12:03, 29/03/2014

Chỉ vì hồ đồ!

Kết thúc phiên phúc thẩm diễn ra sáng 21-3, xét xử 4 bị cáo ở thị xã Ninh Hòa cùng phạm tội Cố ý gây thương tích, điều đọng lại nhất là câu nói của một vị trong Hội đồng xét xử: "Các bị cáo quá côn đồ, tự cho mình quyền lập lại trật tự xóm!".

Kết thúc phiên phúc thẩm diễn ra sáng 21-3, xét xử 4 bị cáo ở thị xã Ninh Hòa cùng phạm tội Cố ý gây thương tích, điều đọng lại nhất là câu nói của một vị trong Hội đồng xét xử: “Các bị cáo quá côn đồ, tự cho mình quyền lập lại trật tự xóm!”.


Khoảng 15 giờ ngày 19-5-2013, Bình, Khiêm cùng vài người nhậu tại nhà Bình. Cũng khoảng thời gian này, Tuấn (hàng xóm) đi nhậu về, nghe cậu mình nói chuyện mâu thuẫn hàng rào với Bình, Tuấn bực bội sang nhà Bình gây sự; nhưng bị Khiêm can rồi đánh cản lại nên Tuấn đi gọi điện thoại cho Quá. Cùng lúc đó, Châu, Nam và mấy người cùng xóm với Tuấn nghe tiếng dân làng xôn xao, chạy ra thấy anh của Châu bị thương ở đầu, đang nằm giữa đường, lại nghe ai đó nói thủ phạm đang ở nhà Bình. Nên sau khi Quá tới, Tuấn và Quá chạy vào nhà Bình; Châu và Nam cũng vào cùng. 4 đối tượng này đã đánh Khiêm chấn thương sọ não dẫn đến tử vong sau đó.


Các bị cáo lý giải nguyên nhân đánh Khiêm vì Khiêm bỗng dưng can thiệp vào chuyện người khác, vì cho rằng Khiêm gây thương tích cho anh Châu. Nhưng cả phòng xử lặng đi khi vị thẩm phán đọc biên bản giám định cho thấy Khiêm bị gần 30 vết thương ở vùng đầu, chưa kể vết thương ở bụng, ngực. Nghe vị này kết luận: “Cho rằng người ta sai mà vác gậy, dao tới đánh, thật côn đồ!”, các bị cáo chỉ biết im lặng. Trả lời cho câu hỏi đã bồi thường khắc phục hậu quả chưa, Quá lí nhí: “Bị cáo không có tiền”. Thẩm phán nhấn mạnh: “Việc bồi thường là thể hiện thái độ ăn năn, biết chuộc lỗi lầm nên cũng tùy hoàn cảnh, không kể ít hay nhiều. Mình đánh chết người, vậy mà nhà mình chỉ lo tập trung viết đơn kháng cáo xin giảm án, không nghĩ đến chuyện bồi thường, dù là chút ít?”.


Tới Tòa với nỗi đau mất con không có gì bù đắp được, mẹ của Khiêm tỏ ra chậm chạp khác thường, rất khó diễn đạt lời nói. Dù vậy, quay nhìn lại từng bị cáo xong, bà vẫn xin được giảm án cho Nam vì Nam đang học lớp 12, giảm án cho Châu vì có con nhỏ.


Tuy vậy, hành vi của các bị cáo phải trả giá: Tuấn chịu án 7 năm tù, Châu chấp hành 5 năm 6 tháng tù, Quá 4 năm tù, Nam 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.


Nghe Châu nói lời cuối cùng xin được giảm án để sớm về nuôi con nhỏ và dưỡng mẹ già, cậu của Châu thở dài cho biết, Châu làm thợ hồ, Tuấn và Quá phụ hồ. Lúc xảy ra sự việc, vợ Châu đang mang thai đứa con thứ hai (con đầu 4 tuổi). Đến phiên phúc thẩm này, vợ Châu mới sinh con được hơn 1 tháng nên không thể đến Tòa. Ông than: “Ba nó bỏ đi lâu lắm rồi nên nó lớn lên không biết mặt cha. Nay con trai út của nó phải chờ 7 năm nữa, cha con mới được gặp nhau!”.


Chỉ vì hồ đồ, nông nổi, không tìm hiểu kỹ sự việc, tự ý giải quyết chuyện an ninh thôn xóm, các bị cáo đã đánh chết một người và phải chịu sự cách ly của xã hội.


TAM THUẬT