Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh luôn triển khai đồng bộ, hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Nhờ đó đã góp phần tạo động lực cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…
Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Diên Khánh luôn triển khai đồng bộ, hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Nhờ đó đã góp phần tạo động lực cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…
Phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng
Gia đình ông Hoàng Văn Thắng (xã Diên Tân) có hơn 2ha đất vườn đồi. Do thiếu vốn đầu tư sản xuất nên những năm trước đây ông chỉ trồng bắp, mì. Năm nào thời tiết thuận lợi thì đủ ăn; năm nào hạn hán thì lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Năm 2016, thông qua Hội Nông dân xã, ông Thắng nắm bắt được thông tin về nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện dành cho hộ nghèo. Ông đã làm đơn vay 50 triệu đồng đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: mít nghệ, bưởi da xanh… Ông Thắng cho biết, từ vốn tín dụng chính sách vay được, ban đầu ông trồng chuối, đu đủ, sau đó trồng xen canh mít nghệ, bưởi da xanh để “lấy ngắn nuôi dài”. Tích lũy được ít vốn, ông đầu tư khoan giếng, xây dựng hệ thống nước tưới cho cả khu vườn nên các loại cây cho năng suất rất cao, đem lại thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, ông đã trả xong khoản nợ cũ, thời gian tới ông sẽ tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư mở rộng trại chăn nuôi heo đen.
Năm 2017, bà Lê Thị Hải (xã Diên Đồng) vay 50 triệu đồng vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh thông qua Hội Phụ nữ xã để đầu tư nuôi gà thả vườn. Nhờ tham gia lớp học ngắn hạn theo chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn về nuôi gà thả vườn do xã tổ chức, bà áp dụng thả nuôi 100 con, sau đó thấy hiệu quả nên số lượng gà bà thả nuôi tăng dần theo từng năm. Đến nay, gia đình bà nuôi từ 1.000 đến 1.200 con gà thịt mỗi năm, theo phương pháp gối đầu nên mỗi tháng đều có gà xuất bán. Trừ chi phí, gia đình bà lãi hơn 80 triệu đồng/năm từ nuôi gà. Ngoài ra, bà Hải còn tận dụng nguồn phân gà để chăm sóc cho 2ha mía. Với cách làm hiệu quả, đến nay, bà đã trả hết nợ vay của ngân hàng. Bà Hải dự tính sẽ tiếp tục làm đơn xin vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi gà.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng
Ông Lê Văn Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, tính đến cuối năm 2018, đơn vị đã giải ngân cho hơn 19.000 đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ hơn 311 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 22 tỷ đồng cho hơn 700 hộ vay vốn. Để nguồn vốn đến đúng các đối tượng vay, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể để khảo sát và triển khai các nguồn vốn đến tận tay người dân. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, đúng mục đích. Nhờ vậy, các nguồn vốn trên địa bàn huyện được sử dụng rất hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm được hơn 300 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo trong năm 2018. Tuy nhiên, tính đến nay, qua rà soát lại có hơn 50 hộ đi khỏi địa phương còn nợ hơn 615 triệu đồng; hơn 60 hộ đi làm ăn xa với số nợ hơn 700 triệu đồng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ quá hạn.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc giải ngân nguồn vốn chính sách hiện đã phù hợp hơn với thời vụ, tập quán sản xuất của người dân, giúp họ phát triển vườn cây ăn quả, trồng mía, keo, chăn nuôi heo, trâu, bò, gia cầm. Nhờ vậy, người dân tăng được giá trị cho cây trồng, vật nuôi, từ đó vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, huyện đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo các xã, thị trấn thẩm định, kiểm tra từng hộ sử dụng vốn. Điều đáng mừng là kể từ ngày 1-3, mức vay của hộ nghèo đã được NHCSXH Việt Nam tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và tăng thời hạn vay lên 120 tháng, qua đó sẽ tạo cơ hội, động lực cho hộ nghèo mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục tập trung giải ngân vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng; củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với xã còn khó khăn, có đông hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn vay, phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để những hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn để sản xuất.
VĂN GIANG