20:30, 12/01/2024

Hiệu sách Nha Trang ngày ấy

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG

“Hiệu sách Nhân dân” - 4 chữ thật lớn luôn nổi bật nhất ở trung tâm các huyện lỵ, thành phố… là nơi đám học sinh trung học thời bao cấp chúng tôi thường tìm đến. Ở Nha Trang, Hiệu sách Nhân dân (thuộc Quốc doanh phát hành sách Phú Khánh) ngự trị một vòng cung mặt tiền nơi ngã tư sầm uất: Thống Nhất - Phan Bội Châu, Phương Câu - Sinh Trung.

Tôi và Bình Lì (chơi trò gì cũng lì nhưng mê sách) thường lân la vào đấy để đọc “cọp” cả buổi nhưng chẳng mua cuốn nào (vì làm gì có tiền mua). Thấy làm phiền cô bán sách quá, tôi bàn: “Mỗi tuần mình đến 1 lần thôi, chứ đến miết mà chẳng mua cuốn nào, ngại ghê…”. Không ngờ, nó gạt: “Mắc cỡ á! Bà cô biết tỏng hai thằng mình đến chỉ để đọc… trộm thôi nên thương tình vẫn lấy sách cho đọc đấy, chứ không thì đã đuổi cổ lâu rồi”. 

Nơi từng là Hiệu sách Nhân dân. Ảnh: V.X
Nơi từng là Hiệu sách Nhân dân. Ảnh: V.X

Thời đó, phòng khách của nhiều gia đình thường có tủ sách, kệ sách. Nhà cán bộ thì nhiều sách chính trị, nhà trí thức nhiều sách chuyên môn, nhà thầy cô giáo nhiều sách giáo khoa… Không biết do nhiều người mê sách hay sách chỉ được bán cửa hàng nhà nước mà người đến Hiệu sách Nhân dân khá đông nên ít ai chú ý mấy đứa học trò tha thẩn đọc sách ké.

Tôi với Bình Lì lân la ở hiệu sách nhiều đến mức thuộc mặt các tên sách: Từ những toàn tập dày cộm đến những quyển thơ mỏng dính, từ sách lý luận chính trị đến sách kỹ thuật trồng lúa, nuôi heo… Chính tại đây, hai đứa tôi vét sạch những đồng tiền dành dụm suốt nhiều tháng trời để mua những tuyển tập Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên… lần đầu được xuất bản. Lật những trang giấy rơm thơm mùi mực, bắt gặp những bài thơ lãng mạn tiền chiến lần đầu được in sau năm 1975 (trước đó, chỉ nghe mấy vị lớn hơn đọc và thấy chép ở các sổ tay), có cảm giác như vừa bắt được của trời cho.

Ngoài Hiệu sách Nhân dân, hồi đó ở Nha Trang, sách còn bán trong quầy sách ở Cửa hàng Bách hóa tổng hợp, trên lầu hai chợ Đầm tròn. Thi thoảng, chúng tôi cũng tìm mua được sách bán giá rẻ hơn ở quầy sách trong Trung tâm Văn hóa triển lãm 2-4 (khuôn viên Nhà Thiếu nhi ở ngã sáu bây giờ) vào mỗi dịp hội chợ - triển lãm. Nhưng ấn tượng hơn cả là Hiệu sách Ngoại văn hai tầng lầu kính sáng choang tọa lạc nơi ngã tư Thống Nhất - Quang Trung.

Sách ở đây đều in từ Liên Xô, giấy trắng bóng, chữ sắc nét, hình ảnh nhiều màu sống động. Đặc biệt nhất là bìa sách, đa phần là bìa cứng, bên ngoài bọc thêm một bìa bao bóng loáng sang trọng vô cùng. Nhưng khổ nỗi, toàn là sách tiếng Nga. Bọn tôi mới học tiếng Nga đầu năm lớp 10, bập bõm vài từ, chỉ biết trố mắt nhìn. “Ôi trời, ở cả thành phố này mấy người đủ trình độ đọc được sách tiếng Nga đâu mà nhập về chi nhiều lắm thế” - Bình Lì nói. Vậy mà một hôm, bất ngờ nó vác về cả một chồng sách bìa cứng từ Hiệu sách Ngoại văn. “Rẻ lắm mày ạ. Tao nghĩ ra cách xài rồi” - thế là nó bày tôi cạy ruột sách ra bỏ lấy bìa, lồng các tập giấy kẻ ô ly mang đi đóng tập. Thời khó khăn, vở bán cho học sinh không có bìa như bây giờ, mà chỉ bán các tập giấy kẻ ô ly cho học sinh về lấy kim chỉ may lại, nên “sáng kiến” của Bình Lì được rất nhiều đứa bắt chước.

