Hiện nay, không ít mặt hàng trên thị trường có tên gọi, mẫu mã nhái gần giống với các nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Hiện nay, không ít mặt hàng trên thị trường có tên gọi, mẫu mã nhái gần giống với các nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Nhập nhèm thật - giả
Bà T.N.Loan - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Phú (TP. Nha Trang) cho biết, cách đây vài tháng, một nhân viên tiếp thị đến cửa hàng giới thiệu sản phẩm bàn chải răng P/S với giá chỉ 3.000 đồng/chiếc, bằng 1/3 so với những sản phẩm cùng loại mà bà nhập về trước đó. Mua xong, bà Loan mới phát hiện mình bị lừa, bởi tên sản phẩm in trên bao bì thực chất là PLS (chữ “L” được viết nghiêng) rất giống nhãn hiệu P/S; màu sắc, kiểu dáng, logo không khác gì hàng thật. “Nhiều nhân viên tiếp thị khẳng định mình làm việc ở công ty phân phối sản phẩm chính hãng và có các chiêu chào hàng rất khôn khéo. Nếu không hiểu biết về sản phẩm, tiểu thương rất dễ bị mắc bẫy của đội ngũ kinh doanh hàng giả, hàng nhái” - bà Loan nói.
Bên cạnh đó, vẫn có không ít cửa hàng cố tình nhập hàng giả, hàng nhái về bán vì lợi nhuận cao. Bà M., chủ một tiệm tạp hóa trên đường 23-10 (TP. Nha Trang) tiết lộ, nếu như 1 gói bột giặt Tide chính hãng bán ra thị trường bà chỉ được hưởng khoản chênh lệch từ 1.500 đến 4.000 đồng (tùy loại) thì với hàng nhái, khoản lãi có thể cao gấp 2 đến 3 lần. Trong số đó có loại bột giặt nhãn hiệu Tids nhái màu sắc bao bì, họa tiết và logo giống đến 90% nhãn hiệu Tide, giá bán ra chỉ bằng 2/3 so với hàng thật. Các sản phẩm này được chủ hàng bày bán số lượng ít để đề phòng có lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, ở nhiều chợ lẻ còn xuất hiện các sạp hàng kinh doanh thời vụ những mặt hàng như: Sữa tắm, bột giặt, dầu gội đầu… Trong số đó có nhiều người dùng chiêu quảng cáo “hàng khuyến mãi mừng sinh nhật công ty”, “giảm giá chỉ một lần duy nhất”… để bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Không ít người dân sau khi mua hàng về sử dụng mới ngã ngửa vì mua phải hàng dởm. Bà Nguyễn Thị Minh Châu (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết, một lần đi chợ Bình Tân (TP. Nha Trang) bà thấy có quầy hàng di động bán sữa tắm White Care giá chỉ 30.000 đồng/chai 1 lít, tặng kèm thêm 1 chai nhỏ 200ml. Thấy giá rẻ, lại có đông người mua nên bà Châu cũng mua về dùng thử. Về nhà, bà mới biết mình bị lừa vì địa chỉ sản xuất in nhập nhèm, không sắc nét; sữa tắm bên trong chai có màu vàng chứ không phải màu trắng như sản phẩm cùng loại mà bà đã mua ở siêu thị.
Cần có các chương trình phân biệt hàng thật - hàng giả để người tiêu dùng so sánh. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các sản phẩm thời trang cũng được nhái với những nhãn hiệu nổi tiếng. Tại một số chợ và cửa hàng giày dép, chúng tôi thấy giày hiệu Adidas có hàng nhái mang tên Adidos, Adadas; giày Nike có “đối thủ” là Like hay Ivke; giày Puma có thêm “người anh em” là Pamu; áo Lacoste giả in nguyên xi tên thương hiệu “xịn” nhưng lại cách điệu biểu tượng con cá sấu… Giá các sản phẩm giả, nhái rẻ hơn nhiều so với hàng thật. Tại một số cửa hàng điện thoại di động ở TP. Nha Trang còn bán điện thoại có tên gọi, mẫu mã na ná hàng “xịn” như Noki4, Nokla (nhái Nokia), Samsnung (nhái Samsung)...; có sản phẩm gắn thương hiệu iPhone, iPod với mẫu mã, tính năng không khác gì hàng xịn, nhưng logo nổi tiếng “quả táo cắn dở” lại được đổi thành quả táo còn nguyên vẹn…
Bất cập trong quản lý
Gần đây, Nhà nước ban hành nhiều quy định mới liên quan đến hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu với những chế tài cụ thể và mức xử phạt cao hơn. Cụ thể, theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (có hiệu lực từ tháng 2-2013), các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới 100 triệu đồng. Theo Nghị định về xử phạt những hành vi vi phạm, xâm phạm về nhãn hiệu, logo đã được bảo hộ (có hiệu lực ngày 15-10-2013), tùy theo giá trị hàng hóa, dịch vụ mà mức xử phạt có thể lên đến 250 triệu đồng. Đó là các hành vi: Sản xuất, chào hàng, vận chuyển, bán, tàng trữ, trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu. Quy định là vậy, nhưng để thực thi có hiệu quả thì vẫn còn không ít vướng mắc. Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, những mặt hàng làm giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng chủ yếu là hàng nhập lậu hoặc do các cơ sở trong nước làm giả. Để xử lý hàng giả phải có giám định kết luận hàng giả. Tuy nhiên, chi phí giám định rất lớn so với kinh phí hoạt động của ngành chức năng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không thể tiến hành giám định vì hàng hóa thuộc các nước không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong nước không thực hiện việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình nên khi bị giả mạo nhãn hiệu, họ đành chấp nhận chia sẻ thị phần cho các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh.
Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường quản lý của ngành chức năng, các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu cách thức chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tổ chức bày hàng thật - hàng giả để người tiêu dùng phân biệt.
T.VIỆT