23:01, 18/04/2023

Sự ra đời và vai trò, vị trí của căn cứ Đá Bàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hoà (1951 - 1954)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Căn cứ địa cách mạng có vai trò vô cùng quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc, làm chỗ dựa vững chắc về chính trị và quân sự; cung cấp về sức mạnh vật chất, nguồn cổ vũ về tinh thần cho kháng chiến... Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn địa điểm và xây dựng căn cứ  địa cách mạng phải có nhân hòa, địa lợi và thiên thời, có địa thế hiểm yếu và quần chúng cảm tình ủng hộ; có thể phát triển thành căn cứ địa vững vàng; phải tiến tới xây dựng được chính quyền cách mạng. Từ năm 1945, từng thời điểm Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng các căn cứ ở các địa điểm khác nhau nhằm phục vụ cuộc kháng chiến. Tháng 3/1951, Tỉnh ủy đã xây dựng căn cứ cách mạng ở Đá Bàn (Ninh Hòa).

  1. Đá Bàn là một thung lũng rừng núi bằng, nằm ở phía Tây Bắc huyện Ninh Hòa. Bốn bề có núi đồi bao bọc: Phía Tây là dãy núi Hòn Gục nối liền với núi Mẹ Bồng Con; phía Bắc là núi Hòn Chảo giáp vùng Xuân Sơn, Mỹ Đồng của huyện Vạn Ninh; phía Nam có núi Dốc Dài xuống vùng Tân Lâm, Tân Tứ để băng qua đường 21 vào phía Nam; phía Đông có sông Đá Bàn liền với Bến Ghe và Sở Lô, đi ra các thôn Ngọc Sơn, Lạc Ninh giáp Quốc lộ 1.

Năm 1950, cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển mới. Tháng 10/1950, quân ta giành thắng lớn ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông, chọc thủng “Hành lang Đông - Tây” của Pháp, giải phóng 35 vạn dân và một dải biên giới dài 750 km. Thế chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ) đã thuộc về ta và mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Tại chiến trường Nam Trung bộ, địch vẫn giữ thế chủ động, thực dân Pháp vẫn có nhiều âm mưu, thủ đoạn bao vây lực lượng cách mạng, mục đích giảm áp lực cho chiến trường chính của chúng, nhất là khi địch thực hiện chiến thuật đánh lâu dài theo kiểu “vết dầu loang”.

Ở Khánh Hòa, trong năm 1948 và nửa đầu năm 1949, phong trào Bắc Khánh lên khá do ta thường xuyên tổ chức các đợt tập kích vào vị trí đóng quân của chúng, gây cho địch nhiều thiệt hại cả về sinh lực và vật lực. Các con đường liên lạc trên bộ, trên biển từ căn cứ Hòn Hèo với các huyện trong tỉnh và vùng tự do Phú Yên luôn được khai thông. Năm 1950, địch tập trung cho kế hoạch “bình định”, tại Khánh Hòa địch có khoảng 7000 tên, trong đó có khoảng 5600 ngụy quân. Địch chốt chặn khống chế toàn địa bàn tỉnh Khánh Hòa bằng một hệ thống đồn bốt và tháp canh kiểu Đờ-la-tua (Delatour) dày đặc, bố trí dọc các trục đường quan trọng trong tỉnh và lấn sâu vào các thôn xóm. Trong một thời gian dài, căn cứ Hòn Hèo thường xuyên bị địch nhắm tới, uy hiếp, bao vây, các con đường từ Hòn Hèo tỏa đi các nơi và từ các nơi trở về Hòn Hèo không còn an toàn, địch thường xuyên cho quân phục kích, gây tổn thất cho nhiều đoàn cán bộ, bộ đội đi lẻ và dân công, nhất là đường biển từ vùng tự do Phú Yên đến căn cứ.

