20:33, 14/06/2024

Vụ cháy tàu cá ở Hòn Rớ: Bài học về an toàn phòng cháy, chữa cháy

NGUYỄN VŨ

Trong lúc hàn sắt, Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1992, trú huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã để vảy hàn và mẩu que hàn thừa rơi sang tàu cá bên cạnh gây cháy, thiệt hại hơn 840 triệu đồng. Với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bị cáo Thống phải lãnh án 5 năm tù.

Bất cẩn trong lúc hàn

Theo hồ sơ, năm 2019, được Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho phép, ông Cao Văn Thơ (trú xã Phước Đồng) đưa tàu cá đóng mới của mình cập cảng Hòn Rớ để tiếp tục hoàn thiện giàn khung sắt hệ thống bủa lưới trên tàu; ông Phạm Văn Tư (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đưa tàu cá vào cảng Hòn Rớ sửa chữa và đậu sát tàu của ông Thơ. Ông Thơ có hợp đồng mua bán, gia công lắp đặt hệ thống thiết bị khai thác mành chụp cho tàu với một tiệm điện ở phường Vĩnh Trường (Nha Trang) do bà Lê Thị Mỹ Hà làm đại diện theo pháp luật; ông Lê Văn Quyền (trú phường Vĩnh Trường) đại diện tiệm điện làm giám sát kỹ thuật. Quá trình gia công, ông Quyền đã thuê Thống trực tiếp hàn, có Phạm Minh Hùng (trú huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) phụ giúp.

Sáng 14-1-2019, Thống trèo lên giàn sắt tàu cá của ông Thơ để hàn, Hùng đứng dưới phụ việc; ông Thơ và ông Quyền không có mặt trên tàu. Trong quá trình hàn, Thống để vảy hàn và mẩu que hàn thừa rớt sang phần mũi và khu vực hầm lưới tàu ông Tư. Trưa cùng ngày, khoang chứa lưới và phần đầu tàu cá của ông Tư bốc cháy. Thống la báo và cùng mọi người tích cực chữa cháy, nhưng chỉ khi cảnh sát PCCC tới thì đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy đã gây thiệt hại tài sản gần 843 triệu đồng; Thống đã bồi thường 40 triệu đồng cho ông Tư.

Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án.

Ngày 11-5-2023, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang xét xử sơ thẩm và nhận định, theo Thông tư số 13, ngày 16-6-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các công việc hàn, cắt kim loại có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Quá trình hàn trên tàu cá của ông Thơ, bị cáo Thống không tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn lao động, vi phạm Luật PCCC năm 2001, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011 về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện, gây thiệt hại cho ông Tư gần 843 triệu đồng. Hành vi của bị cáo thực hiện do lỗi vô ý, nhưng thuộc trường hợp nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến an toàn PCCC và tài sản của công dân. Bị cáo đã tự nguyện bồi thường 40 triệu đồng, nhưng so với thiệt hại đã xảy ra là chưa tương xứng… Tòa đã tuyên phạt bị cáo Thống 5 năm tù về tội vi phạm quy định về PCCC; tách phần trách nhiệm dân sự đối với bị hại Tư ra giải quyết thành vụ án khác khi có đơn yêu cầu; tiệm điện do bà Hà làm đại diện theo pháp luật và ông Quyền phải liên đới bồi thường cho ông Tư 100 triệu đồng. Tòa cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của ông Quyền, ông Hùng và 1 cá nhân khác với vai trò đồng phạm tội vi phạm quy định về PCCC; kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với tiệm điện do bà Hà làm đại diện theo pháp luật do kinh doanh vượt quá phạm vi trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Sau đó, bị cáo Thống kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kháng cáo xin ghi nhận BIDV Chi nhánh Quảng Nam là bên thụ hưởng đầu tiên được nhận lại các khoản tiền của bị cáo Thống, tiệm điện do bà Hà làm đại diện theo pháp luật và ông Quyền bồi thường cho ông Tư để thay thế cho giá trị tài sản thế chấp là tàu cá của ông Tư đã bị thiệt hại.

Hủy phần trách nhiệm dân sự trong bản án

Ngày 12-6, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị tòa không chấp nhận kháng cáo, vì mức án đã tuyên là phù hợp; đề nghị hủy phần trách nhiệm dân sự trong bản án sơ thẩm. Vị này lập luận, thiệt hại gần 843 triệu đồng là do hành vi vi phạm quy định về PCCC gây ra. Biên bản ghi lời khai thể hiện, ông Tư đã yêu cầu ông Thơ phải bồi thường thiệt hại do đã thuê Thống hàn trên tàu cá của ông Thơ, dẫn đến cháy tàu của ông Tư. Như vậy, đã có đủ căn cứ xem xét giải quyết yêu cầu của bị hại. Cấp sơ thẩm áp dụng Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự, tách phần trách nhiệm dân sự ra giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu là không giải quyết triệt để vụ án. BIDV có đơn xin xét xử vắng mặt và yêu cầu tòa cấp sơ thẩm ghi nhận như nội dung kháng cáo nêu trên nhưng cấp này không xem xét, giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, tuyên bác kháng cáo của bị cáo Thống, giữ nguyên mức án 5 năm tù về tội vi phạm quy định về PCCC; hủy phần trách nhiệm dân sự trong bản án sơ thẩm để xét xử lại.

NGUYỄN VŨ