10:05, 05/05/2021

Quản lý chặt tín dụng bất động sản

Thị trường bất động sản ở Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đang có dấu hiệu "nóng lên" sau thời gian dài đóng băng. Nhằm quản lý, kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và những rủi ro ở lĩnh vực này.

Thị trường bất động sản (BĐS) ở Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đang có dấu hiệu “nóng lên” sau thời gian dài đóng băng. Nhằm quản lý, kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và những rủi ro ở lĩnh vực này.


Dư nợ lĩnh vực bất động sản giảm


Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, lãnh đạo NHNN cho biết, tính đến ngày 15-3, dư nợ cho vay BĐS của ngành NH tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng chung tín dụng (2,04%).

 

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa. (Ảnh minh họa)

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa. (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS lại giảm hơn so với cuối năm 2020 và giảm so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tính đến ngày 31-3, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS trên địa bàn tỉnh là 21.547 tỷ đồng, giảm 604 tỷ đồng, tương đương mức giảm 2,73% so với cuối năm 2020; so với cùng kỳ giảm 52 tỷ đồng, tương đương mức giảm 0,24%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực BĐS là 1,75%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu cho vay toàn địa bàn (1,93%).


Đại diện một NH trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, dư nợ cho vay BĐS trong quý I/2021 của NH này đạt gần 1.400 tỷ đồng, tập trung vào các đơn vị đầu tư xây dựng khách sạn; khách hàng mua nhà ở; xây nhà ở… Dư nợ này cơ bản giữ nguyên so với đầu năm. Tuy thị trường BĐS trên cả nước đang có dấu hiệu “nóng lên” nhưng dư nợ của lĩnh vực này ở Khánh Hòa vẫn chưa có nhiều biến động đáng kể.


Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng


Tín dụng lĩnh vực BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định nên các NH luôn thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ nhiều năm qua. Theo các NH, để hạn chế rủi ro và nợ xấu từ cho vay BĐS, các NH luôn thực hiện đúng và đầy đủ chủ trương, chỉ đạo của NHNN và các quy trình, quy định của hệ thống. Cụ thể, đánh giá kỹ hồ sơ pháp lý, việc đáp ứng các điều kiện tín dụng, không thực hiện cho vay đầu cơ BĐS...


Với những diễn biến mới của thị trường BĐS, NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng BĐS tăng trưởng lành mạnh, bền vững. Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, nhằm quản lý, kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Hội sở chính TCTD giao. Bên cạnh đó, các chi nhánh TCTD hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp. Các TCTD cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số khách hàng lớn, nhóm khách hàng lớn vay vốn đầu tư vào các dự án BĐS có quy mô lớn, phân khúc BĐS cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; các công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở (officetel, condotel…), các nhu cầu về vay vốn để đầu cơ BĐS; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Các TCTD tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.


MAI HOÀNG