05:01, 31/01/2015

Giận mất khôn!

Nhận bản án 9 năm tù về tội Giết người, Vinh Em chỉ biết cúi đầu nói bị cáo phạm tội do mất bình tĩnh, do bị dồn ép quá.

1. Nhận bản án 9 năm tù về tội Giết người, Vinh Em chỉ biết cúi đầu nói bị cáo phạm tội do mất bình tĩnh, do bị dồn ép quá.


Vinh Em giải thích mọi chuyện xuất phát từ mấy lần va quệt xe máy tối 29-1-2014, khi Em chở bạn gái về nhà bà ngoại. Trên đường vào hẻm, Em va xe trúng chân Phú đang đứng tiểu tiện. Em xin lỗi, nhưng đi được một đoạn, Em lại tiếp tục va xe vào bà Sơn. Đang bực sẵn, thấy Em va xe tiếp vào người khác nên Phú cùng mấy thanh niên đến chỗ Em để “dạy dỗ”, bắt xin lỗi lần nữa. Nói qua lại đôi câu, một người trong nhóm đập chậu gạch men lên đầu Em, làm vỡ mũ bảo hiểm. Em và bạn gái vùng bỏ chạy. Vớ được chiếc kéo ở quán bên đường, Em cầm lấy và rủ thêm người quay lại lấy xe máy. Hai bên tiếp tục cãi vã, xô xát, kết thúc bằng nhát kéo của Em đâm trúng ngực một thanh niên. Chưa hết giận, Em còn đuổi theo một thanh niên khác đến tận nhà một người dân và đứng ngoài la hét: “Mày ra tao cắt cổ mày!”


2. Trong phiên tòa mở sáng 21-1, bị cáo Phúc đưa ra lý do thanh minh: Nhóm Phúc đang nhậu thì Uy - đàn anh của Phúc - nhận được điện thoại của người hòa giải hẹn tới quán khác để giảng hòa với bị hại. Nhưng Uy không chịu, hai bên cãi nhau qua điện thoại. “Tức thay” đàn anh, Phúc giật điện thoại chửi lại. Bị hại cũng không vừa, thách thức: “… hồi giờ bố mày tìm mày mà không thấy, mày ở đâu để bố mày tới?”. Phúc thừa nhận chỉ xích mích không đáng kể với bị hại, bị cáo cùng mấy thanh niên giết người chủ yếu vì “tức thay” cho đàn anh. Tình cảm “huynh đệ” tưởng chừng rất gắn bó đã tan vỡ nhanh chóng sau khi Phúc bị bắt, sau đó thay đổi lời khai, khai ra đàn anh của mình. Phúc giải thích: Ban đầu Uy hứa hẹn Phúc cứ yên tâm, ở ngoài Uy lo liệu hết! Nhưng cuối cùng, điều duy nhất Phúc nhận được là câu “Cám ơn chú đã làm anh hài lòng” và bản án 9 năm tù về tội Giết người! Không riêng Phúc, còn có mấy thanh niên khác cũng lãnh án vì “tức thay” đàn anh mà đi chém người.


Trong hai phiên tòa trên, bị hại cũng có những chỗ chưa phải. Ở vụ án đầu, sau khi ủi xe, Em đã xin lỗi, nhưng Phú chưa chịu, còn kéo thêm người tới “dạy dỗ” Em. Ở vụ án sau, bị hại chính là người không chịu dàn hòa, còn giằng điện thoại của người hòa giải để chửi lại. Hai phiên tòa một lần nữa cho thấy, mọi xích mích, mâu thuẫn được giải quyết trong lúc mất bình tĩnh chẳng bao giờ cho kết quả tốt đẹp. Một xã hội có pháp luật không bao giờ cho phép người này tự ý “dạy dỗ”, giải quyết cơn tức giận với người kia bằng bạo lực, dù vì lý do gì!


TAM THUẬT