10:11, 06/11/2019

Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách

Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Vạn Ninh liên tục có bước phát triển, đi vào đời sống. Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) liên tục có bước phát triển, đi vào đời sống. Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.


Trước đây, gia đình ông Trần Văn Nhứt (thôn Suối Luồng, xã Vạn Thắng) thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế gia đình chủ yếu là trồng trọt và nuôi bò sinh sản. Do thiếu vốn nên đàn bò sinh sản chỉ có 2 con; vườn cây ăn quả đến thời điểm thu hoạch như: mít, xoài… không được cải tạo, chăm sóc nên hiệu quả không cao. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn, ông Nhứt làm thủ tục vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn vay này, ông mua 4 con bò cái và cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả gần 2ha của gia đình. Sau gần 1 năm, bò đã sinh được bê con, chăm sóc một thời gian nữa ông có thể bán với giá khoảng 10 triệu đồng/con; các loại cây ăn quả trong vườn do được chăm sóc tốt nên cho trái nhiều hơn, mang lại thu nhập đáng kể. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, ông Nhứt thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình ông đã thoát nghèo.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông Trần Văn Nhứt  có điều kiện phát triển kinh tế.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông Trần Văn Nhứt có điều kiện phát triển kinh tế.


Đây chỉ là một trong số hàng chục ngàn lượt hộ gia đình trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách trong 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, từ khi Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào đời sống đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, từ đó giúp họ thoát nghèo, đời sống được nâng cao. Có được kết quả trên trước hết là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện trong công tác triển khai hoạt động tín dụng chính sách và tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí nguồn vốn vay. Các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện tín dụng chính sách đến người dân. Tính đến ngày 30-9, tổng nguồn vốn đạt 363,8 tỷ đồng, tăng 166,6 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 1,7 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách, tăng 2 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40 là chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và nhà ở xã hội, tổng dư nợ đạt 363,4 tỷ đồng với 19.257 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng trong 5 năm đạt 168,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,28%. Trong 5 năm qua, có 23.214 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách.


Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, đến nay, hội đang quản lý hơn 142 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp nhiều hội viên nông dân có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.


Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng được xem là một cánh tay đắc lực để người dân đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã khi tiếp cận được nguồn vốn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân còn rất lớn, nhưng nguồn vốn khá hạn chế. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các cấp, ngành cần xem xét bố trí thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân địa phương được vay. Đồng thời, huyện tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn sau giải ngân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách. Qua đó, giúp nâng cao đời sống nhân dân đúng như mục tiêu mà Chỉ thị số 40 đề ra.


Thanh Hải