09:09, 30/09/2021

Quỹ tín dụng nhân dân: Cần tháo gỡ vướng mắc

Tuy dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và thu nợ, song từ đầu năm đến nay, các quỹ tín dụng nhân dân vẫn có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hiện nay, các quỹ vẫn gặp một số vướng mắc bởi quy định của Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và thu nợ, song từ đầu năm đến nay, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hiện nay, các quỹ vẫn gặp một số vướng mắc bởi quy định của Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

 

Dư nợ tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh


Bà Nguyễn Thị Trà - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) cho biết, tình hình dịch bệnh phức tạp và thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay và thu nợ của quỹ. Tính đến ngày 31-8, quỹ chỉ thực hiện cho vay được 150 lượt thành viên với doanh số cho vay hơn 13,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 320 lượt với doanh số đạt 18,5 tỷ đồng); doanh số thu nợ hơn 18,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 21,9 tỷ đồng). Do tình hình thu nợ gặp khó khăn nên tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng, hiện ở mức 1,16% (cùng kỳ năm trước chỉ 0,44%). Phần lớn dư nợ cho vay của quỹ tập trung vào cho vay tiêu dùng, đáp ứng đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.

 

Trên địa bàn tỉnh có 4 QTDND gồm: Vĩnh Phương, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), Cam Lâm, Ninh Hòa. Tính đến ngày 31-8, tổng tài sản của các QTDND đạt gần 280,3 tỷ đồng, tăng 9,03% so với cùng kỳ năm trước; vốn điều lệ đạt 16,2 tỷ đồng.

Người dân giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Phương.


Trong khi đó, dư nợ cho vay của QTDND Ninh Hòa phục vụ chủ yếu cho việc kinh doanh thu mua nông sản, xây dựng và sửa chữa nhà ở. Dư nợ cho vay của quỹ đến cuối tháng 8 đạt 68,5 tỷ đồng. Trong đó, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà ở  16,8 tỷ đồng; cho vay nông nghiệp chăn nuôi 14,5 tỷ đồng; cho vay kinh doanh thu mua nông sản 25,8 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng 7,8 tỷ đồng. Tuy dịch bệnh khiến việc kinh doanh, tiêu thụ nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn nhưng 8 tháng năm 2021, quỹ không phát sinh nợ xấu.


Theo số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 31-8, dư nợ cho vay của 4 QTDND trên địa bàn đạt 173,1 tỷ đồng, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 66,2% tổng dư nợ. Các QTDND đang hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ theo quy định của NHNN, kinh doanh có lãi; chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ xấu 0,27%, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ. Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các QTDND căn cứ vào tình hình thực tế khách hàng vay vốn tại quỹ chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 để quyết định, chịu trách nhiệm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN; kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.


Vẫn còn vướng mắc

 

Trên địa bàn tỉnh có 4 QTDND gồm: Vĩnh Phương, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), Cam Lâm, Ninh Hòa. Tính đến ngày 31-8, tổng tài sản của các QTDND đạt gần 280,3 tỷ đồng, tăng 9,03% so với cùng kỳ năm trước; vốn điều lệ đạt 16,2 tỷ đồng.

Thông tư 21/2019 của NHNN Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 sửa đổi các thông tư trước đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản liên quan đến vốn góp của thành viên, địa bàn hoạt động, nhân sự của QTDND tại các địa phương. Theo lãnh đạo một số quỹ, Thông tư 21 ra đời đã hỗ trợ nhiều cho các QTDND trong quá trình hoạt động, nhưng thực tế vẫn có một số vướng mắc. Ông Nguyễn Tấn Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Ninh Hòa cho biết, theo Thông tư 21, Hội đồng quản trị thẩm định điều kiện, lập danh sách thành viên xin tham gia và báo cáo Đại hội thành viên thông qua danh sách kết nạp thành viên mới nên khi nhân dân có nhu cầu vay vốn và muốn tham gia thành viên sẽ không được kết nạp ngay mà phải chờ đến Đại hội thành viên thông qua (tổ chức 1 lần/năm). Khi đến Đại hội thành viên, người dân không còn nhu cầu vì đã liên hệ với các tổ chức tín dụng khác khiến việc kết nạp thành viên và cho vay của quỹ gặp nhiều khó khăn.  


Theo lãnh đạo QTDND Vĩnh Phương, quy định về kết nạp thành viên cũng ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của quỹ trong thời gian qua. Thời gian tới, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân vùng nông thôn muốn phục hồi sản xuất, kinh doanh cần số vốn nhỏ (khoảng từ 10 đến 30 triệu đồng) sẽ khó tiếp cận với quỹ vì đại hội thành viên của quỹ đã tổ chức vào tháng 3-2021.


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra giám sát của chi nhánh đã triển khai thanh tra tại 2 QTDND trên địa bàn. Qua thanh tra cho thấy, các QTDND đã chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN, của pháp luật nhưng vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình hoạt động, đã được chấn chỉnh kịp thời. Công tác giám sát an toàn vi mô của các QTDND được Thanh tra, giám sát chi nhánh thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh nhằm đảm bảo các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Về kiến nghị của các QTDND liên quan đến Thông tư 21, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tiếp nhận và báo cáo với NHNN.


MAI HOÀNG