10:02, 06/02/2013

Ngậm ngùi phiên tòa cuối năm

Cuộc đời vốn đã gặp nhiều bất hạnh, nuôi một đứa cháu, đứa con chỉ mong có người nương nhờ khi về già. Nhưng rồi niềm hy vọng đó đã tan thành mây khói khi những người được hết mực yêu thương lại vướng vào vòng lao lý, thậm chí mất mạng vì những việc làm phi pháp.

Cuộc đời vốn đã gặp nhiều bất hạnh, nuôi một đứa cháu, đứa con chỉ mong có người nương nhờ khi về già. Nhưng rồi niềm hy vọng đó đã tan thành mây khói khi những người được hết mực yêu thương lại vướng vào vòng lao lý, thậm chí mất mạng vì những việc làm phi pháp.

1. Một ngày giáp Tết, bà Lê Thị D. (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) lủi thủi đến Tòa án nhân dân tỉnh để tham dự phiên tòa với tư cách đại diện cho người bị hại. Lê Phụng Hưng - cháu ruột, cũng là con nuôi  của bà bị một tên nghiện đâm chết trong một vụ ẩu đả mà mọi việc xuất phát từ một con chó.

Từ nhỏ, bà D. đã bị sốt bại liệt khiến chân trái bị teo. bà đành ở một mình trong cảnh tật nguyền. Khi Lê Phụng Hưng được 8 tháng tuổi, do bố mẹ Hưng ly hôn nên bà đón cháu về nuôi. Từ ngày có Hưng, cuộc sống của bà D. đỡ cô quạnh. Bà chăm bẵm, yêu thương Hưng như con đẻ. Cuộc sống của bà D. dựa cả vào Hưng. Ở nhà, những lúc rảnh, Hưng thường giúp bà trong sinh hoạt hàng ngày. Học đến lớp 8, Hưng chuyển sang học nghề thợ hàn, sau đó đi làm ở các công ty ô tô, nhưng đã nghỉ việc từ vài năm nay. Vài lần nghe phong thanh chuyện Hưng làm việc bên ngoài, bà hỏi, nhưng Hưng trả lời: “Cô cứ tin con, đừng nghe lời người ta nói xạo. Con không làm gì quá đâu mà cô lo”. Nghe những lời như vậy, bà lại an tâm. “Nó đi đâu thì đi, nhưng cứ chiều về là giúp tôi đẩy xe ra đường lớn bán bánh mì, khuya lại đẩy xe về”, bà D. tâm sự. Trong tâm tưởng của bà, Hưng lrất hiền lành, có hiếu.  

Thế rồi một ngày, đứa cháu của bà bị người ta đâm chết. Từ đây, bà mới vỡ lở ra nhiều điều. Đằng sau cái vẻ bề ngoài ưa nhìn, gọn gàng sạch sẽ, Hưng là một tay nghiện có thâm niên, lại còn là một tay câu trộm chó, mèo có nghề. Trong một lần trộm chó về chưa kịp bán, Hưng đã bị tên nghiện khác “hớt” tay trên nên xảy ra kình cãi, đánh nhau. Và rồi, Hưng đã bị tên nghiện kia chém chết ở khu vực Bến xe phía Bắc, TP. Nha Trang. Khi nghe tin đứa cháu mà mình coi như con đẻ bị người ta đâm chết, bà D. bủn rủn cả người, thở không ra hơi. Nỗi đau mất cháu đã lớn, nhưng còn một nỗi đau lớn hơn khi bà biết cháu mình nghiện “xì ke”có thâm niên, lại còn trộm cắp. Không riêng gì bà D., những người hàng xóm cũng bất ngờ với thành tích bất hảo của Hưng. Bà Nguyễn Thị L., người cùng xóm với bà D. kể: “Nó quậy ở đâu không biết chứ về tới xóm thì tuyệt đối không làm chuyện mất lòng ai. Lũ trẻ trong xóm rất quý nó. Ngày trước, thi thoảng đi đâu về, nó còn mua bánh kẹo cho tụi nhỏ. Nghe tin nó bị giết, nhiều người rất bàng hoàng. Không ai nghĩ nó lãnh hậu quả từ những chuyện xấu do chính bản thân gây ra”… Từ ngày Hưng mất, bà D. lủi thủi một mình, chẳng thiết gì đến ăn uống.

 Ngày ra Tòa, nước mắt bà cứ lăn dài. Người đàn bà tật nguyền khóc thương cho đứa cháu ruột thịt đã giấu bà đi vào con đường tội lỗi. Trước Tòa, bà chỉ yêu cầu tiền mai táng phí, không yêu cầu những khoản bồi thường khác… Với bà, có bao nhiêu tiền của thì cháu bà cũng không thể sống lại. Nhìn cảnh bà D. khó nhọc lê bước chân ra khỏi Tòa, ai cũng ngậm ngùi: Rồi đây, ai sẽ phụng dưỡng bà khi về già?

2. Bà Nguyễn Thanh H. (trú phường Phước Hải, TP. Nha Trang) tất tả đến Tòa với tư cách giám hộ, khi N.T.C - con của bà phạm tội cướp giật tài sản khi chưa đủ 18 tuổi. Nhìn chiếc nón lá cũ trên tay cùng bộ đồ lao động lam lũ, nhiều người đoán được phần nào cuộc sống hàng ngày của bà. Thế nhưng, chuyện đời của bà còn éo le hơn nhiều.

Nước mắt lưng tròng, bà kể: “Nhà tôi có 5 chị em, tôi là chị cả. 12 tuổi, bố tôi bệnh nặng qua đời. 2 năm sau, mẹ cũng mất…”. Ở tuổi 14, cô bé H. đã phải làm lụng nuôi một đàn em. Lớn lên, vì thương các em côi cút, bà không dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Các em của bà lần lượt lập gia đình, chỉ bà vẫn ở vậy. Một ngày, đứa em gái út ham chơi mang về một đứa bé còn đỏ hỏn giao cho chị gái rồi đi biệt tăm. Thương cháu, bà H. quyết định từ chối nhiều lời dạm ngỏ, một mình nuôi cháu lớn lên. Thương đứa cháu không cha, bà cố gắng bù đắp cho C. bằng một tình thương vô bờ. Mỗi lần thấy C. hỏi “ba con đâu hở mẹ” bà đều nói tránh. Khi C. bị bạn bè trêu chọc: “Con không cha”, bà H. chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Nhà nghèo nên con của bà chỉ học đến hết tiểu học. 14 tuổi, bà H. cho C. đi học nghề. Nhưng chỉ được vài tháng, C. lại bỏ học theo bạn bè chơi bời lêu lỏng. Thế rồi, C. bị bắt trong một lần cùng nhóm bạn đi trộm cắp tài sản lấy tiền xài. Bà H. lại lụi cụi đi thăm nuôi con. Nhiều hôm, bà nhớ con không ngủ được… Ngày ra Tòa, bà chỉ mong C. sẽ được hưởng án treo; nên khi nghe Tòa tuyên án tù giam, bà như chết lặng. Mãi đến khi C. bị dẫn ra xe chở phạm nhân, bà mới kịp chạy theo dúi vào tay đứa con gói bánh. Nước mắt bà nhòe theo chiếc xe bịt bùng.

Xuân về, nhà nhà đang háo hức đón Tết nhưng vẫn có những người như: bà D., bà H… thui thủi một mình.

NHẬT LỆ