Phiên tòa xử bị cáo phạm tội dâm ô với trẻ em thật vắng vẻ. Người thân của bị cáo T. (Nha Trang) không có một ai. Cả Tòa chỉ có đôi vợ chồng nước da đen sạm và đứa con gái nhỏ, gầy còm, là nạn nhân đang ngồi dưới.
1. Phiên tòa xử bị cáo phạm tội dâm ô với trẻ em thật vắng vẻ. Người thân của bị cáo T. (Nha Trang) không có một ai. Cả Tòa chỉ có đôi vợ chồng nước da đen sạm và đứa con gái nhỏ, gầy còm, là nạn nhân đang ngồi dưới. Hình như người thân của bị cáo cũng thấy xấu hổ khi phải đến dự phiên Tòa. Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc bị cáo đã trưởng thành (sinh năm 1968), có hiểu biết xã hội sao lại có hành động vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật với một cháu gái còn nhỏ hơn tuổi của 2 con bị cáo, bị cáo cúi đầu: “Là vì... bị cáo cũng chỉ xem G. như con cháu mình!”. Vị thẩm phán sửng sốt: “Bị cáo nói vậy, phải chăng nếu là con cháu mình thì được phép hành động như vậy? Như thế còn gì là trật tự xã hội?”.
2. Sau 2 lần bị kết án, lần này, bị cáo D. (Nha Trang) đứng trước vành móng ngựa vì tội chống người thi hành công vụ mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chuyện xô xát gia đình. Tất cả cũng tại rượu! Là lái xe, ở độ tuổi 36 có lẽ là khá chững chạc, nhưng bị cáo lại thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn. Trong nhiều lần say sưa đó, bị cáo đều “xả rượu” bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Lần này, nhậu về, quen thói, bị cáo gào lên từ cổng, rồi xông vào nhà, “nói chuyện” với vợ bằng nắm đấm, dọa quăng vợ qua lan can xuống lầu. Khi Công an phường tới yêu cầu về trụ sở làm việc, bị cáo cũng ra tay luôn với Công an!
Vị thẩm phán hỏi: “Bị cáo có thường xuyên đánh vợ không? Có biết đánh vợ là sai không?”, T. chỉ loay hoay tìm cách chối tội: “Bị cáo không thường xuyên đánh..., hình như chỉ 5 - 6 lần gì đó... Nhưng vì bị cáo đã bảo đi nhậu về muộn, thế mà vợ còn cằn nhằn”(!?) Thẩm phán bác ngay lý do này, bởi trước đó, bị cáo đã thừa nhận khi nhậu về tới nhà là đánh vợ liền, đâu còn thời gian cho vợ cằn nhằn. Hơn nữa, hàng xóm và chính người vợ cũng khai nhận, bị cáo T. thường xuyên hành hung vợ. Trước câu hỏi: “Bị cáo đã bao giờ bị người khác đánh chưa? Có thấy đau không?”. Bị cáo lí nhí thừa nhận: “Dạ có”. “Vậy tại sao còn đánh vợ?”. “Dạ, tại bị cáo... không biết!”. Thẩm phán ngạc nhiên: “Bị cáo sống giữa thành phố văn minh mà nói không biết, tự cho mình cái quyền được đánh vợ? Vợ bị cáo là một con người; bị cáo bị đánh còn thấy đau, lẽ nào không biết đánh vợ thì vợ sẽ đau?”.
3. Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo D. (Cam Ranh) có khuôn mặt sáng sủa. Suốt thời gian chờ Tòa xử, bị cáo chỉ ngồi im, cúi gằm mặt đầy vẻ hối lỗi. Tuy là sinh viên nhưng bị cáo đã phải ra Tòa vì hành vi trộm cắp tài sản của bạn học. Khi hội đồng xét xử hỏi, bị cáo chỉ lí nhí: “Do bị cáo thấy bạn để chìa khóa phòng ngay trong cặp nên nảy sinh ý định trộm đồ”…
Tuy 3 bị cáo, với 3 tội danh khác nhau, nhưng những lý do đưa ra thật cắc cớ, không thể chấp nhận được. Nếu trong xã hội, ai cũng “biết mình” trước khi “biết người” thì tốt biết bao…
TAM THUẬT