Đã thành thói quen, mỗi khi về TP. Nha Trang, việc đầu tiên là tôi chạy xe máy một vòng đường Phạm Văn Đồng bắt đầu từ cầu Trần Phú đến xã Vĩnh Lương rồi quay về chỉ để cho thỏa nỗi nhớ Nha Trang từng ấy ngày mình rời xa.
Hồi còn ở Nha Trang, tôi lại có thói quen khác, mỗi sáng sớm chạy xe đi “săn” mặt trời. Từ nhà tôi ở phố, muốn có được những tấm hình mặt trời ngoi lên mặt biển đẹp ở con đường này, tôi phải đi từ 4 giờ 30 mới kịp tìm cho mình một vị trí chờ mặt trời ưng ý.
Đi trên con đường này luôn khiến ký ức tôi lùi về một cách chậm rãi. Tôi nhớ những ngày nôn nao chờ con đường làm xong, từng chút một, mùi nhựa đường mới trải, màu đen ánh lên bóng loáng như tan chảy dưới ánh mặt trời dù ngày chỉ mới bắt đầu và nắng chưa gắt lắm khi con đường đang thi công.
Con đường dài hơn 20km quen thuộc với tôi, đoạn nào có gì, biển bên dưới ra sao theo bốn mùa xuân hạ thu đông... Vòng cung đường nối tiếp nhau như nét vẽ hình sin đậm màu nổi lên dưới chân dãy núi trước mặt. Tiếp đó là con dốc... Rồi núi lại hiện ra, con đường hun hút đi xuống. Bên tay trái vách núi sừng sững, những khối đá to, sẫm màu. Núi ôm sát biển nằm trong hệ thống dãy Cô Tiên chạy dài từ Đồng Đế đến Vĩnh Lương. Bên phải dưới vực sâu là biển mênh mông tít tắp tận chân trời, đẹp như một bức tranh với màu xanh của núi rừng, mây trời, biển...
Tôi ngược dòng thời gian lùi về xa hơn nữa. Lần đầu tiên, tôi biết dòng sông Cái đổ ra biển là Tết năm tôi 10 tuổi, má cho ba anh em chúng tôi đi thăm nhà cậu mợ bằng xe ngựa, ngôi nhà nhìn ra biển ở Đồng Đế. Lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe ngựa đủ màu sắc quần áo mới của con nít, người lớn, anh em tôi thích lắm. Tiếng chân ngựa chạy lóc cóc nhịp nhàng trên đường hòa với tiếng lục lạc đeo ở cổ con ngựa làm thành một âm thanh rộn rã. Chạy đến đầu cầu Hà Ra, con ngựa bỗng dưng trở chứng chổng hai chân trước hí vang trời, không chịu chạy tiếp mặc cho ông chủ xe quất roi túi bụi vào mình nó. Trên xe mọi người sợ hãi lắm. Chiếc xe cứ lắc qua, nghiêng lại, ai nấy phải níu chặt vào thùng xe để khỏi bị té xuống đường. Thật lâu sau đó, ông chủ xe mới điều khiển được con ngựa. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi đi xe ngựa.
Hình chụp năm 2015 cùng cửa sông Nha Trang. |
Năm 1984, tôi về Nha Trang làm việc. Con đường biển (Trần Phú) kéo dài đến khu UBND tỉnh. Khi ấy, tôi có chiếc xe máy Honda PC màu đỏ hàng ngày đi làm từ Thành xuống Nha Trang. Chiều tan sở, tôi chạy xe một vòng biển rồi quay lại ở chỗ bưu điện vào phố, đổ dốc xuống chợ Đầm. Những năm ấy, Nha Trang còn nhỏ, chạy xe loanh quanh chút xíu là hết!
Rồi tôi chuyển về sống ở Nha Trang. Những buổi sáng hay chiều Chủ nhật, tôi chở hai đứa con đi hết đường biển, quành xe ra chợ Đầm, rẽ đường Phan Bội Châu qua Sinh Trung, rồi 2 tháng 4 qua cầu Hà Ra đến Hải Đảo (bây giờ là Khu du lịch Champa Island) khi ấy còn hoang sơ, chỉ có một nhà hàng trong khu vườn dừa mát mẻ. Chúng tôi tìm một chỗ ngồi nhìn ra sông. Từ đây, tôi có thể phóng tầm mắt vượt qua cầu Hà Ra, nhìn ra nơi con sông gặp biển hay ngắm hoàng hôn có ráng trời vàng rực. Đến khi ấy, tôi mới biết sông chảy ngược từ biển về nguồn khi thủy triều lên vào mỗi chiều chạng vạng, với dòng nước đục lờ màu phù sa.
