21:26, 23/04/2024

Trong nỗi nhớ Nha Trang…

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Có những người bạn rời quê hương đã lâu, nay trở về lại Nha Trang hay hỏi: “Chỗ đó có còn không? Sao thành phố bây giờ khác quá”. Con người vốn sống trong hoài niệm, thường không muốn thay đổi, giống như ôm mãi mối tình ngày đi học, dằng dặc mãi trong lòng mình nỗi nhớ không nguôi.

Buổi sáng ở Nha Trang.
Buổi sáng ở Nha Trang.

Vì vậy, những người ra đi mấy chục năm, trở về họ cố đi tìm lại những nơi chốn cũ, nơi thời thanh xuân của họ trôi qua. Rồi tặc lưỡi như một nuối tiếc: “Thành phố bây giờ đông đúc quá”. Và dĩ nhiên, những quán cà phê hoài niệm, chẳng hạn cà phê Chiều Tím trên đường Bà Triệu không còn nữa. Không chỉ những quán cà phê, cả những con đường cũng đã khác, những con phố cũng đã khác, chỉ có nỗi nhớ dường như ở lại.

Trong bao nhiêu năm ấy, bao mùa mưa nắng trôi qua. Nha Trang vẫn là thành phố biển dễ thương, khiến cho người từ Nha Trang ra đi hay những người thoáng ghé đều muốn trở lại. Chẳng phải Nha Trang có những điểm vui chơi, để nếu bạn có dăm ngày ghé ở được dịp tung tăng, mà Nha Trang tự mình, trên mỗi hè phố hay trên mỗi con đường đã là nỗi nhớ của mỗi người. Như chúng ta, vì một lý do nào đó phải rời xa thành phố một thời gian, khi trở về trên chuyến xe, chỉ cần vừa qua Thành hay qua Đồng Đế, không thể nào không ngoái đầu ra nhìn phố, để biết rằng mình đã trở về.

Nhớ, đôi khi chỉ là một con phố với những ngôi nhà với những cánh cửa khép hờ ở góc đường, là đường Cô Bắc, đường Cổ Loa, đường Võ Trứ? Nhớ cơn mưa dầm cùng ra phố chỉ để nhìn mưa. Nhớ mùa hoa phượng đi dọc theo con đường hoa đang nở thắm.

Cây nho biển trên đường Trần Phú.
Cây nho biển trên đường Trần Phú.

Hôm nọ, tôi gặp một phụ nữ đã qua tuổi 50, nói giọng pha nhiều tiếng Anh giống như cố phô trương kiến thức vì mình là Việt kiều. Lúc đầu tôi hơi khó chịu, nhưng khi tiếp xúc mới hiểu chị biền biệt gần 40 năm xứ người, nỗi nhớ Nha Trang hằn sâu trong chuyến về. Chị nhớ thuở nhỏ đó, ra biển cả ba đứa chỉ mua được cây cà rem chia ba trong mùa hạ. Chỉ là 1/3 cây cà rem làm trong thùng đá mà trở thành nỗi nhớ. Chị nhắc đến việc chia một chiếc bánh xèo cho hai người ăn, chỉ nửa chiếc bánh xèo của gần 40 năm trước mà ngon gấp bao lần đĩa bánh xèo tôm thịt trong ngày về. Chị lại hỏi: “Ở Nha Trang có nhà nào trồng cây trứng cá không?”. Tôi ngạc nhiên thì chị giải thích là thuở nhỏ, chị đi hái trái trứng cá chín ăn, mùi thơm và vị ngọt ấy khiến chị hoài nhớ. Bỗng giật mình vì cây trứng cá gần như không còn trong lòng phố, để nỗi nhớ kia trở thành xa xỉ? Bây giờ, không biết chị đã tìm ra cây trứng cá để nếm vị ngày xưa chưa?

Nha Trang là vòng qua Đồng Đế, đi qua cải lộ tuyến rồi vòng đường 23 tháng 10 về lại phố. Là ghé Thành ăn bánh ướt tính đĩa, ghé quán chè ven đường ăn ly chè bà ba rất rẻ hay len vào mấy con đường đến Vĩnh Trung, Vĩnh Phương ngắm những hàng cau, ruộng lúa và những vườn hoa trước những ngôi nhà cổ.

Là trong đêm, nghe tiếng hụ của tàu lửa báo có chuyến tàu vào sân ga. Trong tĩnh lặng của đêm nghe tiếng chuông chùa. Là vòng ra đường Trần Phú xem thử những cây tra trái đã chuyển màu đỏ chưa? Là tiếng đàn ai vỗ về trong vườn cây đầy bóng lá, bản nhạc nghe quen như nhắc nhở về một ký ức tưởng đã mù xa. Và có thể, chính là bàn tay vẫy biệt xa, rồi không kịp gặp nhau giữa trùng trùng mưa gió. Chỉ vậy mà đã là nỗi nhớ.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG