11:04, 20/04/2013

Tội ác và tình người

Ngày 12-4, tại hội trường Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, phiên xử sơ thẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi trong vụ án này, nạn nhân chính là ông nội kế của bị cáo.

Ngày 12-4, tại hội trường Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, phiên xử sơ thẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi trong vụ án này, nạn nhân chính là ông nội kế của bị cáo.


Khoảng 19 giờ ngày 14-4-2012, chơi Internet xong, H. và C. đến khu đìa thuộc huyện Vạn Ninh ngồi chơi. Tại đây, H. nảy sinh ý định giết ông K. (sinh năm 1942), là chồng sau của bà nội C. để cướp tài sản. H. đã bàn với C. và thống nhất nửa đêm sẽ ra tay.


Không ít người dự phiên tòa phẫn nộ khi nghe vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thuật lại một đoạn cuộc trò chuyện bên bờ đìa giữa 2 bị cáo: H. hỏi C.: “Mày có thương ông nội không?”. C. trả lời: “Không, tao ăn cơm, ổng không cho ăn còn đánh, thương cái gì”. H. hỏi tiếp: “Vậy có cho tao đâm ông nội mày không?”, C. ấp úng chưa kịp trả lời thì H. tiếp: “Tao với mày đợi đến khuya thì tới mở cửa vào đâm ổng chết rồi lấy tiền hay đồ gì đem đi bán chơi game, xong bỏ đi làm ăn xa luôn, khỏi sợ ai biết!”. C. nghe vậy thì đồng ý và nói: “Bây giờ chắc ổng chưa ngủ say, đợi 12 giờ đêm, mọi người ngủ say rồi đi”.


Và tội ác đã được “lập trình”, đơn giản đến lạnh lùng: H. dùng điện thoại di động hẹn giờ báo thức, sau đó cả hai cùng đi ngủ. Đúng giờ, chuông báo thức reo, cả hai đi bộ đến nhà ông của C. với 1 con dao Thái Lan thủ sẵn. Đến nơi, H. thò tay vào lỗ thông gió mở chốt cửa. Thấy không được, C. liền leo lên mái nhà, gỡ ngói chui vào, rồi mở cửa cho H. vào nhà. C. dùng gối đè lên mặt ông K., còn H. vung dao đâm liên tiếp 13 nhát vào đầu, ngực và tay ông. Ông K. vùng vẫy chống cự và la lớn nên C. bỏ chạy, H. đâm thêm mấy nhát nữa rồi cũng bỏ chạy. Ông K. được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng phải chịu thương tật 19%.


Trước Tòa, 2 thanh niên 16 tuổi tỏ ra khá bình tĩnh. H. khai nhận, động cơ giết người chỉ là muốn có tiền chơi game. Trước đó ít ngày, bọn chúng cũng từng đột nhập nhà ông K., trộm được 120 nghìn đồng. Chính lần “đạo chích” này đã khiến H. thấy có thể vào nhà ông K. dễ dàng, bởi ông thường ở nhà một mình. Tuổi 16 nông nổi cũng khiến H. suy đoán ông K. chắc là có tiền, bởi ông từng bán phở, có nhiều khách tới ăn. Những người dự phiên tòa thấy “sởn gai ốc” khi nghe C. thừa nhận, thực ra, ông nội kế không hề đánh mắng C. Lời bào chữa của bị cáo lại càng khó chấp nhận: Cả hai không hề dự tính giết ông K., ý định này chỉ nảy sinh từ khi cả hai ngồi chơi bên bờ đìa! Nhưng các bị cáo không giải thích được tại sao phải chọn khi đêm đến mới hành động; tại sao không chọn cách đi ăn trộm như lần trước mà phải đâm nhiều nhát chí mạng vào một ông già; tại sao một người cháu có thể bịt gối vào mặt ông và giữ cho bạn mình đâm liên tiếp nhiều nhát…?  


Rất nhiều câu hỏi không có lời đáp thỏa đáng, ngoại trừ một đáp án chung, đó là sự vô cảm, quá coi nhẹ tính mạng của người khác. Tiếng xôn xao dưới những hàng ghế cho thấy, không ai muốn hai kẻ gây ra “nhân” này được hưởng “quả” ngọt, ngoại trừ ông nội kế của bị cáo C. Người dự thực sự rung động khi ông già 71 tuổi với hơn chục vết sẹo do dao đâm, đứng lên tha thiết xin bãi nại cho hai bị cáo. Ông từ tốn: “Hai đứa làm vậy là sai, nhưng cũng chỉ là nhất thời thôi, vì các cháu còn trẻ quá. Thực ra, C. thương tôi lắm”. Ông hy vọng Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.


Chủ tọa phiên tòa cho biết, tuy có đơn và lời nói xin giảm án của người bị hại, nhưng hành vi của các bị cáo là rất tàn nhẫn, quyết liệt, đặc biệt khi người bị hại hoàn toàn không hề gây thù oán hay có lỗi với các bị cáo, thoát chết chỉ là do may mắn; hơn thế, bị hại còn là ông nội kế của một trong hai bị cáo. Điều đó cho thấy, các bị cáo quá vô cảm, phải xử lý thật nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe những đối tượng khác có ý định tước đoạt tính mạng của người khác, làm đảo lộn các chuẩn mực đạo đức và quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

 
 TAM THUẬT