07:08, 22/08/2013

Thách thức của hàng Việt

Những năm gần đây, vị thế của hàng Việt trên sân nhà từng bước được nâng lên, song vẫn đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Những năm gần đây, vị thế của hàng Việt trên sân nhà từng bước được nâng lên, song vẫn đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.


Hàng ngoại: Đắt có “xắt ra miếng”?


Có một thực tế là trong khi nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam chuộng uống bia Đức, ăn bánh kẹo của Mỹ, Malaysia, dùng hàng gia dụng của Nhật, Thái thì nhiều người nước ngoài lại chọn bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, đồ dùng bằng nhựa của Duy Tân, Đại Đồng Tiến do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất. Theo ông Nguyễn Vũ Ngọc Thiện, Giám đốc Siêu thị Citimart Nha Trang, họ chọn hàng Việt vì chất lượng tốt không thua kém gì hàng ngoại nhưng giá lại rẻ hơn nhiều do không phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí quảng cáo, vận chuyển... Trong khi đó, đa số người Việt Nam lại cho rằng, hàng ngoại đắt tiền đồng nghĩa với chất lượng tốt.


Không thể phủ nhận rằng các thương hiệu nước ngoài ngày càng đa dạng trên thị trường, có mặt từ siêu thị đến cửa hàng, sạp chợ với đủ chủng loại từ mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo đến các mặt hàng công nghệ cao như điện tử, điện máy... Tuy nhiên, việc nhiều lô sữa ngoại của các nhãn hiệu nổi tiếng như Abbott, Dumex phải thu hồi vì bị nghi nhiễm khuẩn vừa qua được xem là một “bài học” cho bộ phận không nhỏ NTD có tâm lý sính ngoại hiện nay. Bà Nguyễn Thị Thu (Vĩnh Phước, Nha Trang) phân trần: “Lâu nay, nghe các bà mẹ mách nhau phải dùng sữa ngoại mới tốt cho con nên tôi cũng chắt bóp chi tiêu để mua cho con sữa đắt tiền. Giờ tôi phải thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn”.


Trong khi hàng thật “có vấn đề” lần lượt bị rút khỏi các quầy kệ thì trên thị trường, các mặt hàng khác bị làm giả, làm nhái theo các thương hiệu nước ngoài vẫn tồn tại công khai. Ông Trần Đức Mạnh, chủ sạp kính mắt trên đường 23/10 (Nha Trang) cho hay, cùng là một loại kính nhưng nếu gắn mác hàng hiệu Gucci, Rayban... thì bán chạy hơn hẳn loại kính không nhãn mác hoặc gắn các nhãn hiệu ít tiếng tăm khác. Nhiều người biết rõ đó là hàng nhái vì hàng thật không bao giờ có giá rẻ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chiếc, nhưng họ vẫn mua vì mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với túi tiền. “Thậm chí cũng những loại kính đó nhưng vào các shop lớn thì giá còn cao hơn nữa. Giá càng đắt thì nhiều người càng nghĩ đó là hàng cao cấp” - ông Mạnh nói. Cũng vì tâm lý sính ngoại nên có nơi còn gắn nhãn mác nước ngoài cho mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Trong chuyến thăm các tiểu thương tại Nha Trang, đại sứ hàng Việt và Công ty TNHH Liêu Thanh (sản xuất trang phục lót thương hiệu Jovial) đã phát hiện sản phẩm mang nhãn hiệu này bị gắn mác “made in Japan”. Cả người bán và NTD được hỏi đều cho rằng họ không biết đây là thương hiệu Việt.

 

Đa số kính mắt trên thị trường đều gắn nhãn mác nước ngoài.
Đa số kính mắt trên thị trường đều gắn nhãn mác nước ngoài.


Nhiều rào cản


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh, những năm gần đây, vị thế của hàng Việt trên thị trường từng bước được nâng lên. Song nhìn một cách tổng quan thì hàng Việt vẫn còn yếu thế so với hàng ngoại. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN Việt Nam, nhiều siêu thị công bố thị phần hàng Việt chiếm 60 - 80% lượng hàng hóa. Tuy nhiên, trong số đó lại có không ít mặt hàng mang thương hiệu ngoại thuộc các tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy tại Việt Nam. Những tập đoàn này chi mạnh tay cho các vị trí đẹp trên kệ hàng để thu hút NTD. Trong khi đó, nhiều DN vừa và nhỏ trong nước tìm chỗ đứng ở siêu thị lại trải qua một hành trình không vui: Từ trên kệ rồi xuống giữa kệ, tiếp đó đi xuống dưới kệ và rồi... đi ra ngoài. Đó chưa hẳn là bởi hàng Việt thua kém về chất lượng, mà vì DN trong nước không có đủ tiền làm quảng cáo, thực hiện nhiều khuyến mại, thuê vị trí đẹp trong siêu thị, thuê nhân viên quảng bá tới tận tay NTD...


Nhiều NTD cho rằng, sở dĩ họ chọn hàng ngoại vì nhiều mặt hàng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ở phân khúc mặt hàng cao cấp, hàng đòi hỏi công nghệ cao. Theo ông Nguyễn Chánh Bổn, Giám đốc Siêu thị điện máy Chánh Bổn (Nha Trang), đối với mặt hàng điện máy, thương hiệu Việt chưa thể cạnh tranh với các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc... có tiếng trên toàn cầu đã nhiều năm chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm này luôn cải tiến công nghệ, đa dạng hóa tính năng, đổi mới mẫu mã. Còn hàng Việt nhìn chung vẫn đơn điệu, kém hấp dẫn.  


Làm sao để việc lựa chọn hàng Việt không chỉ là ưu tiên mà từng bước trở thành thói quen, thành văn hóa tiêu dùng của người Việt? Làm thế nào để NTD luôn cảm thấy hãnh diện khi sử dụng hàng sản xuất trong nước? Thiết nghĩ, điều này cần cả sự nỗ lực của nhà sản xuất và ý thức của NTD. Theo bà Vũ Kim Hạnh, NTD đòi hỏi hàng nội phải liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Sản xuất hàng tốt, giá rẻ chưa đủ mà phải tổ chức mạng lưới phân phối, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng. DN cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu để tăng thêm sự lan tỏa của hàng Việt đến với NTD. Các ngành chức năng cũng cần có giải pháp giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiệu quả để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt.


V.ANH