Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, đưa ra nhiều giải pháp toàn diện, từ phòng ngừa đến đấu tranh với tội phạm ma túy, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Đấu tranh quyết liệt với tội phạm
Năm 2024, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng diễn biến phức tạp. Tại Khánh Hòa, số vụ phạm tội về ma túy phát hiện và bắt giữ trong năm 2024 tăng 2,25% so với năm 2023. Đáng chú ý, phương thức hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, thậm chí manh động với việc sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng, gây khó khăn và nguy hiểm trong quá trình đấu tranh.
![]() |
Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy tuyên truyền nhận diện các loại ma túy để phòng tránh tại một cơ sở giáo dục ở TP. Nha Trang. |
Tuy vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng tinh thần đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy. Công tác rà soát, đấu tranh với các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được quan tâm, giải quyết triệt để; qua đó nhiều điểm, tụ điểm bị triệt xóa, không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội. Các đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm cũng được quyết liệt triển khai và đạt những kết quả ghi nhận. Công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện ngày càng thực chất; số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy phát hiện, quản lý, đưa vào cai nghiện tăng.
Cùng với đó, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh, hải quan, quân sự tăng cường nắm tình hình, triệt phá các đường dây ma túy xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tập trung ngăn chặn các loại ma túy mới như “bóng cười” (khí N2O), ma túy pha trộn trong thực phẩm, đồ uống. Các đợt cao điểm tấn công tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm cũng được triển khai. Điển hình là vụ đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án 199Đ do Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) chủ công, phối hợp với lực lượng Công an tỉnh vào cuối tháng 3. Trước đó, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với công an địa phương bất ngờ đột kích quán karaoke D.T (ở Tổ dân phố 9, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), phát hiện 14 nam, nữ thanh niên nghi vấn tổ chức sử dụng ma túy. Tiến hành test nhanh, lực lượng chống tội phạm về ma túy đã phát hiện 7 người dương tính với ma túy...
Hướng tới xây dựng địa bàn an toàn về ma túy
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy còn cao. Tính đến ngày 14-2, toàn tỉnh có 1.526 người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; trong đó có 315 người nghiện, 648 người sử dụng trái phép chất ma túy đang ở ngoài xã hội. Đáng chú ý, việc kiểm soát, quản lý số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy tại một số địa phương chưa được thực chất; số lượng người nghiện ma túy tái nghiện sau cai nghiện còn cao...
Từ thực trạng nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống ma túy năm 2025. Theo đó, Công an tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi từ phương thức “truyền thống” sang “hiện đại”, tận dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý người nghiện hiệu quả hơn.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng, đặc biệt qua mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok, tập trung vào nhóm nguy cơ cao như: Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và công nhân tại khu công nghiệp. Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh vào nhận thức pháp luật, cảnh báo tác hại của ma túy, cách nhận biết ma túy “núp bóng” trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; đồng thời khuyến khích người dân tố giác tội phạm. Song song với đó, tỉnh quyết liệt chuyển hóa các địa bàn trọng điểm về ma túy. Các mô hình: “Xã, phường không ma túy”, “Trường học không ma túy” sẽ được nhân rộng, hướng tới mục tiêu xây dựng “Địa bàn cấp tỉnh an toàn về ma túy”.
Công tác quản lý người nghiện và sau cai nghiện cũng được chú trọng. Trong năm 2025, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, thống kê chính xác số liệu, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đồng thời nâng cấp cơ sở cai nghiện tỉnh để đáp ứng nhu cầu. Về nguồn lực, tỉnh sẽ cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo kinh phí cho công tác đấu tranh, cai nghiện và quản lý người nghiện; đồng thời kêu gọi xã hội hóa để nâng cao hiệu quả công tác này.
THÀNH LONG
Kế hoạch của UBND tỉnh đặt mục tiêu kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy dưới 1% so với năm 2024; đồng thời đảm bảo không để người nghiện cư trú tại địa phương mà không có hồ sơ quản lý; hơn 80% người nghiện và sử dụng ma túy trái phép sẽ được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Về đấu tranh với tội phạm, tỉnh phấn đấu tăng từ 5% số vụ phát hiện, bắt giữ, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm trước, không để hình thành điểm nóng mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin