Vừa qua, dự phiên tòa xét xử nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người tỏ ra thông cảm với các chủ doanh nghiệp chịu "đòn" lừa đảo cao thủ của những tội phạm công nghệ cao khi chúng đột nhập vào email doanh nghiệp để giả danh giao dịch với đối tác. ...
Vừa qua, dự phiên tòa xét xử nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người tỏ ra thông cảm với các chủ doanh nghiệp chịu “đòn” lừa đảo cao thủ của những tội phạm công nghệ cao khi chúng đột nhập vào email doanh nghiệp để giả danh giao dịch với đối tác. Tuy nhiên, người dự cũng lắc đầu về sự cả tin của hai bị hại đều là phụ nữ.
Chị V. - người bị hại có mặt tại Tòa cho biết, đầu tháng 6-2013, chị lên mạng làm quen với một người nước ngoài, tự xưng tên Austin Feric, quốc tịch Anh. Trò chuyện qua mạng khoảng 2 tháng, Austin báo đã gửi một món quà có giá trị lớn (gồm: laptop HP, điện thoại Apple, đồng hồ đeo tay và bó hoa ép khô) cho chị theo đường phi mậu dịch và dặn chờ người liên hệ theo địa chỉ, số điện thoại của chị. Một tuần sau, Quyên (xưng là Lan, người của công ty dịch vụ chuyển quà) nhiều lần điện thoại liên lạc yêu cầu chị gửi tiền vào tài khoản của Công ty Lê Quyên để nộp thuế. Sau khi chuyển 76 triệu đồng, chờ mãi chẳng thấy quà, chị mới biết mình bị lừa.
Chị V. bảo, các đối tượng lừa đảo quá hoàn hảo. Chị không kết bạn ảo, vì sau khi quen qua mạng, chị và Austin còn điện thoại với nhau hàng ngày. Việc chị chuyển tiền cho Quyên khi chưa biết rõ Quyên không phải vì chị tin người này, mà chị tin Austin! Mọi chuyện diễn ra quá ăn khớp: Quyên điện thoại và nói lại nội dung y hệt những gì Austin dặn chị qua điện thoại... Chị V. chỉ im lặng khi đại diện Viện Kiểm sát phân tích: Tuy nói chuyện qua điện thoại bao nhiêu lần nhưng chưa hề gặp mặt thì cũng chưa chắc người nói chuyện chính là Austin, cũng như không thể biết người đó có thật sự đang ở Anh hay không. Với tội phạm công nghệ cao, không khó gì để tạo số cuộc gọi đến có mã quốc gia nước ngoài, ngay cả khi người đó đang ở gần chị.
Bị lừa siêu đẳng hơn là trường hợp của chị B. (tỉnh Lạng Sơn). Không chỉ nói chuyện qua facebook, điện thoại, mà chị B. còn cất công vào tận TP. Hồ Chí Minh gặp “bạn”. Tưởng thế là chắc, nhưng cuối cùng quà không thấy, tiền vẫn mất.
Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng tháng 4-2013, khi chị B. quen qua facebook với một người xưng tên William Coulter, quốc tịch Anh (do nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh). Sau một thời gian đò đưa để tăng tình thân, Coulter báo vừa chuyển cho chị món quà có giá trị lớn (1 nhẫn vàng trị giá 8.000 USD, 1 lọ nước hoa 25.000 bảng Anh). Sau đó, Quyên lại diễn vai người của công ty dịch vụ chuyển quà, nhiều lần gọi và nhắn tin đề nghị chị B. chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Lê Quyên. Lần đầu, với lý do cần nộp thuế phần mềm linh kiện điện tử; lần 2 để nộp phạt vì trong gói quà có ngoại tệ và kim loại quý; lần 3 là “lo lót” hải quan sân bay để được nhận quà, tổng cộng gần 85 triệu đồng. Thấy ngon ăn, Quyên còn điện thoại nói chị B. trực tiếp vào nhận hàng tại TP. Hồ Chí Minh và cho chị số điện thoại của người tự xưng là Johny, đại diện của Coulter. Đến điểm hẹn, chị B. suýt bị Johny lừa đảo khi rửa các tờ giấy có phủ bột màu trắng thành tờ 100 USD, rồi bảo chị đưa 4.700 USD mua hóa chất rửa tiền.
Các đối tượng lừa đảo đã phải trả giá. Thế nhưng, không riêng gì hai bị hại nói trên, sự nhẹ dạ, cả tin trước một món quà “trời ơi” nào đó đang là điểm yếu của một số phụ nữ mà đối tượng lừa đảo hướng tới.
TAM THUẬT