08:02, 23/02/2014

Mâu thuẫn trai làng

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Tâm (huyện Vạn Ninh) với tội danh Cố ý gây thương tích diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua và cả phiên sơ thẩm cách đó 4 tháng đều kéo dài mệt mỏi, bởi các nhân chứng liên tục thay đổi lời khai.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Tâm (huyện Vạn Ninh) với tội danh Cố ý gây thương tích diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua và cả phiên sơ thẩm cách đó 4 tháng đều kéo dài mệt mỏi, bởi các nhân chứng liên tục thay đổi lời khai. Cho dù bị cáo liên tục không nhận tội, nhân chứng lúc nói có, lúc nói không nhớ; nhưng có một sự thật là mâu thuẫn giữa hai xóm đã có từ rất lâu, đủ để thanh niên nơi này “hễ thấy là đánh”!


Khoảng 9 giờ ngày 3-2-2011 (mùng 1 Tết), Tâm cùng một số thanh niên đi chơi bằng mô tô. Đến khu vực xã Vạn Phước, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi chơi trước ngôi nhà bỏ hoang, Tâm và cả nhóm quay xe lại hô: “Chém chết bọn xóm X.”, rồi xông vào đuổi chém những người này. Do bị vấp té, anh Hòa đã bị Tâm cùng đồng bọn chém liên tiếp vào người, gây thương tật vĩnh viễn 51%.


Trong giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo đều không thừa nhận đã phạm tội và đều nói sáng mùng 1 Tết, bị cáo chỉ ở nhà lo phụ giúp gia đình làm gà cúng rồi sang nhà bác ruột, sau đó cùng con trai bác đi đánh tài xỉu tới chiều mới về. Cha, mẹ, anh của bị cáo cũng khai tương tự. Người anh con bác lại khai hôm đó không có ở nhà, không đi chơi cùng Tâm. Người bác lúc cho rằng Tâm có đến nhà, lúc nói không nhớ. Một nhân chứng có mặt tại hiện trường - là bà con của Tâm cũng thay đổi lời khai: Nghe mọi người nói Tâm chém, tưởng là Tâm nên khai vậy. Còn tại phiên sơ thẩm, chị này lại khai: Sau khi anh Hòa bị chém, chị đến nhà bạn chơi và thấy Tâm nhưng không dám đối diện vì biết thanh niên 2 xóm mâu thuẫn. Nhưng Tâm bảo chị, đó là chuyện của thanh niên 2 xóm, chị cứ đến chơi bình thường, Tâm không làm gì đâu mà sợ.


Tuy bị cáo luôn kêu oan, nhưng các nhân chứng lại không đưa ra được căn cứ hợp lý để giải thích cho việc thay đổi lời khai. Hơn nữa, thời điểm bị cáo có mặt tại nhà, sau đó có mặt tại nhà người bác không phải là tình tiết ngoại phạm đối với bị cáo, vì thời gian người bị hại bị chém xảy ra vào khoảng giữa hai thời điểm đó.


Không thể thay đổi mức án 7 năm tù mà Tòa tuyên đối với bị cáo Tâm. Buồn là cả bị cáo, nhân chứng và người bị hại đều thừa nhận mâu thuẫn giữa thanh niên 2 làng đã có từ rất lâu. Có điều, chính họ cũng không hiểu mâu thuẫn đó bắt nguồn từ đâu, có từ bao giờ. Hiện nay, con trai hai thôn chỉ biết có một điều duy nhất: Thấy trai làng kia là đánh!


Chuyện “o bế” gái làng, đánh thanh niên làng khác “dám” tới tán tỉnh, cũng như chuyện họ này có mối thù với họ kia..., những tưởng đã là chuyện “sau lũy tre làng” của thời xa xưa, vậy mà hiện nay vẫn hiện hữu. Người của cả hai thôn đều không kể được một câu chuyện khả dĩ giải thích “lai lịch mâu thuẫn”, nhưng mối thù không rõ ràng giữa hai thôn cứ tiếp tục được khắc sâu. Bởi sau khi vụ án xảy ra một thời gian, người bị hại lại gây thương tích cho em bị cáo. Ngày mà người bị hại tới phiên tòa phúc thẩm thực ra cũng là ngày người này bị xét xử sơ thẩm về hành vi gây ra cho em bị cáo (nếu lịch xét xử sơ thẩm không được dời lại).
Liệu có còn những phiên tòa khác, những phán quyết, hình phạt dành cho các bị cáo khác sống ở 2 thôn này, khi mâu thuẫn trong làng xã chưa hóa giải được?


TAM THUẬT