Bị cáo Trần Quốc Dũng (sinh năm 1999, trú huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tự ý thực hiện một việc không được công ty giao, tuy thấy trước hậu quả sẽ xảy ra nhưng không tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng cháy, không đảm bảo an toàn lao động, gây ra vụ cháy, nhưng cấp sơ thẩm lại buộc công ty phải bồi thường… Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm này.
Giao đấu nối ống nước, lại đi hàn xì cắt sắt
Theo hồ sơ, Trần Quốc Dũng là công nhân thời vụ của một công ty có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh (viết tắt là Công ty N.T). Công ty N.T phụ trách thi công hệ thống thoát nước tại công trình của một công ty có trụ sở tại huyện Cam Lâm (viết tắt là Công ty O.H).
Sáng 20-12-2022, theo phân công của Công ty N.T, Dũng đến công trình của Công ty O.H để đấu nối đường ống dẫn nước. Khi lên tầng 2, Dũng thấy lỗ thông giữa tầng 2 và tầng 1 bị chắn bởi các thanh sắt dầm sàn, không thể đưa đường ống dẫn nước qua. Thấy có 1 bình hàn gió đá và hệ thống dây dẫn gắn với mỏ hàn ở gần đó, Dũng liền đẩy sát cửa ra vào. Sợ trong lúc hàn cắt, mạt sắt rơi xuống gây cháy các thiết bị vệ sinh ở tầng 1, Dũng đi xuống, nhặt miếng ván gỗ ép đặt dưới lỗ thông. Cho rằng khoảng cách từ trần xuống nền đảm bảo an toàn, Dũng lên tầng 2 sử dụng bình hàn gió đá cắt thanh sắt dầm sàn. Khi cắt xong thanh sắt thứ 2, Dũng thấy các thùng giấy đựng thiết bị vệ sinh ở dưới bốc khói liền chạy xuống dùng bình chữa cháy xịt vào, nhưng đám cháy vẫn bùng lên. Dũng hô hoán, nhờ các công nhân phụ dập lửa nhưng không được, phải nhờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trưa cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Hậu quả, 304 bộ bồn cầu của Công ty O.H đã bàn giao cho một công ty có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh (bị hại thứ nhất) quản lý, thi công, lắp đặt bị vỡ bể, ám khói đen, ố vàng; 156m tường do một công ty có trụ sở ở TP. Hà Nội (bị hại thứ 2) chịu trách nhiệm thi công bị ám khói. Tổng trị giá thiệt hại xác định hơn 2,45 tỷ đồng.
Quang cảnh phiên tòa. |
Ngày 22-3-2024, Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dũng 3 tháng 19 ngày tù về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản; buộc Công ty N.T bồi thường cho bị hại thứ nhất hơn 2,44 tỷ đồng và cho bị hại thứ 2 hơn 42 triệu đồng; Công ty N.T có quyền yêu cầu bị cáo Dũng hoàn trả. Sau đó, Công ty N.T kháng cáo.
Hủy bản án sơ thẩm
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty N.T trình bày, phiên tòa sơ thẩm vắng mặt các bên đương sự nhưng tòa cấp sơ thẩm vẫn giải quyết phần trách nhiệm dân sự là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Bị cáo Dũng tự ý hàn cắt kim loại gây cháy, gây thiệt hại nên bị cáo Dũng phải bồi thường thiệt hại.
Bị cáo Dũng khai nhận, bị cáo chỉ được giao đấu nối đường ống dẫn nước, nhưng thấy lỗ thông giữa 2 tầng bị chắn bởi các thanh sắt dầm sàn, nếu không cắt sắt thì không thể đưa đường ống dẫn nước qua nên đã tự ý dùng bình hàn gió đá cắt sắt. Trước khi cắt, bị cáo có lo sợ các mạt sắt rơi xuống sẽ gây cháy nên đã xuống quan sát và cho rằng, từ vị trí đấu nối đến nơi để vật tư khoảng 1m; từ trần xuống nền khoảng 7m, dùng tấm ván gỗ đặt dưới lỗ thông tầng, mạt sắt rơi xuống cũng không sao. Tuy nhiên, vụ cháy đã xảy ra, gây thiệt hại về tài sản.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm sai lầm trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được điều tra, xử lý.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, có căn cứ xác định bị cáo Dũng đã tự ý thực hiện việc cắt kim loại dẫn đến cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây không phải công việc công ty giao cho bị cáo. Cấp sơ thẩm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Công ty N.T là sai lầm khi áp dụng pháp luật. Ngoài ra, bị cáo Dũng nhận thức rõ việc dùng bình hàn gió đá để cắt kim loại sẽ gây cháy, đã thấy trước hậu quả sẽ xảy ra nhưng lại thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về phòng cháy, không đảm bảo an toàn lao động nên đã gây ra cháy, làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức. Hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, làm rõ.
Vì vậy, tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm điều tra lại theo thủ tục chung. Được biết, vụ án này từng 1 lần bị hủy bản án sơ thẩm do có vi phạm về tố tụng.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin