Nguồn vốn tín dụng đối với bất động sản đã được ngành Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn, phần nào tác động tới thị trường bất động sản.
Nguồn vốn tín dụng đối với bất động sản (BĐS) đã được ngành Ngân hàng (NH) kiểm soát chặt chẽ hơn, phần nào tác động tới thị trường BĐS.
Thị trường ổn định hơn
Sau một thời gian tăng trưởng nóng, hiện nay, thị trường BĐS đang có chiều hướng chững lại, nhất là ở phân khúc BĐS cao cấp. Một trong những nguyên nhân tác động đến thị trường BĐS là do nguồn vốn tín dụng đối với BĐS đã được ngành NH kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, đối với thị trường BĐS, nguồn vốn tín dụng chiếm đến 70% nên chỉ cần có sự tác động thay đổi lãi suất hay giảm nguồn vốn sẽ tác động lớn đến lĩnh vực này. Những năm gần đây, thị trường BĐS phát triển ồ ạt, trong đó nổi lên dòng sản phẩm cao cấp nghỉ dưỡng condotel. Hiện nay, các NH siết chặt dòng vốn vay cho phân khúc này là phù hợp. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội lại quá ít. Nên chăng ngành NH tập trung nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. Thị trường BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Vì thế, siết tín dụng BĐS cần có lộ trình để doanh nghiệp hạn chế khó khăn, tính toán phương án phù hợp.
Theo Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, trong năm 2018, ngoài các dự án cũ còn tồn kho, tiếp tục bán, thì một số dự án có sản phẩm mới bán ra thị trường. Đối với dự án nhà ở thương mại có: chung cư CT2 - Khu đô thị VCN Phước Hải, tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn, dịch vụ và chung cư Nha Trang Bay, tổ hợp chung cư và văn phòng tại số 4 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang. Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng có: khách sạn Starcity Nhatrang, dự án căn hộ và khách sạn Virgo. Ông Trần Đình Quý cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS đã ổn định hơn, trả về với giá trị thực. Tính trên mặt bằng chung đã giảm giá khoảng 20%, người mua được lựa chọn sản phẩm với giá hợp lý hơn nhưng lượng giao dịch chậm. Về nguồn cung BĐS trên thị trường, ở thời điểm hiện tại không có sản phẩm mới được tung ra.
Siết vốn phân khúc cao cấp
Tại các hội nghị của ngành NH, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lưu ý phân khúc BĐS cao cấp đang có dấu hiệu bão hòa nên ngành NH cần siết chặt cho vay vốn đối với phân khúc này. Bên cạnh đó, cần mở rộng tín dụng đối với BĐS phân khúc trung bình, nhà ở xã hội cho số đông có thu nhập thấp có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 30-4, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS trên địa bàn tỉnh đạt 19.114 tỷ đồng, tăng 3,87% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn là 5,73%. Dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS chiếm 24,35% dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS chủ yếu tập trung vào cho vay nhà ở, chiếm 66% dư nợ cho vay BĐS và đầu tư văn phòng, cao ốc, chiếm tỷ trọng 15,92%. Trong đó, đối với dư nợ cho vay nhà ở, chiếm đến 92,1% để mua, xây dựng nhà ở; đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê chiếm 7,9%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay đối với lĩnh vực BĐS là 0,26%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu cho vay toàn địa bàn 0,62%. |
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn, nhóm khách hàng lớn vay vốn đầu tư vào các dự án BĐS có quy mô lớn, phân khúc BĐS cao cấp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, các công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở (officetel, condotel…); chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn; thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh BĐS, cho vay đối với các nhà đầu tư thứ cấp. Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Vietcombank Khánh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, chi nhánh đã có chính sách phù hợp để điều tiết nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực BĐS, có biện pháp hạn chế vay đầu cơ bằng công cụ lãi suất. Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của chi nhánh; nguồn vốn chủ yếu vẫn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Theo đó, năm 2018, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ, NH Chính sách xã hội đã cho 192 hộ vay vốn nhà ở xã hội, giải ngân hơn 52,1 tỷ đồng. Trong quý I/2019, Trung ương tiếp tục phân bổ 50 tỷ đồng cho NH Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục giải ngân cho vay nhà ở xã hội.
NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các chi nhánh NH kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được hội sở chính giao; tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu phát sinh. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp. Các NH không cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc thực hiện các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; thực hiện tốt công tác truyền thông, giải thích rõ về quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng là chủ đầu tư, người mua nhà trong việc phối hợp với NH thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến hoạt động NH.
NAM DU