Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Lịch sử ra đời, quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Khánh Hòa gắn liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam...
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Lịch sử ra đời, quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Khánh Hòa gắn liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong dòng chảy lịch sử Khánh Hòa 370 năm, lịch sử 93 năm của Đảng bộ Khánh Hòa tuy chiếm một thời gian không dài, nhưng để lại nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tựu to lớn, ghi nhiều dấu ấn lịch sử nổi bật đã và đang được các thế hệ của tỉnh tiếp tục phát huy lên một tầm cao mới.
Lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác
Vào những năm 1925 - 1929, những người yêu nước Khánh Hòa, trong đó đáng chú ý là số thanh niên trí thức, học sinh, công nhân đã nhạy bén tiếp thu những luồng tư tưởng phù hợp với khát vọng giải phóng quê hương, đất nước do những nhà yêu nước theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc như Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn… truyền bá. Từ đó, những cơ sở cộng sản đầu tiên được hình thành, dẫn đến việc chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang các chi bộ và thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản liên đoàn, và sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 24-2-1930.
Vừa mới thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cách mạng. Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 tại huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) là cuộc đấu tranh có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh ta và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở Nam Trung Bộ giành được thắng lợi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập; góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng nước ta trong những năm 1930 - 1931. Trong cuộc vận động cách mạng 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều cuộc hội họp, mít tinh truyền bá tư tưởng của Đảng, nhiều cuộc biểu tình chống chính sách sưu cao thuế nặng, chống lại chế độ thống trị hà khắc của thực dân, đòi quyền dân sinh dân chủ… Thời kỳ 1939 - 1945, những đảng viên của Đảng bộ kiên cường bám trụ, dựa chắc vào quần chúng, xây dựng cơ sở Đảng, phát triển tổ chức Việt Minh, chuẩn bị lực lượng vũ trang, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa. Tháng 8-1945, khi thời cơ đến, Đảng bộ đã kịp thời lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, các tổ chức đoàn thể cách mạng, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 23-10-1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa nổ súng kháng chiến mở đầu cuộc chiến đấu 101 ngày đêm bao vây quân xâm lược Pháp trên mặt trận Nha Trang, góp phần tạo điều kiện cho cả tỉnh và cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, là tỉnh thuộc vùng bị địch tạm chiếm đầy gian lao, ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa đã xây dựng các chiến khu kháng chiến, phong trào du kích chiến tranh vượt qua những chặng đường gian lao thử thách. Đến Đông - Xuân 1953 - 1954, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, quân và dân cả tỉnh phối hợp với các chiến trường, áp sát bao vây tiêu diệt địch, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua những năm khó khăn, ác liệt nhất của phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng. Trong khi kẻ thù tập trung đánh phá phong trào ở đồng bằng, thị xã, thị trấn thì Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền núi, tiến tới giải phóng miền núi, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh. Từ năm 1961, quán triệt đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng đề ra cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh, Đảng bộ đã bám chắc vào quần chúng, vừa chiến đấu vừa xây dựng thực lực cách mạng, chuyển phong trào từ thế phòng thủ sang thế tiến công, lập nên nhiều chiến công xuất sắc; góp phần cùng với chiến trường toàn miền, đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đến năm 1975, khi thời cơ đến, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh vào ngày 2-4-1975, góp phần vào đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước toàn thắng, ghi lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng kiên cường, ý chí chiến đấu anh dũng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.
Đảng bộ Khánh Hòa trong sự nghiệp đổi mới
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tập trung sức lực và trí tuệ nhanh chóng tiếp quản tỉnh nhà, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở sản xuất, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Từ năm 1986, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần VI về sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, thời gian đầu Khánh Hòa còn nằm trong đơn vị hành chính tỉnh Phú Khánh. Ngày 1-7-1989, Đảng và Nhà nước quyết định chia lại địa giới tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là thời kỳ Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa cùng cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, XIV, XV, XVI, XVII, XVIII đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, nêu cao bản lĩnh, khí phách của vùng đất, con người Khánh Hòa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nhanh, bền vững.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Năm 2022, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là việc Trung ương ban hành các nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021, cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 76,54 triệu đồng, tăng 22,34%; thu ngân sách nhà nước 16.485 tỷ đồng, vượt 37,2% dự toán và tăng 17,1% so với năm 2021; tổng doanh thu du lịch đạt gần 13.844 tỷ đồng, bằng 346,09% kế hoạch và gấp 5,75 lần so với năm 2021; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1.600 triệu USD, tăng 22,87%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 61.982 tỷ đồng, tăng 15,01%; tỷ lệ giảm nghèo đạt 0,62% (vượt chỉ tiêu là 0,33%), làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,53%.
Năm 2022 cũng là năm Khánh Hòa triển khai thực hiện cơ bản các quy hoạch chính: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2035... Đây là bước khởi đầu để Khánh Hòa bước vào giai đoạn phát triển mới căn cơ, bền vững.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được các cấp ủy chú trọng triển khai thường xuyên, bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đổi mới thực chất phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc; nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cùng với sự kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đã tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh cho quá trình phát triển, gia tăng niềm tin trong xã hội. Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, tính đến ngày 26-12-2022, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.793 đảng viên mới, đạt 105,4%; qua đó nâng tổng số đảng viên trên địa bàn tỉnh lên 47.349 đảng viên.
Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu, định hướng của năm “quy hoạch - đầu tư” tạo đà bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 09 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
B.K.H