Sau loạt bài "Tín dụng đen" hoành hành đăng trên Báo Khánh Hòa, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng nguồn vay chính thống để hạn chế "tín dụng đen". Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa về vấn đề này.
Sau loạt bài “Tín dụng đen” hoành hành đăng trên Báo Khánh Hòa, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng nguồn vay chính thống để hạn chế “tín dụng đen”. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa về vấn đề này.
- Có ý kiến cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn nhưng người dân còn bị hạn chế bởi các quy định pháp luật trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng qua các kênh chính thống, vô tình tạo nên một thị trường màu mỡ cho “tín dụng đen” khai thác. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng với 165 điểm giao dịch NH; 240 điểm giới thiệu dịch vụ của 4 công ty tài chính, trong đó có 98 điểm giao dịch tại các huyện, thị xã đồng bằng và 5 điểm giao dịch tại 2 huyện miền núi. Mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ NH đã bao phủ khắp các địa phương trong tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch NH của người dân.
Đến ngày 31-12-2018, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh là 20.218 tỷ đồng (74.219 khách hàng còn dư nợ), chiếm tỷ trọng 27,24%/tổng dư nợ, tăng 4.385 tỷ đồng với 27,69% so với cùng thời điểm này năm trước. Tín dụng tiêu dùng trên địa bàn nông thôn đạt 1.171 tỷ đồng, chiếm 5,79%/dư nợ cho vay tiêu dùng toàn tỉnh.
Đa số khách hàng vay tiêu dùng tại các chi nhánh TCTD tập trung ở khu vực thành thị do có nguồn trả nợ từ lương ổn định và mức trả nợ phù hợp nên đáp ứng các điều kiện vay vốn từ phía NH. Có 4.145 khách hàng còn dư nợ ở địa bàn nông thôn, chiếm tỷ trọng rất thấp (5,58%) trong tổng số khách hàng còn dư nợ cho vay tiêu dùng (74.219 khách hàng). Bình quân dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn đạt 283 triệu đồng/khách hàng.
Qua đó cho thấy, khách hàng khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, tuy nhu cầu vay tiêu dùng chiếm đa số nhưng không đáp ứng đầy đủ điều kiện cho vay của TCTD. Nguyên nhân do người dân nông thôn chủ yếu là lao động tự do, công việc không ổn định, không có tài liệu chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ vay; tài sản đảm bảo là nhà ở chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, nguyên tắc cho vay là phải hoàn trả không phải cấp phát, cho vay phải thu hồi được nợ, hạn chế rủi ro thấp nhất.
- “Tín dụng đen” ngày càng diễn biến phức tạp. Thời gian qua, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã có biện pháp gì để góp phần hạn chế vấn nạn này, thưa ông?
- NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn ưu tiên tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, NH, rút ngắn thời hạn xét duyệt cho vay đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ NH phù hợp với từng phân khúc khách hàng; mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển mô hình NH lưu động ở địa bàn khó khăn, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn và các dịch vụ NH khác; định kỳ hạn nợ phù hợp với đối tượng cho vay, giúp khách hàng không phải đi vay nặng lãi để đáo hạn NH. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất cho vay, không thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.
NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đồng thời, đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của “tín dụng đen”; giới thiệu các kênh cung ứng vốn chính thức để người dân tiếp cận dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; tăng cường các nguồn vốn và sản phẩm cho vay thông qua các quỹ tài chính của tổ chức để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo.
Đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm với lãi suất ưu đãi, linh hoạt, cố định trong 1 năm, 2 năm đầu. Một số chi nhánh TCTD còn thiết kế các sản phẩm chuyên biệt dành cho giáo viên, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân có khả năng trả nợ, cán bộ, công chức, khách hàng vay vốn có tài sản đảm bảo muốn vay hạn mức cao; khách hàng vay vốn không tài sản đảm bảo... với các lãi suất khác nhau trên cơ sở đánh giá rủi ro. Hồ sơ, thủ tục vay vốn được các chi nhánh TCTD chuẩn hóa, đơn giản, thuận tiện để đẩy nhanh thời gian xét duyệt cấp tín dụng (tối đa 3 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ), nhưng vẫn đảm bảo quản lý được các rủi ro theo quy định.
Với các giải pháp tích cực trên, đến ngày 31-3-2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 81.128 tỷ đồng, tăng 4,21% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 20.180 tỷ đồng, tăng 12,86%; dư nợ cho vay các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 3,27%.
- Thưa ông, thời gian tới, để góp phần mở rộng tín dụng, hạn chế “tín dụng đen”, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục có giải pháp, đề xuất gì?
- NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cho vay “tín dụng đen”; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của “tín dụng đen”, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ tài chính lành mạnh để người dân dễ dàng tiếp cận.
- Xin cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)