Bằng cách thuê người làm giả 6 con dấu và 10 tài liệu, Đoàn Thị Hồng (sinh năm 1971, trú phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) đã lừa được nhà chồng và nhiều tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt 12,9 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo đã lãnh án 19 năm tù.
Hợp pháp hóa việc chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tờ giả
Theo hồ sơ, cha mẹ chồng của Hồng có 2 thửa đất cùng ở phường Vĩnh Thọ. Thửa ở đường Nguyễn Đình Chiểu, ông bà cho ông L.L.Y (chồng Hồng), ông Y. đã thế chấp ngân hàng vay 2 tỷ đồng; thửa ở Cù Lao Thượng, ông bà lập di chúc giao cháu nội (con của vợ chồng Hồng) ở và thờ cúng, bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) giao cho Hồng. Cha chồng của Hồng còn có 3 khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng không lập di chúc, giao cho Hồng giữ 3 sổ tiết kiệm. Sau đó cha mất, Hồng giao lại cho anh em chồng. Từ năm 2019 đến 2021, Hồng nợ nần, hết khả năng thanh toán.
Đầu năm 2020, Hồng thuê Hùng (không rõ lai lịch) làm giả hợp đồng ủy quyền của cha mẹ chồng cho Hồng được chuyển nhượng nhà đất ở Cù Lao Thượng. Hồng chuyển nhượng nhà đất này cho bà N.T.M.V với giá 1 tỷ đồng, rồi lại được bà V. chuyển nhượng lại nhà đất này với giá bằng giá bán. Hồng thế chấp nhà đất trên, vay ngân hàng hơn 3,2 tỷ đồng. Tháng 5-2021, Hồng dùng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả để nhận đặt cọc bán nhà đất trên cho ông V.T.M với giá 700 triệu đồng.
Đối với nhà đất ở đường Nguyễn Đình Chiểu, cuối năm 2020, Hồng thuê Hùng làm giả: Bản sao hợp đồng ủy quyền của chồng cho toàn quyền xóa thế chấp, nhận lại GCN từ ngân hàng; hợp đồng tặng cho quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà đất; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, Hồng gặp ông L.Q.K đề nghị nộp vào ngân hàng hơn 1,8 tỷ đồng để tất toán với lời hứa sẽ bán nhà đất cho ông K. Sau khi nhận lại bản gốc GCN và làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp, cùng với hợp đồng tặng cho giả, Hồng đăng ký biến động, chỉnh lý sang tên mình rồi thế chấp ngân hàng vay 3,5 tỷ đồng, đưa lại cho ông K. 2 tỷ đồng (gồm tiền tất toán và tiền vay thêm) với lý do không muốn bán nữa. Sau đó, Hồng lại thỏa thuận ông K. ứng trước tiền để Hồng tất toán khoản vay 3,5 tỷ đồng, rồi bán nhà đất cho ông K. với giá 4,5 tỷ đồng.
Cuối tháng 10-2020, Hồng nhờ mẹ chồng rút tiền tiết kiệm của cha chồng để mượn làm ăn, bà đồng ý. Hồng báo ngân hàng là bị mất sổ, rồi thuê Hùng làm giả một số giấy tờ. Hùng còn đưa thêm cho Hồng 2 con dấu tròn giả của UBND phường Vĩnh Thọ. Hồng đưa mẹ chồng đến các ngân hàng, hướng dẫn ký giấy tờ, còn Hồng nộp các tài liệu giả để làm thủ tục cho mẹ chồng nhận hơn 1,4 tỷ đồng tiền tiết kiệm, sau đó đưa hết cho Hồng. Cơ quan chức năng xác định Hồng làm giả di chúc để các ngân hàng chi trả tiền tiết kiệm cho mẹ chồng, không có ý thức chiếm đoạt tiền của ngân hàng; việc mượn sổ tiền tiết kiệm là quan hệ dân sự.
Lãnh án 19 năm tù
Tòa cấp sơ thẩm nhận định, từ tháng 1-2020 đến cuối tháng 12-2021, Hồng đã cung cấp thông tin, mẫu chữ ký, mẫu hình dấu để làm giả 10 tài liệu, 6 con dấu của Phòng Công chứng số 1 và UBND phường Vĩnh Thọ rồi dùng giấy tờ giả để được chỉnh lý biến động GCN 2 nhà đất thuộc sở hữu của cha mẹ chồng và chồng sang tên mình, từ đó thế chấp, chuyển nhượng, chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng. Tòa đã tuyên phạt bị cáo 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; buộc chấp hành hình phạt chung 19 năm tù. Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận: Bị cáo Hồng bồi thường cho ông K. gần 2,5 tỷ đồng; ông Y. hoàn trả cho ông K. hơn 1,8 tỷ đồng. Những bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt tách ra giải quyết riêng khi có yêu cầu. Sau đó, ông Y. kháng cáo, cho rằng không liên quan đến việc bị cáo lừa ông K., nên không đồng ý trả lại cho ông K. mà nộp hơn 1,8 tỷ đồng cho Chi cục Thi hành án dân sự TP. Nha Trang. Một ngân hàng cũng kháng cáo đề nghị được giải quyết bồi thường.
Tuần qua, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên phần trách nhiệm dân sự; bị cáo Hồng vẫn chấp hành 19 năm tù. Tòa nhận định, đối với khoản nợ ngân hàng của ông Y., lẽ ra ông Y. phải trả, nhưng do ông K. tin lời bị cáo nên đã trả khoản tiền này, do vậy, ông Y. có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông K. Đối với khoản tiền liên quan đến ngân hàng có kháng cáo, do vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, đã được tách ra giải quyết khi có yêu cầu, nên không xem xét trong phiên tòa phúc thẩm.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin