11:03, 15/03/2013

Quyền lợi của trẻ thơ

Đứng trước Tòa, để chứng minh yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của mình là có lý, ông T. (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) lập luận rất thuyết phục về điều kiện của bản thân cũng như những hạn chế của người vợ cũ (đã ly hôn năm 2010).

Đứng trước Tòa, để chứng minh yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của mình là có lý, ông T. (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) lập luận rất thuyết phục về điều kiện của bản thân cũng như những hạn chế của người vợ cũ (đã ly hôn năm 2010).

Dường như tình nghĩa vợ chồng trước kia không mặn nồng nên những câu nói của ông về người vợ cũ nghe đau nhói. Ông khẳng định bà Tr. (TP. Cam Ranh) là một người mẹ thô lỗ, không có phẩm chất tốt để giáo dục con. Bà Tr. thường xuyên lăng mạ ông, thậm chí còn gọi điện đến cơ quan ông để nhục mạ; nếu ông không có mặt ở đó thì lại thông báo ông đã bị xe tông chết, thậm chí còn gọi điện thoại báo tin cho mẹ ông, khiến bà hoảng loạn, phải nhập viện. Bà Tr. cũng không có việc làm ổn định, chủ yếu sống nhờ vào khoản viện trợ của người thân ở nước ngoài. Trong khi đó, suốt 2 năm qua, ông đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con là 1,4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn chu cấp cho các con nhiều khoản khác để bảo đảm các con phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Ông yêu cầu Tòa cho ông được quyền nuôi dưỡng cháu lớn (4 tuổi), còn cháu thứ hai (2 tuổi) để bà Tr. nuôi, không ai phải chu cấp cho ai. Nếu bà Tr. không đồng ý thì ông sẽ nuôi cả hai con, không yêu cầu bà Tr. cấp dưỡng.

Những người dự nghe ông T. trình bày đều cho rằng, bà Tr. thật quá quắt. Không to tiếng, không thở than, bà Tr. chỉ nhấn mạnh nguyện vọng mong được chăm sóc cả hai đứa con mà bà đã trực tiếp nuôi dưỡng từ tấm bé. Được thẩm phán hỏi, bà chỉ trả lời chung chung là ông T. nói hơi quá, nhưng quan trọng là bà chỉ mong được Tòa xem xét đảm bảo quyền lợi của trẻ thơ. Gạn hỏi, rồi đề nghị bà cần chứng minh mình có đủ điều kiện tiếp tục nuôi con, bởi ông T. đang có ưu thế hơn. Bà mới thở dài: Đã nhiều lần bà phải nhờ pháp luật can thiệp thì ông T. mới đưa tiền cấp dưỡng hàng tháng. Hơn nữa, hiện nay, ông T. đã có vợ và con sau nên bà e các con về sống với cha sẽ khó mà bảo đảm được chăm sóc chu tất. Vả lại, bà có xác nhận của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường là bà đang làm cán bộ Hội, đồng thời cũng buôn bán nhỏ hàng ngày, đủ để nuôi hai con nhỏ...

Tại Tòa, hai cháu nhỏ không hiểu rõ vì sao cha mẹ nói qua nói lại mãi, cứ ngơ ngác nhìn. Tuy hai cháu còn bé, chưa đủ tuổi để được nói lên nguyện vọng sống với ai, nhưng điều mà ai cũng thấy là bàn tay của chúng cứ bám chặt lấy áo mẹ. Dường như chúng có cảm giác an toàn hơn khi gần mẹ.

Tình cha, nghĩa mẹ không thể đem cân nặng nhẹ, nhưng việc giao nuôi con còn nhỏ cho ai phải xuất phát từ quyền lợi của trẻ thơ. Ông T. đã có con chung với vợ mới nên chắc chắn việc chăm sóc con riêng sẽ bị hạn chế. Phán quyết giao 2 con cho bà Tr. nuôi thực có tình, có lý.

TAM THUẬT