12:04, 01/04/2023

Nha Trang vươn tầm cao mới

L.T.S: Trên hành trình phát triển, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm cho từng giai đoạn. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi của các địa phương, đặc biệt là TP. Nha Trang; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nhân dân.

L.T.S: Trên hành trình phát triển, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm cho từng giai đoạn. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi của các địa phương, đặc biệt là TP. Nha Trang; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nhân dân.

 

Từ làng chài nhỏ bé bên sông Cái, TP. Nha Trang giờ đây vươn mình phát triển với tốc độ nhanh, hướng tới trở thành đô thị hạt nhân năng động, hiện đại, thông minh.


Theo dòng lịch sử


Trong ký ức của Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh), Nha Trang sau năm 1975 còn muôn vàn khó khăn, cơ sở sản xuất nghèo nàn, cơ sở hạ tầng còn ít và đơn sơ chứ chưa khang trang, hiện đại như bây giờ.

 

Một góc TP. Nha Trang hôm nay.

Một góc TP. Nha Trang hôm nay.


Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Nha Trang, ngược dòng lịch sử, từ năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ. Năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y với 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. 20 năm sau, vào năm 1944, vua Bảo Đại ra đạo dụ nâng thị trấn Nha Trang lên thành thị xã và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y. Trước giải phóng năm 1975, Nha Trang là thị xã hoàn toàn sống nhờ vào viện trợ của Mỹ với khoảng 35% dân số tập trung cho các hoạt động dịch vụ, thương mại.


Cuối tháng 3-1977, Hội đồng Chính phủ quyết định nâng thị xã Nha Trang lên thành TP. Nha Trang, trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Ngày 22-4-2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận TP. Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, mở ra cơ hội phát triển mới cho thành phố.


Hướng tới đô thị hạt nhân


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Nha Trang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Tập trung nguồn lực, từng bước phát triển vùng kinh tế Nha Trang theo định hướng của tỉnh”. Đặc biệt, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đã chỉ rõ, xây dựng, phát triển TP. Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực cho sự phát triển của cả tỉnh Khánh Hòa và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Nha Trang sẽ là vùng trọng điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và sẽ là 1 trong 3 vùng kinh tế - xã hội động lực, trọng điểm của tỉnh; đưa thương hiệu du dịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch quốc tế. Đây chính là cơ sở, động lực để thành phố vươn lên.

 


Đến nay, Nha Trang đã có sự phát triển mạnh mẽ, là điểm đến nổi tiếng của khu vực và quốc tế. Năm 2019, tổng thu ngân sách đạt hơn 3.440 tỷ đồng; lượng khách quốc tế đến thành phố đạt gần 3 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.260 tỷ đồng. Thành phố có hơn 800 cơ sở lưu trú, trong đó có hơn 100 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Giai đoạn 2015 - 2020, thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng 454 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Vượt qua 2 năm đại dịch Covid-19, năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 29%, doanh thu du lịch tăng 512%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng gần 60% so với năm 2021… Thành phố đã có thêm nhiều khu đô thị mới, như: VCN - Phước Long I, VCN - Phước Long II, VCN - Phước Hải, An Bình Tân, Lê Hồng Phong I, Lê Hồng Phong II, Mỹ Gia…


Từ một làng chài nhỏ bé nép mình bên sông Cái, Nha Trang đã vươn mình trở thành đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Những thành tựu đạt được đã tạo cho Nha Trang một lực hấp dẫn mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Sắp tới, thành phố sẽ hoàn thành một số quy hoạch quan trọng; tập trung phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến, công nghệ cao, với kinh tế số là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Thành phố đang phấn đấu tập trung tối đa mọi nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững các ngành kinh tế biển đến năm 2030 theo thứ tự ưu tiên: Dịch vụ du lịch biển chất lượng cao; công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển; kinh tế biển - đảo… Mai này, thành phố sẽ có thêm nhiều công trình tầm cỡ, như: Khu bến cảng Nha Trang, Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, nút giao thông Ngọc Hội, đường Vành đai 2, đường D30; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn Khánh Hòa, gồm các đoạn: Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm; tuyến đường Vành đai 3 TP. Nha Trang; đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung…


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang đã năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Với thành quả tự hào đó, thành phố quyết tâm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ và huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nhân dân, với tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để bứt phá toàn diện, xây dựng Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và quốc tế, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội cấp quốc gia và quốc tế, góp phần cùng cả tỉnh đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra.  


TIỂU MAI - HOÀNG NGÂN