Phiên tòa xét xử lưu động diễn ra ngày 29-5 vẫn còn “nóng hổi” ở Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa. Không ít nhân viên của các cơ quan bảo vệ pháp luật và ngay cả những can phạm dự phiên xử cũng phải lắc đầu trước tính côn đồ của 4 đối tượng gây án.
Phiên tòa xét xử lưu động diễn ra ngày 29-5 vẫn còn “nóng hổi” ở Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa. Không ít nhân viên của các cơ quan bảo vệ pháp luật và ngay cả những can phạm dự phiên xử cũng phải lắc đầu trước tính côn đồ của 4 đối tượng gây án.
Lý do để 4 đối tượng ra tay với 1 can phạm bị tạm giam cùng buồng hết sức vô lý: Khuya đó, Cường Trưởng buồng giam sai Hoàng đi rửa chén để chuẩn bị ăn nốt phần thức ăn chiều còn lại. Hoàng rửa xong, Cường đến kiểm tra, thấy chén còn dơ nên căn vặn, Hoàng cãi lại. Thấy vậy, Hưng - Phó buồng giam liền bắt Hoàng ngồi lên bệ xi măng - nơi ngủ của người bị tạm giam trong tư thế xếp bằng, hai tay để sau lưng rồi dùng chân đạp liên tục nhiều cái vào vùng bụng và ngực của Hoàng. Tiếp sau Hưng là Cường. Bị đánh đau, Hoàng đã van xin, nhưng Cường không chịu, còn đưa mắt nhìn 2 can phạm khác cùng buồng. 2 người này lập tức hiểu ý, xông tới bóp cổ Hoàng, đồng thời giữ tay chân Hoàng để Cường đánh tiếp. Cuộc đánh hội đồng kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ chỉ dừng lại khi Hoàng co giật rồi nằm im… Các cán bộ đã đưa Hoàng đi cấp cứu nhưng bệnh viện xác định Hoàng đã chết.
Trước Tòa, các bị cáo đều khai báo quanh co và chỉ thừa nhận khi Tòa công khai các bút lục lưu trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Trả lời câu hỏi của thẩm phán về nguyên nhân đánh người, Cường cho rằng, do bị hại đã rửa chén dơ còn cãi lại. Còn về lý do 4 bị cáo thay nhau đánh Hoàng trong hơn 1 giờ, bị cáo giải thích do… còn tức nên đánh tiếp. Khi được hỏi tại sao còn tức thì bị cáo Cường không trả lời được. Cường chỉ thừa nhận bị hại không hề đánh trả, chỉ liên tục van xin tha.
Về việc bồi thường cho gia đình người bị hại, Cường cho rằng, mình chưa bồi thường vì… không biết. Trong khi đó, luật sư lại cho biết, đã nói với bị cáo là cần kêu cha mẹ tới xin lỗi gia đình người bị hại. Cường cũng “không biết” đánh vào bụng và ngực là nguy hiểm, có thể dẫn tới chết người.
Là người đầu tiên đánh can phạm và không kém phần hung hăng, Hưng cũng thừa nhận, sau khi “dạy dỗ” Hoàng bằng cách đạp 9 - 10 cái thì dừng lại nhưng không phải vì mệt hay thương xót mà bởi… thấy có 3 người kia đánh tiếp rồi.
Hai bị cáo tham gia đánh cùng cũng thừa nhận, tuy Cường không nói nhưng chỉ cần liếc mắt là họ hiểu ý lao vào đánh, nếu không đánh thì mình sẽ bị... đánh.
Những lời chối quanh nối tiếp khai nhận tình tiết sau đó chỉ càng làm những người dự phiên xử rùng mình. Bởi ở nơi mà người ta chủ yếu quan tâm đến việc ăn năn hối lỗi và chú ý sửa mình, thì vẫn có những kẻ tự cho mình là “đại bàng”. Được các cán bộ giao làm Trưởng, Phó buồng giam, cốt là để chú ý báo cán bộ khi có cãi vã lộn xộn trong buồng giam, nhưng Cường và Hưng lại tự xem mình là “đại bàng”, tự cho mình cái quyền quyết định mạng sống của người khác. Việc rửa chén dơ hoàn toàn không thể là lý do bị phạt đánh, càng không thể khiến 4 đối tượng tức tới mức luân phiên đánh người trong hơn 1 giờ liền. Đau lòng hơn, khi Cường khai đã từng bị bạn tù đánh ở tư thế tương tự; Hưng cũng khai đã thấy Cường đánh như vậy hồi lâu, nên mới biết cách “tra tấn” bạn cùng buồng giam như vậy. Biết đánh ở tư thế đó là đau đớn, là khó chống đỡ được nhất, nhưng họ vẫn thực hiện. Và họ đều không trả lời được câu hỏi của vị hội thẩm nhân dân: Liệu có đánh tiếp không nếu sau khi dội nước thấy bị hại tỉnh lại?
Các bị cáo đã phải chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật. Cường 18 năm tù, Hưng 17 năm tù, hai bị cáo còn lại, một người 17 năm tù, một người 11 năm tù. Nhưng liệu đã hết chưa những “đại bàng” tự cho phép mình hành xử côn đồ, tự đặt ra “luật” để “dạy dỗ” các can phạm cùng buồng giam và buộc người khác cùng thực thi một loại “luật”: “Không đánh người khác sẽ bị người khác đánh”. Trong một xã hội có pháp luật, ngoài luật pháp do Nhà nước ban hành, không thể có và cũng không chấp nhận kiểu luật của “đại bàng”.
TAM THUẬT