Chỉ trong 1 tuần, bị cáo Trần Quý Nhuận và Trần Tuấn Vinh 2 lần bị xét xử, một về tội Cướp giật tài sản và một về tội Cố ý gây thương tích. Hình phạt cho các bị cáo này với 2 bản án (nếu không kháng cáo) lần lượt là 6 năm và 4 năm tù.
Chỉ trong 1 tuần, bị cáo Trần Quý Nhuận và Trần Tuấn Vinh 2 lần bị xét xử, một về tội Cướp giật tài sản và một về tội Cố ý gây thương tích. Hình phạt cho các bị cáo này với 2 bản án (nếu không kháng cáo) lần lượt là 6 năm và 4 năm tù. Đó là chưa kể hàng chục vụ cướp giật khác mà các bị cáo đã thừa nhận nhưng chưa xác định bị hại nên được tách ra xử lý sau. Trong hai bị cáo, người ta có ấn tượng xấu với Nhuận hơn, có thể bởi Nhuận khai báo quá bình thản, hoặc cự nự cảnh sát bảo vệ khi bị quản lý nghiêm ngặt do phạm lỗi và đang chịu kỷ luật. Nghe đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng truy tố, đã có người dự lắc đầu: “Mới tý tuổi đầu mà liên tiếp phạm tội, thật hết thuốc chữa!”.
Kể ra, nếu nhìn vào những vụ việc mà Nhuận cùng Vinh gây ra, cũng khó đánh giá khác được. Có vụ giật đồ xong, bị truy đuổi, Nhuận còn rút kiếm, dao lê, súng bắn điện ra chia cho Vinh để dọa bị hại, buộc họ dừng lại. Có vụ bị cha con người bị hại truy đuổi, các đối tượng còn đạp vào xe, khiến họ ngã trầy xước hết chân tay. Vụ án Cố ý gây thương tích cũng xuất phát từ một vụ cướp giật có chủ định, với việc chuẩn bị sẵn dao lê và kiếm. Sau khi giật giỏ xách của một phụ nữ và bị một cảnh sát đang đi đường hỗ trợ truy đổi, đến đoạn đường cụt, Nhuận hùng hổ căn vặn sao dám đuổi theo. Khi thấy anh này rút bình xịt hơi cay ra, Nhuận, Vinh cũng rút hung khí, Nhuận còn chém vào đầu anh, may là anh đỡ được nên chỉ bị thương ở tay...
Nhưng đằng sau những lời khai rành rọt đến lạnh lùng, vẻ liều lĩnh ngang tàng đó, Nhuận lại có nhiều u uất trong lòng. Năm Nhuận học lớp 4, cha mẹ chia tay nhau, mẹ Nhuận lấy chồng mới. Nhuận ở cùng cha được vài năm thì người cha cũng lấy vợ mới, để Nhuận lại cho nhà ngoại. Nhưng cũng chỉ vài năm, khi Nhuận vào lớp 10, nhà ngoại phải giải tỏa, Nhuận phải đi ở nhờ nhà bạn, tự làm thêm và gắng học hết lớp 12. Tốt nghiệp xong, với tài nấu ăn, Nhuận xin vào làm ở một nhà hàng nhỏ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, do mâu thuẫn, Nhuận phải ra đi. Thi tuyển làm đầu bếp cho một nhà hàng khác, lẽ ra Nhuận đã được nhận nếu không có những lời không mấy tốt đẹp về thân thế. Uất ức, Nhuận buông xuôi...
Lời nói cuối cùng của Nhuận trước khi Tòa nghị án cũng là những lời đầy bất mãn về cuộc đời bất công, thiếu tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp, cũng là cách lý giải việc Nhuận chọn con đường phạm tội để... trả thù đời. Nhưng tất cả khác hẳn khi vị kiểm sát viên nói với Nhuận trước lúc về trại: “Cố lên con nhé, vào trại cố gắng sửa sai mà trở thành người tốt. Con nhất định làm được đấy!”. Nhuận chợt khựng lại, cúi đầu với đôi mắt rơm rớm, rồi vòng tay trả lời: “Dạ, con nhớ rồi, con cảm ơn ạ!”. Nhìn Nhuận ngoái lại nhìn, vị kiểm sát viên thở dài: Nó vốn là đứa có ý chí, nghị lực, có nhận thức lắm nên mới gắng gỏi tự học hết lớp 12. Có vụ cướp giật, nó còn trả lại bị hại giấy tờ vì thương họ đi làm giấy tờ mất công. Chỉ tiếc hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, lại thêm mới ra đời đã gặp trắc trở...
Hy vọng, Nhuận sớm hiểu ra những gì đã gặp trong giai đoạn đầu đời không phải là toàn cảnh xã hội, để từ đó thôi bi quan với cuộc đời, ngừng quăng quật bản thân và hủy hoại tương lai của chính mình.
TAM THUẬT