Trung tá Nguyễn Minh Đức - Đội trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra, xử lý cơ sở chế biến cà phê do ông Nguyễn Văn Mẫu (44 tuổi, trú thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) làm chủ vì có nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trung tá Nguyễn Minh Đức - Đội trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra, xử lý cơ sở chế biến cà phê do ông Nguyễn Văn Mẫu (44 tuổi, trú thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) làm chủ vì có nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Đức, từ nguồn tin của người dân phản ánh về cơ sở chế biến cà phê do ông Mẫu làm chủ có nhiều biểu hiện vi phạm, trưa 30-11, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường đã bất ngờ tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều nguyên liệu dùng vào việc chế biến cà phê không có chứng từ hóa đơn hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Không những vậy, sản phẩm “cà phê” do cơ sở này chế biến chỉ gồm có đậu nành, đường mía, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất tạo béo chứ không hề có cà phê. Lực lượng Cảnh sát môi trường đã tiến hành niêm phong tạm giữ toàn bộ số nguyên liệu không rõ nguồn gốc cùng gần 500kg đậu nành đã qua chế biến.
Sản phẩm đang được phơi ngay trên nền xi măng |
Trình bày với cơ quan công an, ông Mẫu cho biết, cơ sở hoạt động từ tháng 8-2016, trung bình mỗi tháng sản xuất từ 200 đến 300kg. Sản phẩm làm ra chỉ bán với giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg và đều được tiêu thụ hết. Nói về quy trình sản xuất, ông Mẫu cho biết toàn bộ nguyên liệu được mua ngoài chợ. Đậu tương được rang cháy, sau đó được tẩm, ướp với nước đường mía, bơ và một loại nước có màu đen kịt gọi là hương liệu cà phê. Sau nhiều lần sao, tẩm, sấy và phơi khô, hỗn hợp đó sẽ được cho vào một máy xay và cho ra sản phẩm được chủ cơ sở gọi là cà phê. Điều đáng ngại là toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện trong một nhà lợp tôn ở góc vườn. Sản phẩm được phơi ngay trên nền xi măng và được chế biến bởi những dụng cụ rỉ sét, cáu bẩn rất mất vệ sinh. Ông Mẫu cho rằng, thấy sản phẩm mình làm ra tiêu thụ được nên cứ làm chứ không nghĩ là mình vi phạm.
Cà phê từ lâu đã trở thành một thứ đồ uống quen thuộc của nhiều người dân. Bên cạnh nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu thì còn không ít sản phẩm cà phê giả, cà phê “bẩn” gây hại cho người tiêu dùng. Để siết chặt quản lý, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, nhất là kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở nghi ngờ sản xuất sản phẩm kém chất lượng.
VĂN NHẤT