Trước hoàn cảnh ấy, việc di chuyển cơ quan đến nơi có điều kiện xây dựng chỗ đứng mới là một nhiệm vụ cấp thiết. Tỉnh ủy xác định Đá Bàn là vị trí chiến lược phía Tây của tỉnh, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi; nằm cách xa đồng bằng, là cầu nối với các căn cứ Hòn Lớn ở phía Nam, Hòn Hèo ở phía Đông và vùng tự do rộng lớn của Liên khu 5, Liên khu 7. Trong trung tâm thung lũng Đá Bàn, là vùng đất bằng phẳng màu mỡ có thể trồng lúa và hoa màu để giải quyết lượng thực tại chỗ. Với vị trí tự nhiên và địa thế như vậy, Đá Bàn là nơi dễ phòng thủ và khó bị tấn công. Đầu năm 1951, Tỉnh ủy cử một bộ phận cán bộ đi thăm dò, khảo sát địa điểm này. Đến tháng 3/1951 các cơ quan Tỉnh ủy, Uỷ ban kháng chiến hành chính, Tỉnh đội dời đến địa điểm mới.

2. Căn cứ Đá Bàn có vai trò quan trọng, là nơi hoạt động lãnh đạo của Tỉnh uỷ được triển khai trên tất cả các mặt của cuộc kháng chiến, bao gồm kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự, dân vận, địch vận và du kích chiến, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, vừa làm nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch và “chia lửa” cho chiến trường chính (Bắc Bộ), vừa làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng của tỉnh ngày càng vững mạnh...

2.1. Căn cứ Đá Bàn là nơi diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của Tỉnh uỷ trong thời kỳ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ Hai.

Tháng 12/1951, tại căn cứ Đá Bàn, đã diễn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II. Dự Đại hội có 130 đại biểu thay mặt cho toàn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Côn, Ủy viên Ban Thường vụ Liên Khu ủy, tham dự và chỉ đạo đại hội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu bí thư, Lê Thanh Liêm phó bí thư, Hồ Ngọc Nhường, Nguyễn Sinh, Lê Đoan là ủy viên Ban Thường vụ.

Đại hội đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đề ra. Đại hội khẳng định vai trò thiết thực của căn cứ Đá Bàn đối với phong trào kháng chiến của tỉnh. Công tác xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng có những tiến bộ nhất định. Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và các huyện, thị ủy bắt đầu có chuyển biến trong tư tưởng, tác phong, lề lối làm việc sát việc, sát phong trào hơn trước. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang có tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh. Nhân dân trong vùng địch kiểm soát vẫn hướng về cách mạng, tin tưởng Bác Hồ và Đảng. Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy đã quan tâm chỉ đạo lực lượng vũ trang, kể cả các đơn vị chủ lực biệt phái hoạt động trên địa bàn tỉnh. Mối quan hệ giữa lực lượng chính trị, lực lượng bán vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực từng bước được điều chỉnh đúng đắn, hợp quy luật phát triển của chiến tranh nhân dân và thực tế của chiến trường vùng tạm chiếm.

Đại hội đã chỉ ra những hạn chế: chưa tập hợp được hết lực lượng tham gia cách mạng, đặc biệt là đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số…; khuyết điểm về sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đối với lực lượng vũ trang; quan điểm lệch lạc trong phát triển Đảng từ chỗ quá hẹp hòi, khắt khe, đi đến phát triển rộng rãi, bừa bãi hay vấn đề duy ý chí trong lãnh đạo đã được chỉ ra rõ…, từ đó Tỉnh uỷ rút kinh nghiệm, điều chỉnh để lãnh đạo cách mạng trong những năm tiếp theo gian khổ hơn, ác liệt hơn.

Ngày 16/6/1953, tại căn cứ Đá Bàn đã khai mạc Đại hội mừng công, bầu chiến sĩ thi đua huyện và tỉnh. Đại hội đã bầu 23 chiến sĩ thi đua (có 10 chiến sĩ thi đua quân đội). Sáu người được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Liên Khu 5, trong đó có 2 đồng chí người dân tộc Raglai là Pi Năng Xà A và Bảy Du Oa.