Sách cũ từ Hiệu sách Ngoại văn Nha Trang.
Sách cũ từ Hiệu sách Ngoại văn Nha Trang.

Rồi, thật bất ngờ, Hiệu sách Ngoại văn nhập về rất nhiều sách tiếng Việt in từ Liên Xô. Chao ôi, trong mơ cũng không thể thấy khi mua được ở đây: Tuyển văn xuôi của Puskin, Truyện chọn lọc của Lép Tônxtôi, Đất vỡ hoang (2 tập) của Mikhain Sôlôkhốp, Tiếng gọi vĩnh cửu (2 tập) của Anattôli Ivanốp… Những cuốn sách này được xuất bản từ Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tiến Bộ (ở Matxcơva) trong chương trình viện trợ cho Việt Nam, vì thế mới được bán với giá rất rẻ. Những năm đó, sách các nước khác chưa được dịch nhiều, nên những tác phẩm nổi tiếng của Nga - Xô Viết là nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương của một thời.

Ngày tôi đi đại học, Bình Lì khệ nệ mang đến mấy cuốn tập đóng bìa cứng nặng trịch mà nó “chế tạo” từ sách tiếng Nga, cười hề hề: “Ê bạn, mang theo để sản xuất vài… tuyển tập nhé”. Những “tuyển tập” ấy của Bình Lì cùng mấy cuốn sách từ Hiệu sách Ngoại văn đã theo tôi suốt thời sinh viên. Đến khi đi làm qua nhiều nơi ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thì những cuốn sách ngày xưa cứ rơi rớt dần đâu đó không nhớ hết được. Có cuốn bị để quên ở một nhà khách sau một chuyến đi, có cuốn ai đó mượn rồi quên trả... Sau gần 40 năm, chỉ còn lại cuốn “Thời thơ ấu gian khổ” của Bình Lì tặng và hai tập “Đaghextan của tôi” mà tôi thường đọc trong nhiều tháng năm dài.

Còn Bình Lì sau khi gãy mộng vào bách khoa, đi làm xây dựng lang bạt nhiều năm ở Đông Nam Bộ, trước khi trở thành ông chủ ở Sài Gòn. Mỗi lần về lại Nha Trang, trước khi uống vài ly với bạn bè, Bình Lì thường bắt tôi chở vòng vòng qua mấy chỗ quen. Chúng tôi ôn lại chuyện đời thay đổi. Lại nhớ khi bắt đầu cơ chế thị trường, nhà xuất bản đua nhau ra đời, sách báo được bày bán khắp nơi, hệ thống Hiệu sách Nhân dân mất dần vai trò, rồi nhường mặt bằng đẹp của mình cho những cửa hàng khác… Hiệu sách Nhân dân Nha Trang hoành tráng ngày nào giờ thật cũ kỹ, may mà vẫn còn giữ được một quầy nhỏ của Hiệu sách Ponagar. Hiệu sách Ngoại văn hình như đã trở thành cửa hàng tạp hóa một thời gian dài, trước khi là nhà hàng gà rán Lotteria như bây giờ.

“Ôi “Thời thơ ấu gian khổ”! - Bình Lì cảm thán nhưng cũng là nhắc tên cuốn sách của Iamin Muxtaphin. Cuốn truyện ấy kể về cậu bé Iamin ở một làng quê ven rừng taiga ở Xibêxi xa xôi, vậy mà sao nó cứ gợi nhắc về những năm tháng trung học thời còn thiếu thốn sách vở của tôi và Bình Lì ở Nha Trang này quá đỗi.

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG