Bức xúc vì đòi nợ nhiều lần không được, Phạm Văn Phong (sinh năm 1984, trú tỉnh Ninh Bình) đã gây thương tích cho con nợ. Kết quả là nợ chưa đòi được, bị cáo đã vào tù.
Gây thương tích cho con nợ
Theo cáo trạng, khoảng tháng 3-2019, bà N.H.K.M (trú TP. Nha Trang) vay Phong 5 triệu đồng, thỏa thuận trả lãi và gốc 100.000 đồng/ngày, thời hạn 55 ngày. Đến tháng 4-2019, bà M. đã trả được một phần tiền vay, còn nợ 4 triệu đồng. 3 tháng liên tiếp sau đó, Phong gọi điện thoại đòi nợ nhưng bà M. không có tiền trả.
Ngày 13-8-2019, Phong ăn tối cùng 2 thanh niên tại khu vực xã Vĩnh Lương (Nha Trang) rồi rủ 2 người này đến nhà bà M. đòi nợ. Khi nhóm Phong đến nhà bà M. thì bà đang nấu ăn. Phong cùng 1 người vào trong nhà bà M., người còn lại đứng ngoài. Phong đòi nợ thì bà M. hẹn cuối tháng sẽ trả đủ, nhưng Phong không đồng ý. Hai bên xảy ra cự cãi. Phong hất nồi canh đang sôi trên bếp tạt trúng người bà M., gây bỏng từ ngực đến chân. Phong định bỏ về nhưng bà M. ôm chân Phong không cho đi. Chồng bà M. can ngăn thì bị thanh niên đi cùng Phong ngăn cản. Phong nhặt cây gỗ đánh 2 cái vào đầu bà M. gây thương tích nên bà M. buông tay. Nhóm Phong bỏ chạy.
Ngày 27-11-2019, Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại cho bà M. là 12%. Ngày 29-4-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang có quyết định khởi tố vụ án; sau đó khởi tố bị can Phạm Văn Phong về tội cố ý gây thương tích; 2 người đi cùng Phong chưa xác định được lai lịch nên sẽ điều tra, xử lý sau.
Vụ án từng bị đình chỉ
Sau hơn 5 năm kể từ thời điểm xảy ra vụ án, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này mới được mở, do trước đó từng bị đình chỉ vụ án. Cụ thể, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang có quyết định khởi tố, bà M. và Phong đều có đơn xin giám định lại thương tích của bà M. Căn cứ theo đề nghị của bị hại và bị cáo, đồng thời do nhận thấy kết luận giám định về tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Mai là 12% là cao so với thương tích thực tế, ngày 1-3-2022, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Nha Trang có quyết định trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định lại thương tích của bị hại. Kết luận giám định lại của Phân viện Khoa học hình sự xác định, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà M. tại thời điểm giám định (từ ngày 2 đến 8-3-2023) là 5%. Bà M. đã được thông báo về kết quả giám định lại nhưng vẫn giữ yêu cầu rút đơn khởi tố. Do đó, ngày 17-3-2023, VKSND TP. Nha Trang ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ vụ án đối với bị can.
Tuy nhiên, ngày 28-5-2024, VKSND tỉnh có quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nêu trên, yêu cầu VKSND TP. Nha Trang giải quyết vụ án theo quy định và cho rằng, việc VKSND TP. Nha Trang đình chỉ vụ án căn cứ vào kết luận giám định lại, khi thời điểm kết luận giám định cách thời điểm xảy ra tội phạm 3 năm 6 tháng 25 ngày, một số vết thương của người bị hại đã lành sẹo và bị hại có đơn xin rút yêu cầu khởi tố là không có căn cứ. Ngày 3-6-2024, VKSND TP. Nha Trang ra quyết định phục hồi vụ án đối với Phạm Văn Phong về tội cố ý gây thương tích; xác định hành vi cho vay tiền của Phong chưa đủ cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Ngày 17-7-2024, VKSND TP. Nha Trang ra cáo trạng truy tố Phong về tội cố ý gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể gây ra cho bà M. là 12%.
Với tỷ lệ như trên, theo quy định của pháp luật, dù bị hại rút yêu cầu khởi tố, Phong vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuần qua, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phong 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Về trách nhiệm dân sự, bị hại đã được bồi thường 70 triệu đồng và không yêu cầu nên tòa không xét. Đây là bài học về cách đòi nợ đối với bị cáo.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin