11:03, 28/03/2015

Cái chữ lên non

Phiên tòa xét xử bị cáo Thân (huyện Khánh Vĩnh) vào giữa tháng 3 vừa qua khá đông người dự. Họ đều là người cùng thôn, họ Cao, cùng dân tộc với bị hại và bị cáo. 
 

Phiên tòa xét xử bị cáo (BC) Thân (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào giữa tháng 3 vừa qua khá đông người dự. Họ đều là người cùng thôn, họ Cao, cùng dân tộc với bị hại và BC. 
 
 
“Trọng tài” Thân - người yêu cầu bạn nhậu thua cá độ vật tay đi mua rượu để nhậu tiếp đã không bình tĩnh được khi kẻ thua cuộc chẳng chịu đi, còn chửi đổng mẹ của mình. Thân về nhà vác cây kim loại dùng để bẫy gà rừng đâm 2 nhát vào người thua cuộc; án mạng đã xảy ra… 
 
 
Bản án 15 năm tù đã tuyên cho Thân, nhưng phiên tòa còn khiến nhiều người day dứt về câu chuyện nhận thức pháp luật. Suốt phiên tòa, hầu hết câu trả lời của BC Thân đều có chữ “không biết”, “không hiểu”. Trong phần thủ tục, chủ tọa hỏi BC đã nhận được cáo trạng chưa, đã đọc chưa, có đồng ý với nội dung truy tố không, BC ngớ người một lúc rồi nói không hiểu, truy tố là sao. Nghe giải thích xong, BC nói không đồng ý. Chủ tọa hỏi không đồng ý chỗ nào trong cáo trạng, BC lại nói không biết chữ. Rồi BC giải thích hồ sơ ghi lớp 3, nhưng thực tế BC chỉ học lớp 1; 2 lớp sau đi học nhưng không biết gì, thấy học không vào nên bỏ đi làm rẫy, bỏ học lâu rồi, cái chữ cũng không nhớ được.
 
 
Được biết, khi tống đạt cáo trạng cho BC, kiểm sát viên phải trầy trật giải thích, vì nghe đọc xong, Thân chẳng hiểu gì. Người đọc giùm phải giải thích kiểu dân dã: “Nghĩa là mày đâm chết người, người ta bắt mày tù từ 12 đến 20 năm, chung thân, tử hình, mày thích đoạn nào?”, Thân tỏ ra “hiểu biết”: “Chẳng thích đoạn nào, đoạn nào cũng phải đi tù”. 
 
 
Do là con của người mẹ thứ hai (nhưng cũng mất đã lâu), cha lại già nên Thân có phần thiệt thòi do sự giáo dục của gia đình còn hạn chế. Vì vậy, khi bị chửi động đến mẹ mình, BC bức xúc, không kiềm chế được. BC cũng khiến nhiều người vừa bực, vừa buồn cười khi nghe câu trả lời: “BC có hối hận, vì phải đi tù”. Trả lời câu hỏi của Tòa về việc có bổ sung gì thêm sau khi luật sư bào chữa cho BC, Thân chỉ có một câu: “BC không hiểu”. Im lặng rất lâu như để suy nghĩ kỹ, BC đã nói lời cuối cùng trước khi Tòa nghị án với đầy bất ngờ: “BC không hiểu”. Nghe chủ tọa giải thích một hồi về việc BC có thể xin lỗi, xin giảm án, hay nói bất cứ điều gì thấy tha thiết nhất, BC ngước lên, nói tiếp: “BC không hiểu”. Chủ tọa lại kiên nhẫn giải thích cách khác: BC có hối hận không? Bây giờ gia đình bị hại đang ở đây, BC có muốn nói gì không?”, Thân nín thinh hồi lâu rồi bảo: “Không”. 
 
 
Đáng buồn là vì chuyện tương tự cũng xảy ra với những người khác. Trong phần giải quyết trách nhiệm dân sự, cha bị hại sang sảng đề nghị Tòa phân xử cho BC nuôi cháu nội của ông. Nhưng cả nhà ông chẳng ai trình ra được tờ giấy chứng nhận kết hôn của con ông với người phụ nữ đi cùng ông bà. Cha mẹ bị hại chỉ biết cam đoan cô này đúng là con dâu của họ, tuy không có xác nhận của xã nhưng “cả thôn đều biết”. Trong khi đó, đứa trẻ 4 tuổi của cô này mới được làm khai sinh sau khi người bị hại chết, nhưng trên giấy khai sinh không ghi tên cha. Về lý, dù cha mẹ bị hại có cam đoan rằng người phụ nữ ấy là con dâu thì cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định đứa con mà cô này sinh ra là cháu nội của ông bà, con ruột của người bị hại. Vì thế, không thể yêu cầu BC cấp dưỡng, đó là chưa kể tiền bồi thường tổn thất tinh thần cũng cần cân nhắc đến việc cô này có được hưởng hay không. 
 
 
Nghe giải thích vậy, cha bị hại than trời rồi cho biết, năm 2011, con dâu ông sinh con. Khi đó, con trai ông bà còn sống nhưng chẳng nghĩ đến chuyện làm khai sinh. Sau này, khi con trai đã chết mới đi làm khai sinh, nhưng người làm khai sinh không ghi tên, ông hỏi thì người này bảo “chết rồi, còn ghi vào làm gì”. Lúc đó, ông thấy cũng có lý, ngờ đâu bây giờ cháu nội ông bị thiệt thòi! Nghe đề nghị của Viện Kiểm sát, mẹ bị hại bực bội: Giờ con tôi chết rồi thì “mạng đổi mạng”, tiền bạc không cần nữa! Cha bị hại cũng thêm: Cho tù 15 năm thì mạng con tôi tính sao? Dù có tù chung thân, Nhà nước cũng phải nuôi cơm mà…
 
 
Trình độ của người dân miền núi đang từng ngày được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, vẫn cho thấy ở đâu đó, người dân và cả người thực thi nhiệm vụ còn hạn chế nhận thức pháp luật. Câu chuyện chở chữ lên non, gánh luật lên núi xem ra còn dài!
 
TAM THUẬT