11:03, 27/03/2023

Để Khánh Hòa thực sự trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa biển của cả nước

Khánh Hòa - khúc ruột miền Trung của Tổ Quốc đến nay đã trải qua bề dày lịch sử 370 năm đấu tranh kiên cường, xây dựng và phát triển. Những giá trị lịch sử, văn hóa mà người dân nơi đây chắt lọc bao đời đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp, tô đậm bản sắc của xứ Trầm hương, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

. PGS, TS. NGUYỄN DUY BẮC
- Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

. ThS. HÀ ĐỖ QUYÊN
-  Viện Thông tin Khoa học,  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Nguyên Giảng viên Đại học Khánh Hòa


Khánh Hòa - khúc ruột miền Trung của Tổ Quốc đến nay đã trải qua bề dày lịch sử 370 năm đấu tranh kiên cường, xây dựng và phát triển. Những giá trị lịch sử, văn hóa mà người dân nơi đây chắt lọc bao đời đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp, tô đậm bản sắc của xứ Trầm hương, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, các giá trị lịch sử, văn hóa Khánh Hòa đã và đang trở thành nguồn lực có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc, đồng thời là sức mạnh mềm, tạo vị thế cho Khánh Hòa trong quá trình hội nhập và phát triển ngày nay.


1.  Khái lược về lịch sử và tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng đất Khánh Hòa


Khánh Hòa là vùng đất có lịch sử phát triển lâu dài, một nền văn hóa phong phú, đa dạng và rất rực rỡ. Theo các cứ liệu khảo cổ học, cách đây khoảng 5000 năm con người đã định cư và sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa ngày nay. Các di tích được tìm thấy ở Khánh Hòa đã minh chứng rõ ràng cho lịch sử lâu đời của vùng đất này: Di chỉ Xóm Cồn (Cam Linh, Cam Ranh) thuộc thời đại sơ kỳ kim khí - nền văn hóa tiền Sa Huỳnh; Di chỉ Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông, Cam Ranh) thuộc thời đại đồ sắt, đại diện cho nền văn hóa Sa Huỳnh; mộ chum Diên Sơn (Diên Khánh) có niên đại trên 2.000 năm, đặc trưng cho nhóm cư dân thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, tiền thân của người Chăm ở miền Trung và Khánh Hòa sau này. Ngoài ra, nhiều di vật tiêu biểu khác cũng được phát hiện tại Khánh Hòa như đàn đá Khánh Sơn có niên đại trên 3.000 năm, trống đồng Nha Trang thuộc nền văn hóa Đông Sơn với niên đại trên 2.000 năm, khuôn đúc rìu đồng Ninh Hòa… thể hiện sự phát triển của kỹ thuật chế tác đồ đá và đồ đồng được cư dân cổ tại vùng đất Khánh Hòa tiếp thu và nhân rộng thông qua giao lưu với các nền văn hóa làng giềng. Bia Võ Cạnh (Vĩnh Trung, Nha Trang) có niên đại khoảng thế kỷ thứ III - IV sau Công nguyên của người Chăm theo Bàlamôn giáo, cùng các dấu tích đền, tháp như tháp Pô Nagar - một thánh đường thờ Mẹ xứ sở của người Chăm đã cho thấy sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Chămpa tại vùng đất Khánh Hòa ngày nay.


Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1653, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Chăm đem quân đánh lấn vùng đất Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc làm Tổng binh đem quân nghênh chiến. Vua Chăm thua chạy, nộp lễ xin hàng và dâng đất từ Phan Rang trở ra cho chúa Nguyễn.  Chúa đặt dinh Thái Khang, chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, giao cho Hùng Lộc hầu trấn thủ. Như vậy, năm 1653 là cột mốc lịch sử đánh dấu miền đất Khánh Hòa thuộc Nam Trung bộ ngày nay là lãnh thổ của nước Việt Nam. Đến năm 1690, chúa Nguyễn Phúc Tranh cho đổi tên phủ Thái Khang thành phủ Bình Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh và lập dinh Bình Khang cai quản hai phủ Bình Khang và Diên Khánh. Từ năm 1773 đến năm 1793, dinh Bình Khang thuộc quyền cai quản của nhà Tây Sơn. Đến năm 1793, vùng đất này lại thuộc nhà Nguyễn. Sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, vua Nguyễn cho đổi dinh Bình Khang thành phủ Bình Hòa vào năm 1803. Năm 1808, triều Nguyễn lại đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình Hòa. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho đổi phủ Bình Hòa thành phủ Ninh Hòa. Năm 1832, trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa như tên gọi ngày nay. Từ năm 1885 đến khi trước Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Khánh Hòa nằm dưới quyền cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến; địa giới và tổ chức hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi. Đầu thế kỷ XX, thị trấn Nha Trang ngày càng trở nên quan trọng, là nơi tập trung đông cư dân, dần trở thành trung tâm thương mại, vượt trội so với thị tứ Vĩnh Điềm Hạ. Năm 1924, vua Khải Định ban hành dụ thiết lập thị trấn Nha Trang. Ngày 15-3-1944, vua Bảo Đại ban hành dụ số 9 nâng cấp thị trấn Nha Trang lên thị xã với 5 phường: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.


Từ năm 1945, Nha Trang chính thức trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Khánh Hòa cũng được tổ chức lại trên mọi phương diện, các phủ huyện đổi thành quận, các làng đổi thành xã. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tháng 11-1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp thành thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh nhập lại vào huyện Cam Lâm trở thành huyện Cam Ranh.Tại kỳ họp thứ 4 ngày 28-12-1982, Quốc hội khóa VII đã quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Đến ngày 30-6-1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII quyết định tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như ngày nay. Hiện nay, về tổ chức hành chính, tỉnh Khánh Hòa có 2 thành phố là Nha Trang, Cam Ranh, 1 thị xã Ninh Hòa và 6 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh và huyện đảo Trường Sa.


Trong quá trình xây dựng và phát triển, Khánh Hòa đã chứng kiến sự cộng cư của các cộng đồng tộc người khác nhau trên vùng đất này như người Chăm, người Việt, người Hoa và hơn 30 dân tộc thiểu số khác. Hiện nay, các dân tộc cùng chung sống, giao lưu, học hỏi, tiếp thu văn hóa lẫn nhau, tạo nên sự đa dạng mà thống nhất, của văn hóa Khánh Hòa.


Khánh Hòa là tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung bộ, có tổng diện tích tự nhiên là 5.217,6 km2 1 , phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, phía Đông giáp biển Đông. Mũi Hòn Đôi - điểm cực Đông trên đất liền của Khánh Hòa cũng là điểm cực Đông của Tổ quốc nằm trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh2. Vị trí này của Khánh Hòa từng được Lê Quý Đôn đánh giá trong Phủ biên Tạp lục là “có hình thể trọng yếu của một phương”.


Về địa chất - kiến tạo học, Khánh Hòa nằm ở phần rìa Đông Nam của khối nâng Kon Tum với các dãy núi chính chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam. Khánh Hòa là tỉnh có đầy đủ các dạng địa hình cơ bản như vùng núi, đồng bằng ven biển, biển, bờ biển, đảo. Vùng núi ở Khánh Hòa chiếm khoảng 90% diện tích toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở phía Bắc, Nam và phía Tây với độ cao từ 1.000 - 2.000 m, cao nhất là các đỉnh Hòn Giao (2.062m) và Chư Mư (2.051m)3 . Đồng bằng duyên hải của Khánh Hòa phân bố dọc từ Bắc vào Nam, bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ngang ra biển; diện tích đồng bằng được khai thác trong trồng trọt rộng khoảng 400 km2, trong đó lớn nhất là đồng bằng Ninh Hòa (khoảng 100 km2) và đồng bằng Nha Trang - Diên Khánh (khoảng 130 km2) 4 .


Vùng ven biển của Khánh Hòa chiếm 54,8% diện tích toàn tỉnh với 2.860 km2, vùng biển ven bờ rộng khoảng 2.668,2 km2. Vùng biển Khánh Hòa bao gồm vùng lãnh hải (rộng 12 hải lý), tiếp giáp lãnh hải (rộng 24 hải lý), vùng thềm lục địa (độ sâu đến 200m) và vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lý) có tổng diện tích hơn 44.400 km2, gấp hơn 8,5 lần diện tích đất liền của Khánh Hòa5. Với độ dài khoảng 385 km, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có đường bờ biển đẹp của Việt Nam; chạy dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh gồm nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ. Tỉnh Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn là: Vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Hòn Khói, đầm Nha Phu, Đại Lãnh. Trong đó, nổi bật nhất là vịnh Cam Ranh có diện tích khoảng 185 km2, được đánh giá là một trong ba hải cảng có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn kín gió, có vị trí chiến lược quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế6 ; vịnh Nha Trang rộng khoảng 249,65 km2 được bầu chọn là 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới có giá trị lớn trong khai thác du lịch7 ; vịnh Vân Phong là vịnh biển lớn nhất Khánh Hòa, là điểm cực Đông của bán đảo Đông Dương - điểm kết nối gần nhất từ bờ biển Việt Nam với các tuyến hàng hải quốc tế thuận tiện cho giao thương và hội nhập quốc tế. Trường Sa là quần đảo lớn nhất, có diện tích hơn 160.000 km2 với vô số đảo san hô, cồn cát, rạn đá với nguồn tài nguyên biển giàu có và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia cả về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng. Thiên nhiên ưu đãi cho Khánh Hòa nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi biển Nha Trang, Bãi Tiên, Dốc Lết, Đại Lãnh... Các đảo ở Khánh Hòa là nơi có khả năng tổ chức các dịch vụ du lịch, lặn biển, vui chơi giải trí. Hòn Tre là đảo lớn nhất có diện tích 32,5 km2 với nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trũ, bãi Tre, Bích Đầm...