Trong thời gian này, công tác xây dựng thực lực chính trị, vũ trang và xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến mạnh. Đầu năm 1953, để phù hợp với tình hình, Tỉnh uỷ chủ trương chia huyện Bắc Khánh thành 4 vùng: Vùng Đông, vùng Tây, vùng Nam Ninh Hòa và vùng Bắc (Vạn Ninh). Mỗi vùng có một Ban cán sự Đảng lãnh đạo, với một bộ máy giúp việc có từ 25 đến 30 cán bộ, chiến sĩ và đều có một đơn vị vũ trang riêng.

2.2. Căn cứ Đá Bàn là nơi “dễ phòng thủ, khó tấn công”, bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện để xây dựng lực lượng cách mạng, thoát khỏi tình trạng bị bao vây ở mặt biển.

Trong một thời gian dài, cơ quan của Tỉnh uỷ đóng ở Hòn Hèo để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Từ cuối năm 1949, giao thông đường bộ về Hòn Hèo thường bị ách tắc. Tiếp tế bằng đường biển từ Phú Yên vào không còn an toàn. Lực lượng của tỉnh chưa nhiều, rất bị động về lương thực, chi phối nhiều đến việc chỉ đạo phong trào, nhất là ở phía Nam. Bước sang năm 1950, khi cuộc kháng chiến chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới, quy mô, tính chất và cường độ cuộc kháng chiến sẽ phát triển lên cao. Để đáp nhu cầu tiến hành cuộc kháng chiến như: lực lượng chính trị, quân sự, phương tiện hậu cần phục vụ chiến đấu sẽ lớn; mạch máu giao thông phục vụ chỉ đạo, chỉ huy phải có điều kiện an toàn, nhanh chóng. Lúc này, căn cứ Hòn Hèo trở nên nhỏ hẹp, dễ bị cô lập, không còn phù hợp. Do đó, tỉnh chủ trương chuyển toàn bộ cơ quan lên Đá Bàn.

Tại căn cứ Đá Bàn, ta phán đoán sớm muộn gì địch cũng sẽ mở cuộc càn lớn để đánh vào các cơ quan của tỉnh. Do vậy, công tác chống càn đã được tỉnh coi trọng, các cơ quan dân chính đều được quân sự hoá: Trang bị gọn nhẹ, hồ sơ tài liệu đều chuẩn bị để chôn giấu khi có hiện tượng bị địch càn quét. Lực lượng du kích trong khu căn cứ tuy không nhiều , nhưng được trang bị và huấn luyện chu đáo. Các phương án đánh địch được nghiên cứu kỹ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ Tỉnh đội đã chú ý nghiên cứu thực địa, vạch kế hoạch cụ thể để triển khai chống càn có hiệu quả. Các đường tiến, lui của cán bộ, chiến sĩ đều được dự kiến. Các bãi bố trí chống mìn đều được đánh dấu và phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trong căn cứ. Đầu năm 1952, địch cho một đơn vị biệt kích xuyên rừng định tập kích bất ngờ vào các cơ quan Tỉnh uỷ. Nhưng chúng đã vướng phải mìn của ta, nhờ đó tự vệ của các cơ quan của tỉnh kịp thời phản ứng, tiêu diệt thêm một số tên, số còn lại vội vã rút chạy.

Tháng 7/1952, địch tập trung hơn một tiểu đoàn mở cuộc càn vào Đá Bàn. Đại đội bảo vệ căn cứ do đồng chí Nguyễn Tám, Tiểu đoàn trưởng, phụ trách Đại đội 1 đã trực tiếp chỉ huy bộ đội, tự vệ cơ quan, du kích kiên quyết chiến đấu bảo vệ căn cứ. Dựa vào địa thế có lợi và hệ thống chông, mìn đã bày sẵn ở những nơi xung yếu, lực lượng ta đã chặn đánh quyết liệt bằng tập kích, pháo kích và bắn tỉa. Hàng chục tên giặc bị chết, bị thương vì chông mìn. Cuộc càn của địch hòan toàn bị thất bại.

