Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan lời chào mời vay tiền qua hình thức trực tuyến (online). Nhiều người dân không am hiểu, mất cảnh giác sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan lời chào mời vay tiền qua hình thức trực tuyến (online). Nhiều người dân không am hiểu, mất cảnh giác sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của bà T.T.P (trú huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) về việc bị các đối tượng tự nhận là nhân viên của một ngân hàng có trụ sở tại TP. Nha Trang lừa đảo, chiếm đoạt mất hàng chục triệu đồng. Theo trình bày của bà P., do phải trả khoản nợ cho một người bạn, bà vào mạng xã hội gõ từ khóa “vay tiền online” để tìm kiếm. Sau đó, bà đã tìm được một trang mạng xã hội có hàng chục nghìn lượt người truy cập và quyết định gửi tin nhắn cho quản trị viên, yêu cầu cần vay khoản tiền 30 triệu đồng. Theo hướng dẫn của quản trị viên, bà P. đã cung cấp số điện thoại để được một phụ nữ tự xưng là nhân viên một ngân hàng có chi nhánh ở Nha Trang hướng dẫn kết bạn qua Zalo. Theo chỉ dẫn, bà P. đã cung cấp số căn cước công dân, địa chỉ cư trú cùng những thông tin cá nhân liên quan, đơn vị công tác và cả số tài khoản. Rất nhanh sau đó, nữ nhân viên này đã “duyệt” hồ sơ, đồng thời cho biết phía ngân hàng đã tiến hành giải ngân khoản vay cho bà.
Chờ đợi khá lâu, bà P. không thấy 30 triệu đồng phía ngân hàng chuyển tới số tài khoản cá nhân. Vì thế, bà đã chủ động liên hệ với nhân viên ngân hàng kể trên và tá hỏa khi được người này thông báo ngân hàng đã giải ngân khoản vay và được chuyển tới một số tài khoản chỉ khác số tài khoản của bà P. đúng 1 chữ số. Nhân viên này cho rằng, bà P. đã cố tình cung cấp sai số tài khoản, vì thế bà phải chịu trách nhiệm khoản vay kể trên vì ngân hàng đã tiến hành giải ngân; đồng thời yêu cầu bà phải gửi một khoản tiền từ chính số tài khoản mà bà đã cung cấp trước đó cho ngân hàng để chứng minh bản thân “trong sạch”.
Tưởng thật, sau khi chuyển 6 triệu đồng trong tài khoản cho nữ nhân viên ngân hàng để chứng minh mình không lừa đảo, bà P. tiếp tục bị các đối tượng yêu cầu chuyển thêm nhiều khoản tiền khác, bao gồm: bảo hiểm khoản vay, nâng hạn mức để được rút tiền... với tổng số tiền lên đến 42 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, số tiền này đã bị chiếm đoạt sạch. “Tôi chỉ có 6 triệu đồng trong tài khoản, số tiền còn lại đều vay mượn của người thân trong gia đình rồi chuyển cho các đối tượng lừa đảo. Khi tôi nói không có tiền chuyển thêm thì các đối tượng yêu cầu tôi phải trực tiếp vào Nha Trang để làm việc với ngân hàng”, bà P. kể. Theo thông tin cung cấp của bà P., chúng tôi đã tiến hành xác minh địa chỉ chi nhánh ngân hàng ở Nha Trang mà các đối tượng yêu cầu bà đến làm việc là một tiệm sửa chữa điện thoại trên đường Lê Thánh Tôn.
Tìm hiểu được biết, thời gian qua, nhiều người ở các tỉnh, thành trong cả nước đã bị những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền theo phương thức, thủ đoạn nêu trên.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức hỗ trợ vay tiền qua mạng ngày càng tinh vi, thậm chí các đối tượng còn làm giả văn bản, mạo danh Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính để dẫn dụ nạn nhân. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực tính đúng đắn của công ty tài chính, tư vấn viên; trước khi tiến hành các thủ tục tài chính, vay mượn tiền cần gọi điện thoại đến số đường dây nóng của các công ty, kiểm tra kỹ những đường link trang web trước khi truy cập; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác trang web và danh tính tư vấn viên; không chuyển tiền để đóng phí giải ngân khoản vay qua tài khoản cá nhân; không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay mã OTP do ngân hàng cung cấp cho bất kỳ ai.
Thành Long