Khánh Hòa nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới xavan nhưng khí hậu có nhiều nét độc đáo, thuận lợi hơn so với các tỉnh khác tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Khí hậu Khánh Hòa mang tính chất của khí hậu đại dương, tương đối ôn hòa, thường có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô với trung bình 2.600 giờ nắng/ năm; nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 26,7 °C. Khánh Hòa là vùng ít gió bão, tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển Việt Nam8. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho Khánh Hòa trong phát triển du lịch, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản.


Về tài nguyên tự nhiên, Khánh Hòa là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại hình tài nguyên phong phú, đa dạng. Với diện tích rừng 186,5 nghìn ha, Khánh Hòa có trữ lượng gỗ 18,5 triệu m3. Rừng phòng hộ chiếm 34% tổng diện tích rừng, phân bố chủ yếu tại các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và thị xã Ninh Hòa. Với 104 ha rừng ngập mặn phân bố rải rác ở các vùng ven bờ vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, cửa sông Vĩnh Trường (Nha Trang), đầm Thủy Triều và vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa có khoảng 34 loài cây ngập mặn như: Đước, đưng, bần trắng, mắm trắng, mắm biển9…  Khánh Hòa là một trong những trung tâm về đa dạng sinh học rừng, bao gồm nhiều thành phần di cư từ nhiều luồng khác nhau với nhiều loài bản địa quý hiếm. Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch (năm 1996), cả tỉnh có 1.035 loài thực vật thuộc 559 chi và 161 họ. Riêng Hòn Bà có 595 loài xếp trong 401 chi và 120 họ chiếm tới 57% số lượng loài thực vật của cả tỉnh. Sự phong phú về sinh học rừng Khánh Hòa còn đặc biệt được biết đến với sự đa dạng về nguồn gen, nổi bật trong đó là cây Dó bầu (Aquilaria crassna), loài cung cấp các sản phẩm trầm kỳ nổi tiếng trong và ngoài nước10.


Ngoài ra, Khánh Hòa còn là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại, trong đó, đáng chú ý nhất là cát trắng ở Cam Ranh, đáp ứng yêu cầu của sản xuất thủy tinh quang học, pha lê... trữ lượng 52,2 triệu m3; cát ở bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh khoảng 555 triệu m3; inmenhít 26 vạn tấn; đá granite 2 tỷ tấn. Nước khoáng với tổng lưu lượng khoảng 40l/s, khả năng khai thác 3400 - 3500 m3/ngày. Một số nơi đã đưa vào khai thác công nghiệp như nước khoáng Đảnh Thạnh (57 triệu lít/năm). Tài nguyên khoáng sản Khánh Hòa là một trong những loại tài nguyên có thể tiếp tục khai thác trong tương lai để phát triển các sản phẩm tham gia cạnh tranh thị trường.


Nổi bật nhất là tài nguyên biển của Khánh Hòa. Về đa dạng loài, Khánh Hòa có tính đa dạng loài có thể coi là cao nhất so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam với gần 2.000 loài san hô và thảm cỏ biển. Về mặt sinh thái, vùng biển Khánh Hòa có hơn 600 loài cá biển, trong đó có hơn 50 loài có giá trị kinh tế cao với trữ lượng khoảng 120 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%), có thể khai thác hợp lý 70 nghìn tấn/ năm 11 . Vịnh Nha Trang là vịnh hiếm trên thế giới với hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới, bao gồm: Hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Khu vực Hòn Mun của vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới. Ngoài các loài hải sản phổ biến, Khánh Hòa còn là nơi trú ngụ của chim yến với sản lượng khai thác khoảng 2.000 kg yến sào/năm12 . Đây là một đặc sản quý hiếm của Khánh Hòa so với các địa phương khác trong cả nước; vừa góp phần cho xuất khẩu vừa là nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến dược liệu bổ dưỡng cao cấp. Biển Khánh Hòa còn có ý nghĩa với việc sản xuất muối. Nước biển có nồng độ muối tương đối cao, thuận lợi cho việc sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp.


Về văn hóa, do đặc điểm về địa hình, Khánh Hòa có cả 3 vùng văn hóa: Văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển - đảo, trong đó văn hóa biển - đảo nổi trội và đậm nét hơn cả. Theo các cứ liệu khảo cổ học, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày nay đã có sự xuất hiện của những nhóm người cổ sinh sống trên các địa hình khác nhau: Khu vực rừng núi có di chỉ Dốc Gạo (Khánh Sơn) có niên đại khoảng 3.000 năm, Ninh Trung, Ninh Tây (Ninh Hòa) cách nay khoảng 2.500 năm; khu vực đồng bằng có các di chỉ Diên Sơn (Diên Khánh), Ninh Thân, Đồng Thành (Ninh Hòa) có niên đại hơn 2.000 năm; khu vực ven biển và đảo ven bờ với các di chỉ: Xóm Cồn, Bình Ba, Bình Hưng (Cam Ranh) niên đại khoảng 4.000 năm, Bãi Trũ, Bích Đầm (Nha Trang) khoảng 3.500 năm, di chỉ Hòa Diêm (Cam Ranh), Hòn Thị, Ninh Phú (Ninh Hòa) cách nay khoảng 2.000 năm… Như vậy, ngay từ thời tiền và sơ sử, Khánh Hòa đã hình thành các trung tâm cư trú mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, trong đó, văn hóa biển mang tính chủ đạo và rất tiêu biểu qua sự phân bố của các di chỉ khảo cổ học nói trên. Có thể nói, điều kiện địa lý tự nhiên đã có những ảnh hưởng lớn đối với các tộc người cổ sinh sống trên mảnh đất này. Điều này đã có tác động tích cực trong việc tạo cho Khánh Hòa những nét riêng về văn hóa địa phương trong khi vẫn nằm trong diễn trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.


Theo thư tịch cổ, từ khoảng thế kỷ thứ II - III đến giữa thế kỷ XVII sau Công nguyên, vùng đất Khánh Hòa ngày nay thuộc xứ Kauthara của người Chăm. Cư dân nơi đây vốn rất giỏi nghề đi biển, buôn bán bằng đường biển và khai thác biển trong lịch sử. Từ sau năm 1653, người Việt vào sinh sống, cộng cư với người Chăm; thời gian đầu, những trung tâm cư trú của người Việt vẫn là những làng cổ ven sông, ven biển ở Đại Lãnh, Tu Bông (Vạn Ninh), Hòn Khói, Ninh Phú (Ninh Hòa), Vĩnh Hải, Vĩnh Trường, Ngọc Hội, Bích Đầm (Nha Trang), khu vực tứ thôn Đại Điền, Thanh Minh, Trường Lạc (Diên Khánh)… Trải qua 370 năm hình thành và phát triển, Khánh Hòa có một nền văn hóa biển truyền thống của người Việt mà dấu ấn của nó luôn in đậm trong đời sống kinh tế, tinh thần rất dễ nhận biết. Người Việt mang theo những truyền thống khai thác kinh tế biển, truyền thống văn hóa, lối ứng xử với biển của cha ông (chủ nhân văn hóa biển phía Bắc) đến vùng đất mới một cách hữu thức và vô thức. Điều đó khiến cho sắc thái văn hóa truyền thống của Khánh Hòa vừa mang tính chất chung của dân tộc, vừa mang những yếu tố địa phương đặc sắc. Giá trị văn hóa biển - đảo của cư dân Khánh Hòa được thể hiện trong đời sống vật chất, xã hội và tinh thần của cư dân vùng đất này.


Thứ  nhất, về đời sống văn hóa vật chất. Văn hóa biển - đảo in đậm dấu ấn trong các nghề truyền thống gắn với các loại tài nguyên biển của Khánh Hòa như các nghề khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản (nghề làm nước mắm tại Cửa Bé (Vĩnh Trường, Nha Trang), làm muối tại Hòn Khói, Ninh Hòa và Ba Ngòi, Cam Ranh, làm lưới đăng, khai thác yến sào tại Hòn Nội, Hòn Ngoại…) hoặc các nghề thủ công (làm đồ mỹ nghệ bằng vỏ hải sản, đóng ghe thuyền…). Chỉ tính riêng đánh bắt cá, ở Khánh Hòa đã có trên 30 loại nghề khác nhau, quan trọng nhất là các nghề lưới rê (cản lộng, cản ba lường, lưới cước, lưới chuồn, lưới tôm), nghề câu, mành đèn, giã tôm, giã cá. Nắm bắt được đặc điểm tự nhiên của các loài cá thu, cá ngừ, cá bò di cư từ vùng biển phía Nam lên vùng biển phía Bắc từ tháng Chạp tới tháng 5 âm lịch, ngư dân Khánh Hòa đã phát kiến ra phương pháp đánh bắt độc đáo - nghề lưới đăng với quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao. Trước đây nghề lưới đăng ở Khánh Hòa là một đại hải nghệ, ngày nay, do sự phát triển của công nghệ, chỉ còn trên dưới chục sở đầm hoạt động, chủ yếu ở các làng đảo Khải Lương (Vạn Ninh) và Bích Đầm (Nha Trang). Hiện nay, các làng chài ở Vạn Giã, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh vẫn duy trì các tập quán đánh bắt, khai thác biển gần như với phương thức truyền thống (không tính chương trình đánh bắt cá xa bờ được triển khai tại Khánh Hòa từ năm 2015). Khai thác yến sào trên các vách đá tại các đảo ngoài khơi cũng là một nghề truyền thống, đặc trưng, có hiệu quả kinh tế cao của người dân Khánh Hòa. Nghề khai thác yến sào ở Khánh Hòa có lịch sử gần 300 năm; từ thời các chúa Nguyễn, đây là một nguồn lợi đáng kể trong hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong được sử sách ghi lại. Ngày nay, khai thác yến sào đã trờ thành một nét văn hóa đặc trưng của Khánh Hóa, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh các phương thức khai thác tài nguyên biển truyền thống, ẩm thực cũng là một yếu tố thể hiện đậm nét văn hóa biển của người dân Khánh Hòa. Cư dân Khánh Hòa đã sáng tạo nên một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc với nhiều món ăn mang đậm chất biển nổi tiếng như: Bánh canh cá, bún cá, bún sứa, gỏi cá mai, chả cá Ninh Hòa, lẩu mực Đại Lãnh, mắm nhĩ cá cơm Bình Tân…


Thứ hai, đời sống văn hóa xã hội. Các làng ven biển tại Khánh Hòa được thành lập dưới thời chúa Nguyễn. Ban đầu, cư dân vẫn duy trì thiết chế làng xã mô phỏng cách thức của làng xã nông nghiệp Bắc bộ. Sau này, nhận thấy tiềm năng lớn của Biển Đông, cư dân dần chuyển từ nghề nông sang đánh bắt cá. Từ đó, hình thành nên các làng/vạn chài dọc theo bờ biển. Làng/vạn chài của cư dân ven biển Khánh Hòa đã biến đổi dần từ chức năng của làng nông nghiệp sang làng ngư nghiệp. Họ lập ra vạn là tổ chức tự quản, có vạn trưởng để điều hành các công việc trong cộng đồng ngư dân, sắp xếp tổ chức cư dân và các sinh hoạt tâm linh, gia đình cũng liên quan đến vạn. Hiện nay, chức năng chính của vạn là tổ chức tế lễ và các hoạt động cộng đồng dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Có thể nói, giá trị văn hóa biển trong các tổ chức vạn và dòng họ, gia đình ven biển tại Khánh Hòa hòa quện vào nhau, trong đó, nổi bật nhất là giá trị đạo đức, cố kết cộng đồng và kết nối giữa giá trị truyền thống và hiện đại.


Thứ ba, đời sống tinh thần. Biển có vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Khánh Hòa, ghi dấu đậm nét trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây hàng trăm năm qua. Đời sống tín ngưỡng, tâm linh và các hình thức lễ hội của cư dân biển Khánh Hòa vốn rất gần gũi với các nhóm cư dân biển Nam Trung bộ. Đó là tục thờ cúng và lập lăng thờ Ông (cá voi), lễ hội Cầu ngư, lễ hội cúng đình… Trong đời sống cư dân biển Khánh Hòa, cá Ông (Nam Hải đại vương/ Nam Hải đại tướng quân) có vị trí đặc biệt quan trọng, là vị thần hàng đầu cai quản biển cả, đại diện cho lòng tốt, cái thiện, sự cứu giúp con người. Nhằm thể hiện lòng thành kính, cư dân gọi cá voi bằng “Ông”, khi Ông lụy (chết) thì cư dân tổ chức đám tang, lập đền, xây lăng chứa ngọc cốt (xương) để thờ. Tín ngưỡng này ghi dấu đậm nét trong đời sống người dân vùng biển Khánh Hòa và đã được nhà nước phong kiến “chuẩn hóa” thông qua các sắc phong cho Ông hiện còn được lưu giữ tại một số đình hiện nay. Ngoài thờ cá Ông, ngư dân Khánh Hòa còn thờ các vị thần biển, Bà chúa xứ, Bà chúa đảo… qua hình thức chung nhất là thờ ở miếu Hội đồng13.


2. Hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh và khát vọng phát triển Khánh Hòa trong thời kỳ mới


Những tiềm năng, lợi thế nói trên đã được chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa khai thác, chuyển tải thành những thành công trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực”14.


Với vị trí địa lý cùng nhiều tiềm năng thuận lợi, ngày 26-7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, trong đó, Khánh Hòa - Nam Phú Yên được chọn là trọng điểm phát triển của vùng Nam Trung bộ, hướng tới hình thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á, gắn với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Vận tải biển, logistics với các cảng Vân Phong, Cam Ranh, Quy Nhơn; dịch vụ khoa học công nghệ biển gắn với đa dạng sinh thái, bảo vệ môi trường biển, thành lập trung tâm nghiên cứu biển quốc gia ở Khánh Hòa; công nghiệp cơ khí sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển; công nghiệp chế biển hải sản, khoáng sản biển; du lịch biển, đảo gắn với các di sản, di tích văn hóa ven biển, phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí, nghỉ dưỡng tại thành phố Nha Trang, Quy Nhơn; đặc biệt, đề án định hướng phát triển Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ.


Những năm gần đây, Khánh Hòa đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước với chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào 03 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến cuối tháng 9-2022, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 41.102,6 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết quý III/2022, Khánh Hòa đã thu hút được 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478,9 tỷ đồng15. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công đang được tỉnh Khánh Hòa phân bổ cho các dự án có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu dự án TP Nha Trang,  Đường Tỉnh lộ 2 (ĐT.635), Đường Tỉnh lộ 3, Bệnh viện đa khoa Nha Trang, Bệnh viện Ung bướu, Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp, Đường giao thông từ QL1A đến Đầm Môn… Đồng thời, Khánh Hòa đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1… Các công trình đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự khang trang của một trung tâm đô thị của vùng và dần hình thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của cả nước. Đồng thời là điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đã huy động các nguồn vốn để khởi công xây dựng dự án Trung tâm Đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ); tiếp nhận và chuyển đổi công năng cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ để phát triển dịch vụ du lịch; xây dựng đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trình Chính phủ phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ để khởi công xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong và các dự án điện năng lượng mặt trời…


Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, do Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 54.505,2 tỷ đồng, tăng 20,7% so năm 2021, tăng cao nhất từ trước đến nay và là tỉnh có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước. Năm 2022 cũng là năm phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng cho tỉnh Khánh Hoà sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Năm 2022, quy mô nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa ước đạt 95,97 nghìn tỷ đồng; xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Trong cơ cấu nền kinh tế, dịch vụ là ngành có tỷ trọng cao nhất, chiếm 46,53%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 32,39%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng11,2%. GRDP bình quân đầu người của tỉnh trong năm 2022 đạt 76,54 triệu đồng, tăng 22,34% so với năm 2021. Năng suất lao động (theo giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 147,18 triệu đồng/lao động, tăng 11,59% so năm 202116.


Hiện nay, Khánh Hòa đã phát triển được hệ thống giao thông với cả 5 loại hình góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của địa phương. Đó là: Đường bộ với các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 1A nối dọc Bắc - Nam, quốc lộ 26 và 27B nối Khánh Hòa với các tỉnh Tây Nguyên và liên thông sang các nước Đông Nam Á; đường sắt với ga Nha Trang và 12 ga phân bổ tại các huyện, thị xã; đường hàng không với cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - sân bay duy nhất tại Việt Nam có lượng khách quốc tế cao hơn khách nội địa (chiếm 70% lượng khách thông qua cảng hàng không này); đường biển với các vịnh Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang có giá trị quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, đem lại lợi thế cho Khánh Hòa trong quá trình hội nhập quốc tế vượt trội so với các tỉnh, thành khác…


Riêng đối với ngành du lịch - thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa, năm 2022, các chỉ tiêu du lịch đều vượt kế hoạch đã đề ra và có mức tăng cao so năm 2021 như: Tổng doanh thu du lịch đạt 13.843,8 tỷ đồng với 2.566 nghìn lượt khách lưu trú, 6.158,7 nghìn ngày khách, trong đó khách quốc tế 275,3 nghìn lượt khách17. Những thành tựu này của Khánh Hòa đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị: “Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội”18; Khánh Hòa đã xây dựng được hệ thống đô thị ven biển tương đối hiện đại, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.


Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Nha Trang là Đô thị du lịch, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch quốc gia, Trường Sa là Điểm du lịch quốc gia. Cũng theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Khánh Hòa được cấp phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch biển đảo, dịch vụ vận tải biển, đô thị ven biển. Đây được coi là bước ngoặt mới trong phát triển dịch vụ, du lịch biển, đảo của Khánh Hòa. Mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu du lịch Khánh Hòa đến năm 2030 được chính quyền tỉnh đặt ra là: Tổng thu từ khách du lịch đạt 350 nghìn tỷ đồng; ngành dịch vụ đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 55%; thu hút được 15,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 5-10%/năm; tạo việc làm cho hơn 250.000 lao động19.


Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hóa, Khánh Hòa cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong hội nhập và phát triển thời gian qua. Khánh Hòa đã chủ động hội nhập quốc tế và coi đó như một cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng đến các địa phương khác trong cả nước và trên thế giới; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa Khánh Hòa, xây dựng con người Khánh Hòa phát triển toàn diện, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển kinh tế và góp phần nâng cao vị thế của tỉnh cũng như của đất nước. Một số kết quả nổi bật trong quá trình hội nhập văn hóa của Khánh Hòa có thể kể đến là: Chương trình nghiên cứu văn hóa tiền, sơ sử do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và nhóm các trường đại học Nhật Bản (những năm 1990) thực hiện; Chương trình hợp tác nghiên cứu và khai quật di chỉ khảo cổ Hòa Diêm giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Quỹ Phát triển khoa học Nhật Bản (1998); Hội thảo quốc tế khảo cổ học tiền - sơ sử Khánh Hòa do UBND tỉnh Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học tổ chức (2010); Hội thảo quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo Việt Nam do UBDN tỉnh Khánh Hòa và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức (2015); các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật Khánh Hòa với các nước Lào, Nhật Bản… Khánh Hòa cũng là địa phương nổi tiếng với các sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc tế như: Hoa hậu Trái đất 2008, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008… Các chương trình, hoạt động trên đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy Khánh Hòa tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa Khánh Hóa đến bạn bè trong nước và thế giới. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh luôn được chú trọng nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng và góp phần quảng bá, phục vụ hoạt động du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội20.


Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, song đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển. Nghị quyết số 09-NQ/TW nhận định: “Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao. Du lịch phát triển chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Phát triển và quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn hạn chế. Phát triển văn hóa - xã hội còn một số bất cập; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập bình quân đầu người thấp, chênh lệch phát triển trong nội tỉnh còn cao; nguy cơ tái nghèo cao, nhất là tại những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Một số chỉ số về bảo vệ môi trường ở mức thấp; ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động. An ninh tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm lớn”21.


Theo Nghị quyết 09-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không”22.


Để đạt được mục tiêu đó, trước hết, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa cần thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. “Tập trung quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc… Đổi mới tư duy phát triển, coi việc xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là mục tiêu, động lực và giải pháp đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và cả nước. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới”23.


Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển Khánh Hòa trong giai đoạn mới. Phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; tập trung, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị đề ra (10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu).


Ba là, đối với lĩnh vực kinh tế, chính quyền cần thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Khánh Hòa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; nghiên cứu xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại cho các thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ cho phát triển thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp của tỉnh; phát triển Trung tâm Thương mại điện tử Khánh Hòa; coi trọng hơn nữa hoạt động thông tin và truyền thông nhằm phổ biến kịp thời tới các doanh nghiệp các chính sách của tỉnh, nhà nước, luật thương mại quốc tế, các hàng rào kỹ thuật, thông tin về các thị trường lớn…; thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao ở khu kinh tế Vân Phong; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Khánh Hòa với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ kinh tế biển; phát triển và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.


Bốn là, đối với lĩnh vực du lịch. Để khai thác, phát huy tốt tài nguyên, thế mạnh cảnh quanh và giá trị văn hóa góp phần phát triển du lịch, biến Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển của khu vực Nam Trung bộ nói riêng, chính quyền tỉnh cần ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch, đặc biệt là các khu vực được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Khánh Hòa với các địa phương khác trong phát triển du lịch. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa, xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; từ đó, có chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn, hệ thống nhận diện thương hiệu không thể quên trong lòng du khách nội địa và quốc tế. Quản trị du lịch theo chuẩn quốc tế, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường sự gắn kết giữa du lịch với các ngành kinh tế khác. Bảo đảm thuận lợi về các hình thức tiếp cận của người dân trong nước và quốc tế đối với tỉnh Khánh Hòa (thông tin, hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách…). Đa dạng hóa thị trường du lịch, hướng tới phát triển du lịch Khánh Hòa bền vững, hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của các yếu tố khách quan (dịch bệnh, thiên tai…) tới du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch theo hướng phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường đầu tư và nâng cao năng lục xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Khánh Hòa; đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng trong phát triển du lịch.


Năm là, đối với lĩnh vực văn hóa. Văn hóa nói chung, văn hóa biển nói riêng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Để Khánh Hòa trở thành trung tâm văn hóa biển của cả nước, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa trước hết cần quán triệt quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển cần tuân thủ tốt yêu cầu định hướng của Đảng và quản lý của Nhà nước; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển của cư dân Khánh Hòa phải gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển của cư dân Khánh Hòa trên quan điểm phát triển văn hóa toàn diện và bền vững, gắn với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển Khánh Hòa phải gắn với con người và cộng đồng cư dân địa phương với tư cách là chủ thể sở hữu di sản văn hóa biển, bảo vệ, sáng tạo, thụ hưởng các giá trị văn hóa biển; nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường biển với phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về giá trị văn hóa biển; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo con người trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển; xây dựng quy hoạch tổng thể về giá trị văn hóa biển của cư dân ven biển Khánh Hòa; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển; bảo vệ, xây dựng, duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa biển như các bảo tàng biển, đình, đền…của các làng/ vạn; tăng cường quảng bá văn hóa của cư dân ven biển Khánh Hóa gắn với khai thác phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, cải thiện đời sống của cư dân… Chỉ khi văn hóa biển của cư dân Khánh Hòa được bảo tồn tốt, phát huy tối đa giá trị trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay thì người dân mới yên tâm bám biển, làm giàu từ biển; đồng thời là “bức tường thành vững chắc” bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

N.D.B



 

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx


2. Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, https://stttt.khanhhoa.gov.vn/DATA/IMAGES/2023/01/03/20230103163905230bao-cao-tinh-hinh-kinh-te---xa-hoi-tinh-khanh-hoa--1-0.pdf


3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Phan Trọng Điềm, Đào Duy Anh dịch, Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 2013


4. ThS. Nguyễn Văn Khánh, Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống Khánh Hòa 350 năm, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003


5. Vũ Ngọc Phương, Khánh Hòa, Nha Trang - Một tiềm năng, một hiện thực, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004


6. PGS, TS. Hà Đình Thành, Văn hóa biển và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển vùng duyên hải Nam Trung bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016


7. PGS, TS. Đào Tuấn Thành, Khánh Hòa hội nhập quốc tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022


8.  Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 892-QĐ/TTg ngày 26-7-2022 phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/892-ttg.signed.pdf


9. Thủ tướng chính phủ, Quyết định số 2350-QĐ/TTg ngày 24-12-2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-2350-QD-TTg-2014-Quy-hoach-tong-the-phat-trien-du-lich-vung-Duyen-hai-Nam-Trung-Bo-den-2020-261620.aspx


10. UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học – công nghệ đề tài Biên soạn địa chí Khánh Hòa đến năm 2010, Nha Trang, 2014


11. https://khanhhoa.gov.vn/cong-thong-tin-dien-tu-tinh-khanh-hoa


12. https://baokhanhhoa.vn

 

 

__________________________________________

[1] UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học – công nghệ đề tài Biên soạn địa chí Khánh Hòa đến năm 2010, Nha Trang, 2014, tr.308.

[2] Sđd, tr.24.

[3] Vũ Ngọc Phương, Khánh Hòa Nha Trang – Một tiềm năng một hiện thực, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.35.

[4] Sđd, tr.39.

[5] PGS, TS. Đào Tuấn Thành, Khánh Hòa hội nhập và phát triển, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.98.

[6] Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, Giới thiệu tổng quan, https://www.khanhhoa.gov.vn/vi/gioi-thieu-tong-quan-789/dieu-kien-tu-nhien, đăng ngày 8-10-2012.

[7] Vịnh Nha Trang, https://khanhhoa.egal.vn/vi/Tourism/Places/5/vinh-nha-trang.html.

[8] Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, Giới thiệu tổng quan, https://www.khanhhoa.gov.vn/vi/gioi-thieu-tong-quan-789/dieu-kien-tu-nhien, đăng ngày 8-10-2012.

[9] Tiềm năng phát triển công nghiệp, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tiem-nang-phat-trien-cong-nghiep-13347.htm, đăng ngày 11-11-2010.

 

[10]Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa,  Tài nguyên thiên nhiên, https://khanhhoa.gov.vn/vi/gioi-thieu-tong-quan-789/tai-nguyen-thien-nhien, đăng ngày 10-10-2012.

[11] PGS, TS. Đào Tuấn Thành, Khánh Hòa hội nhập và phát triển, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.103.

[12] Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa,  Tài nguyên thiên nhiên, https://khanhhoa.gov.vn/vi/gioi-thieu-tong-quan-789/tai-nguyen-thien-nhien, đăng ngày 10-10-2012.

[13] ThS. Nguyễn Văn Khánh (chủ biên), Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống Khánh Hòa 350 năm, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2003, tr.251.

[14] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx.

[15] Trung Vũ, Huy động vốn toàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 111.910 tỷ đồng trong 9 tháng, https://kinhtedothi.vn/huy-dong-von-toan-tinh-khanh-hoa-dat-hon-111-910-ty-dong-trong-9-thang.html, đăng ngày 19-10-2022.

[16] Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, https://khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/SubDomain/HomePage/2022/Quy4/13150.pdf.

[17] Nguồn đã dẫn, https://khanhhoa.gov.vn/Resources/Docs/SubDomain/HomePage/2022/Quy4/13150.pdf.

[18] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx.

 

 

[19] Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khánh Hòa hướng tới mục tiêu tở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, https://bvhttdl.gov.vn/khanh-hoa-huong-toi-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-du-lich-bien-quoc-te-20221021111006873.htm, đăng ngày 21-10-2022.

[20] Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, https://khanhhoa.gov.vn/vi/toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa/bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-van-hoa, đăng ngày 15-10-2020.

[21] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx.

[22] Nguồn đã dẫn, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx.

[23] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-09-NQ-TW-2022-xay-dung-phat-trien-Khanh-Hoa-den-2030-502576.aspx.