Vài chiếc ghe nhỏ thong thả ngược dòng. Những chiếc thuyền lớn vừa từ nơi cửa biển luồn qua 2 chiếc cầu trở về, tiếng máy nổ ồn ào một khúc sông, rồi lạch phạch chậm lại dừng ở phía bờ bên kia. Người trên bến xôn xao chờ đón, người dưới thuyền quẳng lên bờ nào thúng, lưới… nôn nóng trở về sau một đêm bận rộn áo cơm trên biển. Trước mặt tôi là dãy núi Sạn. Đá lô nhô nổi rõ trên nền xanh thẫm của cây rừng. Dáng núi in bóng xuống dòng sông vẽ nên một khung cảnh thật bình yên. Tháp Bà Ponagar trầm mặc, màu nâu đỏ ẩn hiện trong màu xanh cây lá.
Năm 1997, khi con trai tôi được 2 tuổi thì con đường Phạm Văn Đồng và cầu Trần Phú bắt đầu thi công. 5 năm sau, cầu Trần Phú nối hai bờ Xóm Cồn và Cù Lao làm nên một bức tranh tuyệt sắc cho vùng cửa biển Nha Trang. Con đường Phạm Văn Đồng ban đầu chỉ đến Bãi Tiên, sau đó kéo dài ra đến Vĩnh Lương và nối thông với Quốc lộ 1, một ngõ vào Nha Trang từ phía bắc cực đẹp với những đoạn cong ôm núi và dọc biển. Tôi đã chụp rất nhiều tấm hình con trai với những cây phượng mới trồng trên đường này, mục đích để so chiều cao của con với hàng phượng theo thời gian con và cây lớn lên.
Tôi ngắm Nha Trang xưa từ những bức ảnh chụp vùng cửa sông thời 2 cái cồn còn là 2 doi cát nhô ra ở vùng cửa biển. Trăm năm trải dài, những người muôn năm cũ lại nhắc nhớ về ông Tư (tên gọi thân mật người dân Nha Trang dành cho nhà bác học A.Yersin) ở Xóm Cồn mà hàng ngày họ thấy ông đạp xe từ nhà đến Sở Thuốc (Viện Pasteur).
Bác Nguyễn Khứ ở Cồn Dê bây giờ đã ra người thiên cổ, có lần kể tôi nghe: “Tầm tháng Mười âm lịch, nhìn qua phía nhà lầu ông Tư đã thấy treo trái bù hình tròn màu đen, hình như bằng nhựa thiệt to. Ông Tư giỏi thiên văn địa lý, trời sắp có bão là ổng treo trái bù lên cho dân Xóm Cồn biết, trái bù còn treo là ghe không đi... Dân Cồn Dê khi ấy đa phần làm nghề cắt cỏ bán cho Sở Thuốc. Họ đi cắt cỏ tứ xứ, từ Thành qua khắp các núi Hòn Thơm, Đắc Lộc, Đồng Bò..., cắt đủ thứ cỏ: Ông, tranh, mật, chỉ… cho trâu bò ăn. Để trâu bò ăn cho ngon phải trộn vào đó lách, lá mui, lá kèn. Hễ chuông nhà thờ giật là ra ghe rủ nhau đi cắt cỏ. Cỏ đem về, giũ sạch đưa ra Sở Thuốc cân. Những mùa cắt cỏ nhộn nhịp thật vui. Ông Tư tánh tình rất vui vẻ, mỗi lần tui đưa cỏ từ Cồn Dê qua Sở Thuốc ông Tư hay xoa đầu tui, năm đó tui chỉ mới 11, 12 tuổi nhưng chèo ghe rất giỏi. Tuần một lần, ông chiếu phim ở trong nhà lầu cho con nít coi...”.
Trăm năm trôi qua, nếu có một bình chọn cho Nha Trang, tôi sẽ bình chọn về sự thay đổi ngoạn mục vùng cửa sông và con đường Phạm Văn Đồng, ngoài những cảnh đẹp như: Hang Heo, Bãi Tiên, Bãi Sỏi và mới đây là Nhà hát Đó..., vùng cửa sông như một bức tranh đẹp thơ mộng mà mạnh mẽ, với Tháp Bà Ponagar, cầu Xóm Bóng, Hà Ra, thuyền về buổi sớm cá nặng lưới đầy, xa xa là tượng Phật ở chùa Long Sơn, tháp chuông nhà thờ Ngọc Thủy, công viên A.Yersin... Tất cả như một biểu trưng cho thế mạnh của Nha Trang hiện tại và tương lai: Biển đảo, sông, cảnh quan, di tích, nguồn lợi thủy sản...
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin