23:25, 18/04/2023

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn bài học về tăng cường thế trận Quốc phòng toàn dân

Ngày 20/4/1953, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803, bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã lập nên chiến công trong trận chống càn ở Vườn Gòn thuộc căn cứ Đá Bàn (Khánh Hòa), buộc thực dân Pháp phải bỏ cuộc hành quân hòng phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng chủ lực của Liên khu đang đóng tại đây. Thắng lợi của trận đánh đã để lại những bài học sâu sắc về tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh làm nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Thực hiện chủ trương xây dựng bộ đội chủ lực, tạo nên lực lượng mạnh để giành những thắng lợi có tính quyết định trên các chiến trường, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thành công, ngày 10/6/1950, Tiểu đoàn 59 - đơn vị chủ công làm nên thắng với Vườn Gòn - Đá Bàn được thành lập. Đó là sự hợp thành của các đại đội độc lập; gồm Đại đội 6 của Đà Nẵng; đại đội 11, 4 của tỉnh Quảng Nam; đến tháng 11 năm 1951, Tiểu đoàn 59 được biên chế trong đội hình Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu 5. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Lựu – Tiểu đoàn trưởng, Đồng chí Phạm Đạo – Chính trị viên; các đồng chí Phó Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Anh, Phan Quang Tiệp, Phan Trọng Quang, là những cán bộ đã được tôi luyện qua chiến đấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy quân sự sắc sảo, Tiểu đoàn 59 nhanh chóng trưởng thành, lập nên nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng; trong chiến dịch Hoàng Diệu (1950), khi chỉ chưa đầy năm thành lập nhưng đã diệt 7 tháp canh, 85 tên địch, thu 5 trung liên, 15 tiểu liên, 120 súng cá nhân các loại . Cũng trên chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, trong Chiến dịch Hè Thu 1952, Tiểu đoàn đã diệt 5 cứ điểm , 5 tháp canh và đánh thắng 1 trận càn. Trong Đông Xuân 1952 - 1953, trên chiến trường Nam Tây Nguyên, đơn vị đã tham gia diệt cứ điểm Tú Thủy (13/1/1953), truy kích địch ở Kom Lía, thu hơn 50 súng các loại; diệt cứ điểm Thượng An, thu khẩu trọng pháo 155 ly của địch (21/1/1953); đánh viện trên đường 19 (cuối tháng 1/1953). Với ý chí kiên cường, tinh thần chủ động tiến công, chiến đấu dũng cảm,.. Tiểu đoàn là một trong những đơn vị đạt hiệu suất cao trong đánh tháp canh, cứ điểm của địch trong điều kiện vũ khí trang bị thiếu, hỏa lực hạn chế, phải cơ động nhiều. Thành tích của Tiểu đoàn đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu chiếm đóng của thực dân Pháp, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, cùng quân và dân Liên khu 5 thực hiện thành công chủ trương đẩy mạnh phản công đưa kháng chiến đi đến thắng lợi.

Bước vào đợt hoạt động Hè 1953, khi đại bộ phận Trung đoàn 803 được lệnh hành quân trở lại chiến trường Nam Tây Nguyên, Tiểu đoàn 59 lại được giao nhiệm vụ về với chiến trường Khánh Hòa, nơi ta và địch đang giằng co quyết liệt. Với ưu thế quân đông, hỏa lực mạnh, thực dân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, bình định, mở rộng vùng chiếm đóng, tăng cường đồn bốt, tháp canh khống chế nhân dân và mở các cuộc càn lớn hòng phá các căn cứ kháng chiến trên địa bàn tỉnh. Sau một tuần hành quân xuyên qua vùng tự do Phú Yên, Tiểu đoàn đã về đến căn cứ Đá Bàn, thực hiện nhiệm vụ “phối hợp chiến đấu với bộ đội địa phương và du kích, đẩy mạnh các hoạt động quân sự” .

Phát huy vai trò của đơn vị chủ lực có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong  vùng địch chiếm, Tiểu đoàn 59 nhanh chóng lập được những chiến công trong những ngày mới đặt chân lên chiến trường Khánh Hòa. Chỉ trong 1 tuần từ 6 - 15/4/1953, Tiểu đoàn đã hạ 5 tháp canh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn trăm tên địch. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy quân Pháp quyết định mở cuộc hành quân quy mô lên gần 5.000 tên hòng phá căn cứ Đá Bàn, tiêu diệt Tiểu đoàn 59.

Nắm bắt ý đồ địch, nhận định đúng tương quan lực lượng, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 59 phối hợp với Tỉnh đội Khánh Hòa tổ chức thế trận, quyết tâm phá càn, bảo vệ căn cứ, bảo toàn lực lượng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn 59 xây dựng trận địa phục kích ở Vườn Gòn, chặn đường rút quân của địch để đánh tiêu diệt. Đúng như dự đoán, sau hơn 1 ngày tiến quân vào căn cứ không đạt kết quả, lại bị hao tổn lực lượng bởi các trận đánh quấy rối, bị sụp hầm chông, vướng bãi mìn khiến địch phải lui quân, là cơ hội để Tiểu đoàn 59 cùng lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu theo kế hoạch.

Dù tương quan lực lượng chênh lệch, dù hỏa lực địch mạnh hơn gấp nhiều lần, nhưng với thế trận chuẩn bị kỹ càng, tinh thần chiến đấu anh dũng, Tiểu đoàn 59 đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội Âu Phi, thu 1 đại liên và một số súng trường , bẻ gãy cuộc càn đầy tham vọng của địch, là thất bại nặng nề nhất trong các lần mở các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Đá Bàn. “Chiến thắng Vườn Gòn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa. Từ đó đến khi Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 không có cuộc hành quân càn quét nào của chúng dám vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn” .

Thắng lợi của trận chống càn Vườn Gòn – Đá Bàn đã khẳng định bước phát triển khả năng tác chiến của Tiểu đoàn 59, là kết quả của quá trình chiến đấu, rèn luyện của đơn vị, đồng thời góp phần khẳng định vai trò nòng cốt của bộ đội chủ lực trong cuộc kháng chiến toàn dân, là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng. Từ thành công này, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là Quân đội nhân dân, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh. Toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2023 và những năm tiếp theo, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Cùng với phấn đấu hoàn thiện điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh” vào năm 2025, cần tích cực đổi mới công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; kết hợp huấn luyện với đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Chủ động xây dựng, điều chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch, phương án tác chiến các cấp, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, vận dụng tốt các phương thức, cơ chế mới trong bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật cho các nhiệm vụ; tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phát triển khoa học - công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật quân sự. Thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, phát triển lý luận xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, làm cơ sở nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang thực sự vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiểu biểu, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Hai là, tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước

Căn cứ Đá Bàn được thiết lập trên một vùng rừng núi nằm ở phía Tây Bắc Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 50km; phía Tây có núi Hòn Gục nối liền với dải núi Mẹ bồng con; phía Bắc là núi Hòn Chảo và đồng ruộng Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh; phía Nam là dải núi Dốc Dài; phía Đông nơi sông Đá Bàn đổ nước về hồ Đá Bàn (khu vực này gọi là Bến Ghe). Nơi đây được nối liền với các căn cứ Hòn Hèo và Hòn Lớn ở phía đông và nam huyện Ninh Hòa và có đường giao liên nối liền với vùng tự do Liên khu 5. Cả căn cứ rộng lớn được chia thành các khu vực, có bố phòng chặt chẽ bằng các tuyến chông, mìn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi nên lực lượng trong căn cứ đã tự tạo được nguồn lương thực, thực phẩm. Đá Bàn là hậu cứ vững chắc, là hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa. Từ năm 1951, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh đã được chuyển về đây. Các đơn vị bộ đội của tỉnh và Bắc Khánh cũng chọn căn cứ làm nơi đứng chân, huấn luyện, xây dựng lực lượng.

Nhận nhiệm vụ trên chiến trường Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 đã lấy căn cứ Đá Bàn làm nơi trú quân, là bàn đạp để đơn vị tiến hành các hoạt động thọc sâu xuống các địa bàn ven đường Quốc lộ 1, vùng Nam đường 21, khu vực xung quanh Hòn Khói và thị trấn Ninh Hòa, lần lượt diệt các tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự (6/4); Cầu Lớn (8/4), ở trận này đã diệt luôn 1 trung đội lính ngụy, bắt 42 tù binh, thu vũ khí, giải thoát 50 dân thường; Mỹ Lệ và Hội Bình (15/4) bắt 40 tù binh, thu nhiều vũ khí, đạn dược . Khi biết được địch mở cuộc hành quân nhằm tiêu diệt đơn vị, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 đã triệt để vận dụng địa hình, địa vật của căn cứ, tạo lập thế trận, tổ chức bố phòng nhằm tiêu hao, tiêu diệt địch bằng chông, mìn, cạm bẫy và các cuộc đánh nhỏ; tạo lập thế trận phục kích để đánh khi địch rút lui. Vậy nên, dù tương quan hết sức chênh lệch cả về lực lượng, cũng như vũ khí trang bị nhưng đơn vị đã giành được thắng lợi to lớn. Từ thành công này, vận dụng trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhất là thực tiễn triển khai, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ; các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Khu vực phòng thủ. Tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, khả năng kinh tế địa phương, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”; gắn kết chặt chẽ với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận phòng thủ trên các hướng chiến lược và cả nước. Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược của các đơn vị bộ đội chủ lực, biên phòng,… tập trung đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược ưu tiên hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng, địa bàn biên giới xung yếu gắn với điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến phòng thủ các cấp, các biện pháp phòng, chống chiến tranh thông tin, không gian mạng, kế hoạch phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước cả trước mắt và lâu dài. Chú trọng xây dựng hệ thống căn cứ làm chỗ dựa cho các hoạt động tác chiến phòng thủ, đặc biệt là căn cứ chiến đấu và căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ địa phương. Cùng với đó, chú trọng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên từng vùng lãnh thổ, địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp cho thế trận quốc phòng toàn dân

Để thống nhất thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, khi đến Khánh Hòa, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 cùng với địa phương thành lập Ban chỉ huy chung gồm có đại diện Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy tỉnh đội Khánh Hòa, Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 59 và các Bí thư Ban cán sự vùng, đặt dưới dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tiểu đoàn 59 phối hợp với các đại đội bộ đội địa phương tỉnh, huyện, với lực lượng dân quân du kích. Trong trận chống càn, Tiểu đoàn được sự phối hợp chặt chẽ của Đại đội 700 Khánh Hòa, thường xuyên đánh quấy rối cản đường tiến quân, tiêu hao địch; được dân quân du kích tích cực bố trí chông mìn, cạm bẫy,… sự phối hợp tác chiến chặt chẽ đã gây cho địch những lúng túng, bất ngờ không những về không gian, thời gian, mà cả đội hình, thế trận và tổ chức hiệp đồng của chúng cũng bị phá vỡ. Cả 3 mũi tiến quân của chúng đều không đạt kế hoạch, lại bị tiêu hao lực lượng nên phải rút lui, là thời cơ để Tiểu đoàn 59 đánh phục kích, diệt địch ở Vườn Gòn.

Thành công trên đã để lại bài học về tăng cường phối hợp các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Theo đó, cùng với tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng thường trực, phải coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vừa là chủ thể tiến hành, vừa là một thành tố quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang quần chúng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”. Xây dựng lực lượng dự bị động viên theo phương châm “lực lượng hùng hậu, rộng khắp”. Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân theo hướng “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chú trọng xây dựng công an xã chính quy, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ khả năng làm nòng cốt trong xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường thế trận quốc phòng. Trong đó, chú trọng tham mưu cho địa phương tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng; đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân”, quy hoạch, đầu tư xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Cùng với đó, cần chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch động viên cho quốc phòng; làm tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, v.v.

Các đơn vị Quân đội tiếp tục phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy mạnh xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng,… nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, hướng chiến lược của đất nước. Đặc biệt, thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có đối sách xử lý phù hợp, không để bị động, bất ngờ, trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang địa phương với các đơn vị bộ đội chủ lực của các Quân khu, Bộ trong các hình thức tác chiến để phát huy sức mạnh trong giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

 Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một trong những chiến công tiêu biểu của Tiểu đoàn 59, là sự đánh dấu bước phát triển khả năng tác chiến của đơn vị, đặc biệt là khả năng chỉ huy, hợp đồng chiến đấu của Ban Chỉ huy tiểu đoàn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Thắng lợi đó đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp khi mở cuộc hành quân quy mô hòng phá căn cứ kháng chiến quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, tiêu diệt Tiểu đoàn 59, để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Khánh Hòa và để lại những bài học có giá trị vận dụng cho công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc- nội dung trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trực tiếp nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

70 năm đã trôi qua, âm hưởng chiến công mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, giá trị của chiến thắng luôn được vận dụng phát huy trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.