năm 2009, khi chị sinh đôi 2 bé gái. Từ lúc đó, chị bận bịu tối ngày, anh không quan tâm gì, lại còn có nhiều tin nhắn tình cảm với người phụ nữ khác. Vì vậy, anh cần chăm sóc để bù đắp lại cho các con. Chị đồng ý giao cả 3 con cho chồng nuôi, nhưng nếu cháu Châu có nguyện vọng thì chị chỉ xin nhận nuôi cháu, còn 2 cháu nhỏ để chồng nuôi, không bên nào cấp dưỡng nuôi con cho bên nào.


Cha Châu thương lượng: Hoặc chị nuôi cả, hoặc anh nuôi cả! Với anh, nếu nuôi cả 3 con, anh còn có con gái lớn giúp cha chăm sóc 2 em. Hơn nữa, xét về tâm lý, chẳng người mẹ nào nỡ bỏ 2 con nhỏ, chỉ nhận nuôi con lớn nhất...


Cứ vậy, cả hai vợ chồng mải mê phân trần, lập luận, chẳng một lần quay lại nhìn con gái lớn đang khóc lặng lẽ. Người cha còn viện dẫn chị gái và 2 người hàng xóm tới dự để chứng minh cho sự hư láo của vợ. Lần duy nhất anh tự ý xuống ngồi cạnh Châu cũng chỉ để năn nỉ con hãy đồng ý về sống với ba và 2 em, nhưng Châu lắc đầu, và em lại khóc...


Lúc chờ nghị án, người chị chồng công khai bênh vực em dâu, và khẳng định tất cả những gì em trai nói về vợ và gia đình chị đều không đúng. Không phải em dâu hư láo khiến cả nhà chị từ em trai, mà chính em trai chị đã khó chịu khi nghe mọi người khuyên nhủ, can ngăn, và tự rời xa mọi người, còn cấm vợ con không được qua lại thăm nom. Việc em dâu sinh đôi, bận rộn việc nhà, đôi khi cáu gắt là chuyện thường. Là phụ nữ, chị hoàn toàn thông cảm.


Chuyện nhà, khó biết hết được vướng mắc bên trong. Nhưng điều mà người dự nhìn thấy khi phiên tòa kết thúc với phán quyết cho ly hôn, Châu ở với mẹ, 2 em sống với cha, là cảnh mẹ con Châu được nhà chồng lau nước mắt, khoác tay an ủi, còn cha Châu ra về một mình. Người chị chồng thẳng thắn tuyên bố: “Tôi thà mất đứa em trai để được các cháu và em dâu. Ly hôn xong, rồi cha mẹ chúng có thể tìm được hạnh phúc mới, nhưng mấy đứa trẻ chẳng bao giờ có được một gia đình đủ đầy nữa!”. Vị hội thẩm thì lắc đầu: “Không biết rồi đây họ kiện đòi quyền nuôi thêm con, hay kiện đòi truất quyền nuôi con của người kia...”.


TAM THUẬT