Căn cứ cách mạng của Tỉnh uỷ ở Đá Bàn không những đứng vững trước các đợt càn quét của địch mà ngày một phát triển vững mạnh, đây là một thắng lợi quan trọng, góp phần đưa phong trào chiến tranh nhân dân ở tỉnh phát triển, tạo được những thắng lợi mới cả về thế và lực, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bước sang một giai đoạn mới - chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

2.3. Đá Bàn là căn cứ kháng chiến, đồng thời mở thêm các tuyến đường giúp việc liên lạc với Liên khu 5 và các địa phương trong vùng tự do Khu 5 được thuận lợi hơn. Giữ vững trục hành lang chiến lược Bắc - Nam và đường dây nối liền Trung ương với các tỉnh Nam Bộ.

 Khi mới đến Đá Bàn, để liên lạc với Liên khu 5 và các tỉnh vùng tự do Khu 5, ta chỉ có đường giao thông qua Dốc Mõ sang Phú Yên. Tuy nhiên, con đường này thường xuyên bị địch phục kích, giết hại nhiều cán bộ, chiến sĩ, do đó ta đã mở thêm đường Dốc Nón, rồi Dốc Chanh và từ đó việc giao thông liên lạc với vùng tự do đã căn bản được giải quyết.

Trên con đường này, bọn địch phục kích ngày đêm, giết hại nhiều cán bộ và chiến sĩ ta. Theo sáng kiến của đồng chí Ma Cao, người Ê-đê rất am hiểu địa thế vùng này, Ban Cung cấp do đồng chí Tôn Thất Chí phụ trách đã mở đường Dốc Nón, rồi đường Dốc Chanh xa hẳn Dốc Mõ, xa hẳn đồn Mỹ Đồng của địch. Dốc Chanh không phải là thấp nhưng so với Dốc Nón, nó lài hơn, dễ đi. Trên con đường này, cán bộ, bộ đội, dân công tải gạo ra vô thường xuyên và an toàn.

Mở được con đường tương đối thuận lợi và an toàn nối liền nơi đóng cơ quan của tỉnh với vùng tự do Phú Yên, điều đó đã đem lại một sức mạnh tinh thần, một sự ổn định trong sự lãnh đạo của tỉnh. Mở con đường nối được với Phú Yên là nối được với cả vùng tự do Liên khu 5 , tạo được đường dây thông suốt và bền vững để tiếp nhận sự chỉ đạo và hỗ trợ của Liên khu.

2.4. Căn cứ Đá Bàn đã giải quyết triệt để nhu cầu lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, đúng với phương châm “trường kỳ kháng chiến”, “tự lực cánh sinh” của Trung ương Đảng; đã giải quyết được việc xây dựng hậu phương tại chỗ.

Do khó khăn về lương thực, nên khi mới đến Đá Bàn, bộ máy của các cơ quan, mặc dù đã trải qua hai đợt tinh giảm biên chế, vẫn phải rút gọn hơn nữa. Các cơ quan chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn thực tế thì thống nhất lại thành bộ máy quân, dân, chính, đảng, gồm ba ban: Ban Chính trị, Ban Quân sự, Ban Cung cấp. Tổng số cán bộ, nhân viên các ngành chuyên môn và bộ máy các đoàn thể so với trước còn khoảng một phần năm. Tỉnh ủy chủ trương “kế hoạch tam tam chế”, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: Tăng gia sản xuất tự túc; đi tiếp vận từ vùng tự do vào; luyện tập quân sự và bảo vệ căn cứ. Tất cả các đơn vị, cơ quan trong tỉnh thực hiện một phần ba số người đi chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, một phần ba đi sản xuất, một phần ba đi vác gạo và làm những công trình công cộng. Như vậy, có phần rút hẹp các hoạt động chiến đấu, xây dựng cơ sở, nhưng vấn đề cấp thiết nhất lúc này là lo cái ăn trước mắt và tập trung lực lượng vào sản xuất làm ra của cải vật chất, trước hết là lương thực, thực phẩm. Ban quân sự và Ban cung cấp được phân công trực tiếp thực hiện chế độ này.

Cơ quan phát rừng làm rẫy và làm lại một số ruộng hoang hóa ở Bến Ghe. Trở ngại lớn lúc đầu là giống, nông cụ, nông súc thiếu thốn. Một trở ngại nữa là nhân lực, số đồng bào ở căn cứ quá ít  lại thường bị đau ốm. Cán bộ cơ quan đa số chưa quen lao động, lại mới di chuyển, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật nhiều. Trong khi đó, sản xuất tự túc là vấn đề quan trọng sống còn, Tỉnh ủy đặt thành chủ trương và tích cực chỉ đạo thực hiện. Cán bộ chủ trì mỗi tháng phải lao động sản xuất 5 ngày, nhân viên mỗi tháng 8 ngày. Khi cần, vào thời vụ mở những đợt sản xuất liên tục 5 đến 10 ngày thì huy động tất cả mọi người cùng tham gia.

Sang năm 1952, ta đã căn bản giải quyết được nạn đói cho cán bộ và nhân dân trong căn cứ. Sản xuất ở căn cứ đã giải quyết được một phần cung cấp cho bộ máy trong tỉnh, giảm bớt sự chi viện của Liên khu, tiết kiệm một phần nhân lực của các tỉnh vùng tự do. Đặc biệt là trong năm 1952, tình hình kinh tế của các tỉnh vùng tự do Liên Khu 5 rất khó khăn, ở một số vùng đã xảy ra nạn đói. Trong hoàn cảnh ấy, một tỉnh trong vùng địch tạm chiếm vốn dựa vào sự tiếp tế của Liên khu, tiến lên đẩy mạnh sản xuất, giải quyết một phần tiếp tế tại chỗ, cải thiện một bước đời sống vật chất của cơ quan, bộ đội lại bắt đầu có sự trao đổi mua bán giữa căn cứ và vùng địch hậu là điều có ý nghĩa rất lớn.

Trên một căn cứ rộng, có bố phòng chặt chẽ, nguồn lương thực, thực phẩm đã có cách giải quyết tương đối ổn định nên cuộc sống có phần thoải mái, các mặt công tác ở căn cứ phát triển. Các đơn vị bộ đội của tỉnh vào Bắc Khánh có nơi đứng chân ổn định, tổ chức huấn luyện quân đội, cán bộ, thực hiện sự kết hợp giữa tác chiến và xây dựng, giữa chiến đấu và sản xuất, có điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc thương, bệnh binh. Sức chiến đấu của bộ đội được phục hồi và tăng lên rõ rệt. Ở đây có trường Đảng của tỉnh, có máy in chữ typô (chữ chì kiểu Minerve), có lò rèn nông cụ, có xưởng quân giới sửa vũ khí, có bệnh xá, có trại giam tù binh... Đêm đêm có những buổi đốt lửa trại, liên hoan văn nghệ.

Tất cả những thắng lợi này có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân vùng địch hậu. Số quần chúng bị địch bắt khi đi càn vào căn cứ, số ngụy quân đi lùng thấy rõ thực tế những rẫy bắp rất tốt, sắn mì mọc thành rừng. Họ trở thành những “cái loa” tuyên truyền rất có hiệu lực. Qua đó, nhân dân vùng địch hậu càng thêm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Căn cứ Đá Bàn được hình thành là chỗ đứng chân, chỗ dựa chung cho cả tỉnh, có ảnh hưởng trực tiếp đối với phong trào Bắc Khánh.

2.5- Đá Bàn là nơi diễn ra một trong những trận chống càn lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Chiến thắng Vườn Gòn, góp phần cỗ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của nhân dân, uy hiếp mạnh tinh thần binh lính địch, làm thay đổi cục diện của chiến trường chính Bắc Khánh cho đến khi Hiệp định Genneve tháng 7/1954 được ký kết.

Lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, đủ sức chống trả những trận càn có quy mô lớn của địch. Ngày 18/4/1953, địch huy động khoảng 4000 quân Âu-Phi tinh nhuệ (từ Bình Trị Thiên vào) đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói tiến lên; quân cơ động của Tiểu khu Khánh Hòa, từ Nha Trang theo Quốc lộ 1 kéo ra có máy bay, pháo binh yểm trợ, do thiếu tướng Lơ-Băng (Lebbanc) trực tiếp chỉ huy chia làm 3 cánh tấn công vào căn cứ Đá Bàn. Sáng ngày 19/4/1953, pháo của địch từ Xuân Sơn bắn cấp tập vào trung tâm căn cứ Đá Bàn, dọn đường cho ba cánh quân tiến vào. Cánh chủ yếu từ Xuân Sơn vượt đèo ông Cộ đến Gò Trơ di chuyển dọc theo phía Bắc sông lên Đá Trải chặn đường đi Dốc Chanh, Dốc Nón, bọc phía sau khu vực có cơ quan tỉnh đóng. Cánh quân thứ hai nhỏ hơn, tiến từ Dốc Tranh, Hòn Ngang vào căn cứ nhằm đẩy lực lượng ta ra ngoài trống. Cánh thứ ba từ đồn Lạc Ninh qua Bến Ghe chặn phía trước nhằm tiêu diệt lực lượng ta ngay trung tâm căn cứ theo phương án tác chiến của địch.

Ta chủ động phối hợp bố trí đánh địch từ xa, chông, mìn đã cắm, gài sẵn để chờ chúng, làm cho các cánh quân của địch bị thương vong ngay từ đầu, phải thăm dò chống đỡ, tiến quân từng bước một nên mãi đến xế chiều mới vào được khu vực bìa căn cứ. Tối đến ta luân phiên pháo kích, bắn súng vào các cụm trú quân gây thương vong, làm tinh thần địch căng thẳng, mệt mỏi. Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió ra vòng ngoài phục kích trên đoạn đường từ Cầu gỗ, dốc Ông Thượng xuống Suối Sâu trong Vườn Gòn của sở “thằng Lô” (Sở tên Lô) cũ, cách Bến Ghe khoảng 0,5km để chặn đánh đường rút quân của địch.

13 giờ ngày 20/4, quân ta nổ súng mãnh liệt vào giữa đội hình hành quân của địch tại Bến Ghe. Trận đánh kéo dài đến 16 giờ là kết thúc. Kết quả trận này ta diệt gọn hơn 1 đại đội Âu, Phi của thực dân Pháp thu 1 đại liên, hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác của địch. Trong trận phục kích, phía quân ta có 14 chiến sĩ hy sinh và bị thương. Sau trận đánh, địch rút toàn bộ lực lượng cuộc hành quân vào Nha Trang, kể cả 4 đại đội cơ động của tiểu khu tăng cường về cho Ninh Hòa trước đó. Đến ngày 12/5 toàn bộ địch ở đồn Tân Lâm và tháp canh Đồng Tân (xã Ninh Thượng) tháo chạy.

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã vận dụng và góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ đánh lớn” của dân tộc ta. Đây là trận đánh lớn tiêu diệt gọn một đại đội Âu, Phi - lính nhà nghề thiện chiến, tinh nhuệ trong đội quân viễn chinh của đế quốc Pháp. Mặc dù địch cố bưng bít thất bại, nhưng ảnh hưởng của trận đánh lan rất nhanh, góp phần rất lớn cỗ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của nhân dân, uy hiếp mạnh tinh thần binh lính địch, tạo bước ngoặt trên chiến trường Khánh Hòa.

Căn cứ Đá Bàn được xây dựng không nằm ngoài những quy luật chung như dựa vào điều kiện thuận lợi của địa hình đa dạng có cả rừng núi hiểm trở, đồng bằng; nằm trên hành lang giao thông Bắc - Nam, nơi tiếp nhận và vận chuyển nguồn chi viện bằng đường bộ và đường biển. Căn cứ Đá Bàn vừa là nơi đứng chân của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang địa phương, vừa là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang Liên khu V. Với những nét chung đó, căn cứ Đá Bàn đã phát huy được vai trò hậu phương tại chỗ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa