12:10, 11/10/2013

Trồng hoa Tết ở Ninh Hòa: Ngổn ngang nỗi lo

Những ngày này, các hộ trồng hoa Tết ở Ninh Giang, Ninh Phụng, Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa)… đang tất bật vào vụ. Tuy nhiên, thời tiết thất thường, chi phí đầu vào tăng đang là nỗi lo của những người trồng hoa nơi đây.

 

Những ngày này, các hộ trồng hoa Tết ở Ninh Giang, Ninh Phụng, Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa)… đang tất bật vào vụ. Tuy nhiên, thời tiết thất thường, chi phí đầu vào tăng đang là nỗi lo của những người trồng hoa nơi đây.


Vào vụ hoa Tết


Khoảng hơn một tháng rưỡi trở lại đây, làng trồng hoa ở phường Ninh Giang nhộn nhịp hẳn lên khi nhà nhà bắt đầu xuống giống trồng hoa Tết. Dọc 2 bên đường chạy qua các tổ dân phố Phong Phú 1, Phong Phú 2, Phú Thứ... của phường, thay cho các khu đất trống giờ là hàng ngàn chậu cúc pha lê, cúc đại đóa cao khoảng một lóng tay đang thời kỳ trổ lá.

 

Người dân hối hả vào vụ hoa Tết.
Người dân hối hả vào vụ hoa Tết.

 


Gần 12 giờ trưa nhưng ông Nguyễn Thành Vinh (tổ Phong Phú 2) vẫn lúi húi bên các chậu cúc để tìm và ngắt ngọn các cây cúc con. Ông cho biết, đây là thời kỳ rất quan trọng, quyết định cây phát triển hoặc chết nên hàng ngày người trồng hoa phải chăm kỹ, từ nhổ cỏ, ngắt ngọn, tỉa nhánh đến bón phân, tưới nước, chong đèn... để kích thích cây phát triển. Khi cây khoảng 2,5 đến 3 tháng tuổi, bắt đầu cắm cọc tạo dáng. Thời gian còn lại là kích thích cho cây ra hoa đẹp và nở đúng vào dịp Tết. “Năm nay, gia đình tôi vay thêm vốn hỗ trợ của Hội Nông dân phường để đầu tư trồng 500 chậu cúc đại đóa và pha lê, tăng 100 chậu so với năm ngoái. Hy vọng thời tiết thuận lợi để vụ hoa Tết năm nay được mùa, không thất thu như năm trước” - ông Vinh nói.


Trời đã đứng bóng nhưng bà Triệu Thị Hiền (tổ Phong Phú 1) cũng đang ngắt ngọn, nhổ bớt lá ở gốc cây cúc cho cây phát triển. Năm nay gia đình bà trồng 350 chậu cúc pha lê, trong đó có 50 chậu cúc lớn (mỗi chậu từ 70 - 80 cây), còn lại là loại trung (50 cây/chậu). Theo bà Hiền, nếu thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt, giá thu mua như năm ngoái thì sau khi trừ vốn đầu tư, tiền lãi gia đình bà thu được khoảng 30 - 40 triệu đồng.

 

Bà Hiền cẩn thận chăm sóc từng gốc cây hoa.
Bà Hiền cẩn thận chăm sóc từng gốc cây hoa.


Cũng như Ninh Giang, những ngày này, hộ trồng hoa ở các thôn Tân Thừa, Bình Thành (Ninh Bình), Thuận Lợi (Ninh Hà)... cũng tranh thủ ngắt ngọn, tỉa lá, bón phân, tưới nước cho các chậu cúc đang trong thời kỳ trổ lá, nứt nhánh. Ông Nguyễn Thoại (thôn Tân Thừa, Ninh Bình) chia sẻ, gia đình ông xuống cây giống từ đầu tháng 8 âm lịch. Đến nay, 500 chậu cúc pha lê phát triển tốt, cây cao khoảng gang tay. Theo ông Thoại, năm nay phường có hơn 30 hộ trồng hoa cúc Tết với khoảng 15.000 chậu.  


Phập phồng theo dịch bệnh, thời tiết


Bên cạnh niềm vui tất bật vào vụ, nhiều hộ trồng hoa ở các xã, phường Ninh Giang, Ninh Bình, Ninh Hà cũng đang xót ruột khi nhiều chậu cúc đại đóa cao khoảng 2 ngón tay mắc bệnh nấm nhớt, héo, vàng lá... đang chết dần. Ông Đỗ Đình Đông (tổ dân phố Phong Phú 2, Ninh Giang) cho biết, gia đình ông trồng 500 chậu cúc đại đóa nhưng do mắc bệnh nấm nhớt nên số cây bị chết đến nay chiếm gần 1/3. “Giống này tôi mua ở Đà Lạt về trồng. Bệnh này từ giống gây ra nên không chữa được. Ngoài ra, gia đình tôi gieo giống sớm hơn nửa tháng, cây đang phát triển tốt thì bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa tháng trước nên mắc thêm bệnh vàng lá. Thời tiết thuận lợi như mấy hôm nay thì có khả năng cuối năm, số chậu cây còn sống và cho hoa chiếm 1/2 , bán ra cũng đủ bù chi phí, công sức. Nếu thời tiết thất thường thì coi như mất trắng”, ông Đông nói.  

 

1
Thời tiết mưa, nắng thất thường khiến ông Vinh khá lo lắng về bệnh trên cây hoa.


Khác với năm ngoái, năm nay một góc khu đất trống trước nhà ông Bảy Em (thôn Bình Thành, Ninh Bình) đầy các chậu đất không vứt lăn lóc. Ông giải thích đó là những chậu trồng cúc bị mắc bệnh nấm nhớt, vàng lá không phát triển được nên ông nhổ bỏ. Năm nay, gia đình ông trồng 500 chậu cúc đại đóa, nhưng do cây mắc các bệnh trên, lại bị ảnh hưởng các đợt mưa nên hơn 1/2 số cây giống của ông bị bệnh chết. Gia đình ông gieo trồng lại đợt 2, tuy nhiên đến nay, số chậu cúc đang phát triển chỉ còn khoảng 300 chậu.


Nhiều hộ trồng hoa cho biết, năm nay số lượng cúc đại đóa bị chết do mắc các bệnh trên và do ảnh hưởng các đợt mưa tháng trước chiếm hơn 20%. Riêng cúc pha lê vẫn phát triển tốt.


Bên cạnh dịch bệnh, thời tiết thất thường, người trồng hoa ở Ninh Hòa đang gánh thêm nhiều nỗi lo khi giá phân bón, giống, cây cắm tạo dáng, thuốc trị bệnh cho hoa, giá nhân công... đều tăng. Ông Nguyễn Thám (tổ dân phố Phong Phú 2, Ninh Giang) cho biết: “Giá phân năm nay tăng lên 1.000 đồng/kg; cây cắm tạo dáng tăng từ 150.000 đồng/thiên lên 170.000 đồng/thiên, tiền thuê nhân công tăng từ 120.000 đến 160.000 đồng/công... Tổng chi phí cho 1 chậu hoa trung khoảng 60.000 - 80.000 đồng, chậu lớn khoảng 150.000 đồng/chậu, tăng gần 30% so với năm ngoái”. Chia sẻ nỗi lo này, bà Triệu Thị Hiền nói thêm: “Nếu giá bán sỉ khoảng 110.000 - 120.000 đồng/chậu trung, khoảng 230.000 - 250.000 đồng/chậu lớn, bằng giá năm ngoái và thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết thì trừ chi phí đầu tư, người trồng hoa lời khoảng 30%. Nhưng còn 3 tháng nữa mới đến Tết, chưa biết thời tiết thế nào nên chúng tôi đang lo”.


NGHĨA HÀ


 


Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Ninh Hòa: Năm nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, người dân trồng khoảng 200.000 chậu hoa Tết, chủ yếu là cúc đại đóa và pha lê, tăng 20% so với năm ngoái. Đây là giai đoạn quan trọng, do đó người dân nên thường xuyên theo dõi, phát hiện bệnh kịp thời để có hướng điều trị sớm cho cây phát triển tốt.

 

Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang: Năm nay, ngoài tổ chức các lớp tập huấn, đưa bà con đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng hoa ở Đà Lạt, Hội còn tín chấp ngân hàng gần 2 tỷ đồng cho các hộ vay vốn đầu tư trồng hoa. Hiện nay, số cây bị vàng lá là do bị ảnh hưởng đợt mưa vừa rồi nên cây thiếu hụt phân. Vì vậy, tranh thủ thời tiết đang thuận lợi, bà con chỉ cần thúc phân kịp thời cây sẽ phục hồi tốt.