Theo đánh giá của Bộ Công an, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Các đối tượng cấu kết với nhau nhằm giăng bẫy lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là vào dịp cuối năm.
Lừa đặt phòng, đặt nhà hàng dịp lễ
Trước ngày 20-11, anh H. - chủ một nhà hàng ở phường Phước Long, TP. Nha Trang nhận được cuộc gọi của một người tự xưng đang làm việc tại một học viện ở Nha Trang, đặt tiệc cho 50 khách mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hai bên thống nhất thực đơn, ngày giờ và người này chuyển khoản đặt cọc 1 triệu đồng. Gần đến giờ hẹn, đối tượng nhờ nhà hàng mua giúp rượu để tiếp khách và giới thiệu số điện thoại của hãng rượu. Nhà hàng liên lạc và được người bán yêu cầu chuyển tiền trước 20 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu lừa đảo nên chủ nhà hàng không chuyển và báo lại thì đối tượng đặt nhà hàng cũng mất tích. Tuy không mất tiền nhưng anh H. phải bù lỗ khoảng 5 triệu đồng cho phần thực phẩm đã chế biến sẵn.
Fanpage của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên cập nhật các hình thức lừa đảo trực tuyến mới để cảnh báo người dân. |
Mới đây, anh Nguyên (trú TP. Nha Trang) nhận được cuộc gọi của một người tên Hiếu đặt tiệc sinh nhật, xe đưa đón sân bay cho 14 khách đến Nha Trang. Với cách thức đặt dịch vụ khá nhanh gọn, người này đã chuyển ngay tiền đặt cọc 10 triệu đồng, gửi cả sao kê trừ tiền lẫn phiếu giao dịch và hối thúc nhận dịch vụ vì lý do sắp ra sân bay. Tuy nhiên, sau khi xác minh, anh Nguyên nhận ra phiếu chuyển tiền được làm giả, vì thế cũng không có chuyện nhận được tiền cọc của khách.
Chiêu lừa nhờ đặt dịch vụ nhà hàng tuy không mới, nhưng đã có khá nhiều người sập bẫy lừa. Một thủ đoạn lừa đảo mới đang nở rộ thời gian qua không chỉ ở Khánh Hòa mà còn diễn ra ở Lâm Đồng, Bình Thuận là giả mạo facebook của các khu du lịch, khách sạn hạng sang. Theo đó, các đối tượng lập và sao chép y nguyên các thông tin trên trang facebook của khách sạn, khu nghỉ dưỡng và chạy quảng cáo rầm rộ. Đang có nhu cầu đặt phòng nên chị Huỳnh Hồng (trú Nha Trang) đã vào facebook tìm hiểu, thấy quảng cáo khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Resort & Spa Nha Trang giá phòng rẻ, thông tin đầy đủ, chị liền chuyển tiền cọc 1,5 triệu đồng. Sau khi nhận phiếu xác nhận của trang này gửi lại, chị Hồng vẫn không biết mình đã bị trang giả mạo lừa cho đến khi các đối tượng tung chiêu muốn chị tiếp tục chuyển khoản lần 2 với lý do chưa nhận được...
Nâng cao cảnh giác khi mua dịch vụ trên không gian mạng
Tình trạng lập fanpage mạo danh các khách sạn lớn để lừa đảo thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã xác định có 16 khách sạn trên địa bàn bị giả mạo và đang trong quá trình thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng lừa đảo. Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động lừa đảo trực tuyến đang được các đối tượng kết nối nhiều người cùng dụ dỗ nạn nhân và hoạt động chủ yếu từ nước ngoài, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy bắt, xử lý loại tội phạm này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm lừa đảo trực tuyến gia tăng trong thời gian gần đây.
Để không bị sập bẫy các đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, cập nhật thông tin về những dấu hiệu nhận diện như: Trang facebook doanh nghiệp, đơn vị, những số tài khoản cá nhân, chuyển khoản ngân hàng bị lỗi, nhờ đặt mua hàng kèm dịch vụ... Hiện nay, hệ thống các fanpage/kênh của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng thường xuyên cập nhật các hình thức lừa đảo trực tuyến mới được phát hiện hằng ngày, người dân có thể theo dõi, cập nhật thông tin, tình hình, phương thức, thủ đoạn lừa đảo để chủ động phòng tránh.
THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin