Phòng xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa một ngày tháng 7. Các hàng ghế chật cứng người, tất cả đều im phăng phắc, chú ý nghe lời khai của các bị cáo và người bị hại, nhân chứng...
Phòng xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa một ngày tháng 7. Các hàng ghế chật cứng người, tất cả đều im phăng phắc, chú ý nghe lời khai của các bị cáo và người bị hại, nhân chứng... trong vụ án hiếp dâm trẻ em. Hậu quả mà 5 “yêu râu xanh” ở Vạn Ninh (trong đó có 3 người còn ở tuổi chưa thành niên khi phạm tội) gây ra với bé gái sinh năm 1996 đã rõ. 88 năm tù mà 5 bị cáo này phải gánh chịu đã cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Phiên tòa kết thúc, nhưng còn đọng lại trong lòng người dự xử những day dứt chưa thôi.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, Dũng - bị cáo nhiều tuổi nhất (23 tuổi), cũng là bị cáo duy nhất không giở trò đồi bại với người bị hại, nhưng lại giúp bế bé gái ra bãi cỏ để đồng bọn giở trò cho biết, lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ là đang giúp bạn, còn mình không làm thì không phạm tội. Phải tới khi bị tạm giam, bị cáo mới biết chỉ cần “giúp” như vậy, bị cáo đã trở thành đồng phạm với vai trò giúp sức. Vị hội thẩm nhân dân cũng nhắc nhở, bị cáo đã thành niên nên phải có nghĩa vụ tìm hiểu và biết điều gì được phép làm, điều gì pháp luật cấm. Một người bạn của nhóm này, ra Tòa với tư cách người làm chứng, cũng cho biết tuy chứng kiến, nhưng vì cho rằng bạn bè thương nhau nên làm vậy, do đó đã bỏ ra một góc đứng chờ.
Lời khai của người bị hại trước Tòa cho thấy, em mới quen 2 trong số 5 bị cáo được 2 tháng và biết duy nhất số điện thoại của một bị cáo. Vậy mà vào ngày xảy ra sự việc, khi đang học và nhận được điện thoại của bị cáo này rủ về nhà uống rượu, em đã đồng ý và tự mình đạp xe tới nhà bị cáo. Lý giải vì sao đồng ý tới nhà và một mình theo các nam thanh niên, phần lớn chưa quen, ra bờ mương bê tông khuất vắng để ngồi uống rượu, bé gái cho biết “do tin lời bị cáo nói sẽ rủ thêm 2 bạn gái” tới.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nói khá nhiều về sự cần thiết phải trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Có thể hiểu nôm na đó là trang bị cho các em những kiến thức căn bản về xã hội và ứng xử xã hội, khả năng tự lập, tự phòng vệ, nhận định nguy hiểm, tốt, xấu, tự xử lý hoặc đề nghị ứng cứu... Đã có những cuộc điều tra, những góc nhìn riêng của từng cá nhân cho thấy kỹ năng sống của thanh thiếu niên Việt Nam còn yếu so với các nước khác. Lời khai tại phiên tòa cũng cho thấy phần nào điều đó. Hành vi của bị cáo Dũng là sai trái. Đáng tiếc bị cáo không nhận thức được ranh giới, mức độ của việc nể nang giúp bạn với hành vi phạm tội. Chuyện xảy ra với bé gái rất đáng buồn, cho thấy em đã không được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, vì vậy mới dễ dàng tin lời “yêu râu xanh” để rồi “sập bẫy”. Giả sử em không bỏ học về nhà bị cáo, không ra chỗ vắng với đám con trai lạ, không uống rượu thì... Bản thân người mẹ của bé gái cũng thừa nhận bà chưa hề dặn con phải ứng xử ra sao khi lâm vào hoàn cảnh tương tự. Vị hội thẩm nhân dân cũng nói cha mẹ bé gái cần nhìn nhận lại trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái, tăng cường dạy con cách ứng xử trong các mối quan hệ...
Trang bị cho trẻ kỹ năng sống là điều cần được các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và các tổ chức, đoàn thể chú ý để hạn chế những hậu quả đáng tiếc.
TAM THUẬT