Nha Trang hôm nay như viên ngọc long lanh bên bờ biển. Thành phố được định vị là thương hiệu du lịch quen thuộc với bạn bè trong nước và quốc tế. Công sức, trí tuệ của bao thế hệ đã chung tay xây dựng Nha Trang bé nhỏ ngày nào thành một thành phố du lịch sôi động ngày đêm.
Một thời thành phố ngủ yên
Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố; tuy là tỉnh lỵ của Phú Khánh nhưng Nha Trang khi đó còn rất nhỏ. Suốt thời gian từ sau khi chia tỉnh cho đến trước năm 2000, Nha Trang hầu như không mấy thay đổi. Những ai sống ở Nha Trang thập niên 80 - 90 hẳn vẫn lưu giữ trong ký ức về một thành phố yên bình. Tòa nhà cao nhất thành phố là Khách sạn Nha Trang có 7 tầng.
Con đường Trần Phú chạy dọc ven biển khi đó chỉ kéo dài từ Cầu Đá đến Lầu Ông Năm Yersin. Những năm 1990, đi xuống Cầu Đá, Vĩnh Trường, người dân vẫn phải đón xe lam có bến chính ở chợ Đầm. Tối khoảng 9 giờ, ít người dám đi xe đạp, xe máy về Bình Tân vì đoạn qua sân bay, một bên là rừng dương tối om nên sợ cướp.
Bình minh trên biển Nha Trang. Ảnh: Nhân Tâm |
Nha Trang được xác định lấy dịch vụ du lịch là mũi nhọn kinh tế. Thế nhưng ngày ấy, hệ thống khách sạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1996, liên doanh Khách sạn Lodge Nha Trang với 14 tầng đi vào hoạt động, khi này kỷ lục tòa nhà cao nhất của Khách sạn Nha Trang 7 tầng mới bị phá. Năm 1997, khu resort đầu tiên là Ana Mandara đi vào hoạt động. Năm 1999, thêm liên doanh Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang ra đời… Có thể nói, du lịch Nha Trang đang ngập ngừng tìm bước đi đầu tiên.
Ngập ngừng cũng phải thôi, bởi giao thông của Nha Trang ngày ấy còn tương đối khép kín. Quốc lộ 1 từ Bắc vào chỉ có con đường qua đèo Rù Rì, từ hướng Tây xuống có con đường 23 tháng 10. Sân bay Nha Trang chỉ đón được máy bay nhỏ, vẫn được dùng chung với công tác huấn luyện của Trường Sĩ quan Không quân. Nha Trang có ga đường sắt, nhưng thập niên 1990, cực chẳng đã người ta mới phải đi tàu.
Đưa Nha Trang phát triển xứng với tiềm năng là trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh và thành phố. Thành phố biển phải bám vào biển để phát triển. Với tư tưởng ấy, giai đoạn 1995 - 2000, tỉnh đã phác ra nét phát triển đầu tiên cho Nha Trang khi quyết định xây cầu Trần Phú, mở con đường ven biển nối đường Trần Phú ra Ba Làng. Cầu Trần Phú được khánh thành ngày 2-9-2002, là điểm nút kết thúc đường Trần Phú và khởi đầu cho đường Phạm Văn Đồng. Khánh thành cầu cũng là thời điểm tỉnh quyết định xây dựng đường Phạm Văn Đồng kéo dài ra tận Vĩnh Lương nối với Quốc lộ 1, phá thế độc đạo phía bắc đi vào Nha Trang.
Những dấu mốc lịch sử
Để Nha Trang có được dáng vóc, hình hài như hôm nay, có thể nói đó là từ 2 quyết định vô cùng quan trọng của Chính phủ.
Quyết định thứ nhất là quyết định của Chính phủ về… bán đảo Cam Ranh. Lãnh đạo tỉnh từ năm 2000 đã có một quá trình làm việc kiên trì với những luận cứ khoa học, thuyết phục với các bộ, ngành và Chính phủ đề nghị cho phép Khánh Hòa sử dụng phần phía bắc bán đảo Cam Ranh để phát triển kinh tế. Sau bao cân nhắc, ngày 20-5-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 101 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực vịnh Cam Ranh đến năm 2010, cho phép Khánh Hòa được quản lý phần bắc bán đảo Cam Ranh để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng chuyển giao quyền quản lý, khai thác và sử dụng sân bay Cam Ranh cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Đây thực sự là nút mở thênh thang cho Nha Trang trên đường phát triển.
Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, Khánh Hòa đã gấp rút mở con đường du lịch, nay là đại lộ Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với Nha Trang. Con đường này hoàn thành đúng vào dịp khai trương Cảng hàng không sân bay Cam Ranh ngày 19-5-2004. Năm 2007, sân bay Cam Ranh được Chính phủ quyết định nâng cấp thành sân bay quốc tế. Có thể nói, đây là yếu tố quyết định cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cất cánh.
Năm 2008, tôi được theo đồng chí Mai Trực khi đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đi công tác ở Trường Sa. Trong chuyến đi đó có Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và rất đông cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân. Buổi tối ngồi hóng gió trên boong tàu, ông Nguyễn Văn Hiến hết lời khen lãnh đạo Khánh Hòa đã rất kiên trì thuyết phục Trung ương về vấn đề bán đảo Cam Ranh. Ông nói chính ông cũng hơi bất ngờ về thời điểm khi Bộ Chính trị đồng ý đưa một phần bán đảo Cam Ranh cho Khánh Hòa quản lý, bởi vị trí tuyệt mật của căn cứ Cam Ranh trong chiến lược quốc phòng.
Quyết định thứ hai mang tính lịch sử đối với Nha Trang là Chính phủ đồng ý đưa sân bay Nha Trang ra khỏi nội thành. Đây là kết quả sau bao lần kiên trì làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Bộ Quốc phòng và Chính phủ. Ngày 15-12-2004, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 242 truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải về chuyển sân bay Nha Trang ra khỏi nội thành Nha Trang. Việc đưa sân bay Nha Trang ra khỏi nội thành, ngoài việc thành phố có thêm quỹ đất để phát triển, cái chính là Nha Trang không còn bị khống chế độ cao tĩnh không trong xây dựng. Nha Trang không chỉ mở rộng quy mô diện tích, mà từ đây còn được phát triển lên cao, tạo cho mình những điểm nhấn hiện đại.
Tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tháng 6-2015, Quốc lộ 27C nối Nha Trang với Đà Lạt đi vào hoạt động, từ thành phố biển đến với thành phố hoa chỉ hơn 2 giờ chạy xe. Tiếp đó, ngày 10-2-2018, thông xe đường Võ Nguyên Giáp nối điểm đầu của Quốc lộ 27C với trung tâm Nha Trang, vạch ra trục phát triển Đông - Tây của thành phố. Có thể nói đến đây, những nét cơ bản định hướng phát triển Nha Trang đã hoàn thành.
Đường tới tương lai
Theo Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tương lai Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Ngày 29-3-2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 318 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Đồng thời, trong phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ có 2 đô thị loại I là TP. Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm, còn TP. Cam Ranh là đô thị loại II.
Ngày 31-3-2024, Chính phủ đã có Quyết định số 259 phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 với mục tiêu phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị.
Con đường lớn đi tới tương lai của Nha Trang đã rộng mở. Thành phố đang mải miết vươn mình trên bờ Biển Đông, đón nhận những bình minh của hy vọng.
THỦY NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin