05:10, 16/10/2017

Khó thi hành án do ủy thác tư pháp kéo dài

Quy định của pháp luật về thủ tục ủy thác tư pháp khiến những vụ việc thi hành án có yếu tố nước ngoài bị tồn đọng, ảnh hưởng đến kết quả công tác của cơ quan thi hành án dân sự và người được thi hành án.

 

Quy định của pháp luật về thủ tục ủy thác tư pháp khiến những vụ việc thi hành án có yếu tố nước ngoài bị tồn đọng, ảnh hưởng đến kết quả công tác của cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và người được thi hành án.


Nợ khó đòi


Năm 1985, vợ chồng ông Võ Doãn Vinh và Đặng Thị Tý thỏa thuận bán nhà đất 16 Lê Đại Hành, TP. Nha Trang cho Công ty Dâu tằm tơ Phú Khánh (gọi tắt là công ty) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá 2,95 triệu đồng, thanh toán 100.000 đồng/tháng đến khi hết. Sau 4 tháng, công ty đã thanh toán được 1,388 triệu đồng, tương đương 47% giá trị nhà đất. Tuy nhiên, do không thống nhất về quản lý và báo cáo tài chính việc mua bán giữa công ty và UBND tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) nên UBND tỉnh đã yêu cầu công ty ngừng mua bán. Trong năm 1986, ông Vinh 4 lần gửi đơn cho công ty và các cơ quan liên quan, thể hiện nếu công ty không mua nữa, ông sẽ hoàn trả tiền đã nhận. Nhưng công ty không nhận lại tiền, cũng không mua tiếp. Sau gần 4 năm rưỡi kể từ ngày có công văn của UBND tỉnh, vợ chồng ông Vinh mới bán một phần nhà đất trên.

 

Sau khi ông Vinh, bà Tý mất, theo di chúc, quyền sở hữu nhà đất 16 Lê Đại Hành được trao cho 2 con là bà Đặng Thị Kiều Oanh và Võ Thị Lan Huệ (cư trú tại Thụy Điển), đồng thời 2 bà phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà ông Vinh, bà Tý thực hiện theo bản án của tòa, sau khi trừ phần nhà đất đã bán.


Năm 2011, để thu hồi tài sản cho Nhà nước đối với số tiền mà công ty (đã giải thể) đã mua, UBND tỉnh khởi kiện, yêu cầu bà Oanh, bà Huệ thực hiện nghĩa vụ thừa kế thanh toán cho UBND tỉnh 47% giá trị nhà đất mà cha mẹ 2 bà đã nhận trước kia theo giá trị tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Năm 2012, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử, xác định 47% giá trị nhà đất trên trị giá hơn 8,6 tỷ đồng và buộc bà Oanh, bà Huệ thanh toán cho UBND tỉnh hơn 4,3 tỷ đồng/người.


Sau khi án có hiệu lực, ngày 21-6-2013, Cục THADS tỉnh ra quyết định cho tổ chức thi hành. Do bà Oanh và bà Huệ đều ở nước ngoài nên các thủ tục thi hành án đều phải thực hiện qua ủy thác tư pháp. Nhưng tất cả các lần ủy thác, 2 bà này đều không phản hồi. Vì vậy, khoản tiền phải trả cho UBND tỉnh vẫn chưa thu được.

 

Nhà đất số 16 Lê Đại Hành

Nhà đất số 16 Lê Đại Hành

 

Vướng mắc chưa được tháo gỡ


Theo Điều 39 Luật THADS, mọi quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác liên quan đến việc thi hành án đều phải thông báo cho đương sự; người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Khi đã được thông báo hợp lệ mà những người này không thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã thông báo thì cơ quan THADS căn cứ tài liệu hiện có để giải quyết việc thi hành án. Tuy nhiên, theo Nghị định số 62/2015 của Chính phủ, với người cư trú ở nước ngoài, việc thông báo phải thực hiện theo thủ tục ủy thác tư pháp. Cụ thể, cơ quan thi hành án phải gửi hồ sơ cho Bộ Tư pháp. Sau 6 tháng, nếu không nhận được kết quả, cơ quan này phải ủy thác lần 2. Việc ủy thác lần 2 được xem là hợp lệ nếu sau 3 tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp mà cơ quan thi hành án không nhận được thông báo kết quả. Như vậy, với mỗi văn bản không phản hồi kết quả, cơ quan thi hành án cũng phải chờ 9 tháng. Việc thông báo này là thủ tục bắt buộc. Nếu thiếu, kết quả việc thi hành án có thể bị hủy khi xét giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Do quá trình ủy thác kéo dài nên có khi ủy thác được thì chứng thư thẩm định giá lại hết hạn (6 tháng). Khi đó, cơ quan thi hành án lại phải thẩm định giá lại tài sản kê biên. Ngoài ra, theo Luật Bán đấu giá (có hiệu lực từ ngày 1-7-2017), thủ tục chọn tổ chức bán đấu giá không còn do chấp hành viên thực hiện mà phải thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh để các tổ chức gửi hồ sơ tham gia. Từ đó, cục xét chọn, rồi thông báo kết quả chọn theo thủ tục ủy thác tư pháp cho đương sự; người có quyền, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài. Với những quy định trên, cộng thêm đương sự ở nước ngoài không hợp tác, thì việc tổ chức thi hành án rất phức tạp, tốn công sức, thời gian. Thực tế, sau hơn 4 năm, việc thi hành bản án liên quan nhà đất 16 Lê Đại Hành mới ở giai đoạn thông báo chọn tổ chức bán đấu giá tài sản kê biên.


Được biết, cả năm công tác 2017 (từ 1-10-2016 đến 30-9-2017), Chi cục THADS huyện Khánh Vĩnh thụ lý giải quyết về tiền hơn 2,6 tỷ đồng; Chi cục THADS huyện Khánh Sơn chỉ thụ lý gần 1 tỷ đồng; nếu tính số có điều kiện thi hành thì còn ít hơn nhiều. Có thể thấy, chỉ cần 1 vụ thi hành có giá trị về tiền hơn 8,6 tỷ đồng như trên bị tồn đọng có thể ảnh hưởng đến kết quả công tác của cả chi cục THADS.   


Ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, cơ quan này đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về thủ tục ủy thác tư pháp. Theo đó, nên quy định áp dụng thời hạn ủy thác cho lần đầu tiên, khi cơ quan THADS thông báo về toàn bộ trình tự, thủ tục thi hành án cũng như mọi quyền lợi, nghĩa vụ của bên ở nước ngoài. Sau khi có kết quả phản hồi, cơ quan THADS được thực hiện tuần tự các thủ tục theo trình tự đã thông báo.


NGUYỄN VŨ