Một người dân đã sinh sống ổn định suốt 22 năm trên một mảnh đất, nay đột nhiên bị tranh chấp. Bất ngờ hơn, người tranh chấp còn đưa ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cách đây 15 năm…
Một người dân đã sinh sống ổn định suốt 22 năm trên một mảnh đất, nay đột nhiên bị tranh chấp. Bất ngờ hơn, người tranh chấp còn đưa ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp cách đây 15 năm…
Người dân không biết
Trước năm 1975, gia đình ông Nguyễn Nghiệp (trú xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khai hoang được hơn 3,4ha đất tại thôn Tân Mỹ, xã Ninh Xuân. Sau giải phóng, gia đình ông đưa gần hết diện tích đất khai hoang vào hợp tác xã nông nghiệp và chỉ để lại 1.500m2. Năm 1987, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông Nghiệp được cha mẹ cho phần đất còn lại này để canh tác. Năm 1990, do khó khăn về nơi ở, ông Nghiệp có làm đơn xin chính quyền địa phương thời đó cho cất nhà và được đồng ý. Trong thời gian sử dụng đất, ông Nghiệp đều thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đồng thời, ông cũng nhiều lần đề nghị được cấp GCNQSDĐ, song chưa được. Ngày 15-11-2012, UBND xã Ninh Xuân mời ông lên và cho biết, phần đất ông đang sinh sống đã được cấp cho gia đình bà Huỳnh Thị Lào (cùng địa phương) từ năm 1994 và cấp GCNQSDĐ cho bà này từ năm 1997. Hiện nay, bà Lào đang ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Điền (con trai) đòi lại phần đất này.
Phần đất đang tranh chấp giữa gia đình bà Lào và ông Nghiệp. |
Quá bất ngờ, ông Nghiệp làm đơn khiếu nại tới các cơ quan. Gặp chúng tôi, ông bức xúc: “22 năm nay, gia đình chúng tôi sinh sống và làm ăn trên thửa đất này, cả xóm ai cũng biết. Suốt 22 năm không thấy ai đến tranh chấp, nay đột nhiên gia đình bà Lào đòi lại đất, còn đưa ra GCNQSDĐ đã được Nhà nước cấp cách đây 15 năm. Đây là điều hết sức vô lý. Trong khoảng thời gian dài như vậy, chẳng lẽ đất của gia đình tôi được cấp cho người khác mà chính quyền không hay biết? Gia đình tôi cất nhà có xin phép đàng hoàng, tiền thuế vẫn đóng đều hàng năm, giờ đột nhiên lại có người đến tranh giành đất!”.
Nhiều người dân xung quanh cũng bất ngờ về chuyện này. Ông Trần Sáng (trú thôn Tân Mỹ) ngạc nhiên: “Tôi sống ở đây đã 75 năm, việc cha mẹ ông Nghiệp khai hoang rồi cho con cái đất đai thế nào, nhiều người đều biết. Năm 1990, vợ chồng ông Nghiệp làm nhà trên thửa đất này và ở đến nay, tôi không hề thấy ai đến tranh chấp. Giờ gia đình bà Lào đến đòi đất và lại nói đã được cấp sổ đỏ rồi, không thể tin được”. Ông Trần Ty (người địa phương) cũng băn khoăn: “Chẳng ai được cấp GCNQSDĐ từ năm 1997 lại để cho người khác sử dụng suốt mười mấy năm; đây là điều khó hiểu!”.
Chính quyền cũng… chẳng hay
Về vụ việc này, cán bộ UBND xã cũng không hay biết. Ông Nguyễn Ràng, cán bộ tư pháp cho biết: “Khi có tranh chấp, chúng tôi đã làm việc với các bên, sau đó, hòa giải, phân tích đúng sai để người dân hiểu. Tuy nhiên, buổi hòa giải bất thành, các bên không thống nhất quan điểm. Kiểm tra lại giấy tờ, hồ sơ thì đất của gia đình ông Nghiệp hiện sử dụng là thửa đất đã được UBND xã cấp cho bà Huỳnh Thị Lào theo Nghị định 64/CP. Thửa đất này có nguồn gốc là đất của gia đình ông Nghiệp, đưa vào hợp tác xã từ sau năm 1975. Từ khi nhận đất đến nay, gia đình bà Lào chưa hề sử dụng một ngày nào. Gia đình ông Nghiệp có đưa ra đầy đủ biên lai thuế đất nhưng vì biên lai chỉ ghi chung chung nên khó xác định được có đúng gia đình ông đóng thuế cho thửa đất đang tranh chấp hay không”. Ông Nguyễn Trinh - Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận: “Đúng là chúng tôi không hề hay biết việc bà Huỳnh Thị Lào được cấp GCNQSDĐ trên thửa đất mà gia đình ông Nghiệp đang sinh sống. Theo hồ sơ thể hiện, thửa đất này đã được cấp cho bà Lào theo Nghị định 64/CP. Không hiểu vì sao sau mười mấy năm, bây giờ gia đình bà Lào mới tranh chấp”.
Không chỉ cán bộ đương chức bất ngờ, bản thân cán bộ xã thời kỳ trước cũng không hề hay biết. Ông Lê Huy (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân giai đoạn từ năm 1995 đến 2002) cho biết: “Đất tranh chấp được gia đình ông Nghiệp làm nhà ở đây từ lâu lắm rồi. Lúc làm nhà, ông có xin ý kiến của xã và chúng tôi đã đồng ý. Trong quá trình tôi làm lãnh đạo xã, ở đây không hề có tranh chấp, bà Lào cũng không hề sử dụng thửa đất này ngày nào. Còn tại sao bà Lào được cấp GCNQSDĐ thì tôi chịu”. Phóng viên cũng đã tìm gặp 2 cán bộ địa chính từng làm việc trong thời gian bà Lào được cấp sổ, nhưng một người thì đã chết, người kia đã chuyển công tác và đi làm ở địa phương khác, không liên hệ được.
Về phía gia đình bà Lào, tuy khẳng định đất đang tranh chấp đã được cấp sổ đỏ từ mười mấy năm nay nhưng lại cũng thừa nhận chưa hề sử dụng một ngày nào đối với toàn bộ diện tích được cấp. Khi được hỏi tại sao đến bây giờ mới tranh chấp, bà Lào chỉ trả lời vòng vo và nhấn mạnh đất của mình thì có quyền đòi lại.
Hiện nay, việc hòa giải tranh chấp đất giữa 2 bên không thành, gia đình bà Lào đã quyết định nhờ đến Tòa án. Hy vọng, nhiều điểm còn chưa rõ ràng như nêu trên sẽ được giải quyết thấu đáo tại Tòa án.
ĐÌNH LÂM